Đại Lộc là vùng thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lụt. Do vậy, năm 2014, các ban ngành chức năng của huyện tập trung triển khai sớm các phương án phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (PCLB - GNTT).
Đánh giá hậu quả
Đại Lộc là vùng “rốn” lũ. Không chỉ ảnh hưởng bởi lũ lụt, đây còn là địa phương thường xuyên đối diện với thiên tai. Theo thống kê, từ cuối tháng 9 đến 11.2013, Đại Lộc chịu ảnh hưởng nặng nề của 4 cơn bão, trong đó nặng nhất là bão số 11 đổ bộ trực tiếp. Những đợt bão lũ năm 2013 đã làm chết 3 người, bị thương 109 người, 56 nhà dân bị sập và xiêu vẹo, 559 nhà tốc mái hoàn toàn, thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân trên 337 tỷ đồng…
Đợt bão lũ năm 2013 gây sụp đổ nhiều nhà dân. Ảnh: H.L |
Năm 2014 này, theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện, tình hình thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Khô hạn trên diện rộng đã xuất hiện ngay từ vụ đông xuân 2013 - 2014 và tiếp tục diễn ra gay gắt ở vụ hè thu. Từ nay đến tháng 11.2014, sẽ có từ 6 - 9 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong có có ít nhất 2 cơn bão có cường độ mạnh, sức gió vùng trung tâm cấp 10, cấp 11 và khả năng ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới sẽ diễn ra sớm hơn mọi năm. Đặc biệt, vùng thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn, ngoài thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 còn có thêm Sông Bung 4 đi vào hoạt động. Như vậy, vào mùa mưa, mực nước trên các sông Thu Bồn và Vu Gia sẽ lên nhanh do ảnh hưởng của xả lũ đầu nguồn. Việc xây dựng đường cao tốc đi qua địa bàn Quảng Nam cũng là một tác nhân quan trọng khiến cho tình hình ngập lụt sẽ diễn ra phức tạp ở mức cảnh báo cao.
Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh - Chánh văn phòng Ban PCLB-GNTT tỉnh thông tin thêm, năm 2014, trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn có một số thay đổi lưu lượng nước. Thời điểm cuối vụ hè thu, cây lúa đang rất cần nước, việc Sông Bung 4 chặn dòng tích nước sẽ làm gia tăng nguy cơ khô hạn ở cuối vụ. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn vào mùa mưa lũ cũng rất lớn và nhiệm vụ PCLB-GNTT sẽ nặng nề hơn. “Để đối phó với khô hạn ở cuối vụ, Chi cục Thủy lợi tỉnh, huyện Đại Lộc sẽ phối hợp với các nhà máy thủy điện xây dựng kế hoạch vận hành nhằm đảm bảo nước tưới cho vùng hạ du. Quan trọng hơn, để giảm thiểu rủi ro cho vùng hạ du trong mùa mưa bão 2014, ngành thủy lợi đang tích cực phối hợp với địa phương và các nhà máy thủy điện xây dựng kế hoạch và quy chế vận hành xả lũ” - ông Tý nói.
Chủ động phòng chống
Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Trưởng ban Chỉ huy PCLB-GNTT nhận xét: Khâu PCLB-GNTT tại Đại Lộc có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện tới xã, thôn cùng với sự phối hợp, phân công cụ thể giữa các ban ngành liên quan. Qua các đợt bão lũ, có thể thấy, nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến trong triển khai PCLB, song bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn chưa linh hoạt phương châm “5 tại chỗ”, một số địa phương còn lơ là, không trực ban chỉ huy khi bão lũ xảy ra, gây ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo chung. Một số cán bộ phụ trách còn thiếu trách nhiệm, chưa bám sát địa phương, khâu tuyên truyền còn yếu. “Năm 2014 này, các hạn chế, yếu kém trên sẽ được sửa chữa, khắc phục, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB các xã/thị trấn, chủ tịch xã/thị trấn là trưởng ban PCLB và trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót” - ông Phan Đức Tính chỉ đạo.
Cũng theo ông Tính, đối với những “điểm nóng” về tình trạng sạt lở, lũ quét, lũ ống, lũ cát như thôn Dục Tịnh (Đại Hồng), Đại Mỹ (Đại Thạnh) Đại Hưng, thôn 10 (Đại Cường), Giao Thủy (Đại Hòa)… huyện chỉ đạo các trưởng ban PCLB tại các địa phương lên phương án sẵn sàng ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện di dời khẩn cấp các hộ dân những vùng trọng điểm lũ đến nơi an toàn khi tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, tránh thất thoát, thiệt hại về người và tài sản. Huyện cũng chỉ đạo xã Đại Cường rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ 2013 khi toàn huyện xảy ra 3 vụ chết đuối trong mưa lũ thì 2 trường hợp xảy ra ở Đại Cường, một địa phương được trang bị khá tốt về phương tiện, trang thiết bị PCLB. “Mùa mưa lũ này, huyện chỉ đạo 18/18 xã/thị trấn tăng cường việc nâng cao ý thức cho nhân dân trong việc phòng chống, ứng phó với mưa lũ, nghiêm cấm tình trạng sử dụng phương tiện, ghe thuyền đánh cá, vớt củi trong mưa lũ” - ông Tính cho biết.
Trong khi đó, ông Trương Xuân Tý nhấn mạnh, Đại Lộc cần chú trọng vào 3 phương án chính: phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Địa phương cần chủ động hợp đồng với lực lượng vũ trang huyện, tỉnh để kịp thời ứng phó trên cơ sở những phương án cụ thể. Công tác kiểm tra các hồ chứa cần được quan tâm bởi một số hồ đập (hồ 10 tấn - Đại Nghĩa, hồ Cây Xoay - Đại Hồng, Chấn Sơn - Đại Hưng) bị bồi lấp, sạt lở, cần nâng cấp, duy tu trước mùa mưa bão. “Các đơn vị quản lý đập cần xây dựng phương án kịp thời, trình Ban chỉ huy PCLB tỉnh phê duyệt, xem xét, triển khai cấp bách. Năm nay, tình hình mưa bão diễn biến phức tạp và có nguy cơ đến sớm so với dự kiến nên đối với những công trình thi công dang dở, cần khoanh vùng, có biện pháp bảo vệ công trình hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại” - ông Tý nhấn mạnh.
HOÀNG LIÊN