Dự báo 7 giờ sáng nay 26.9, tâm bão bão Noru (bão số 4) còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 12 - 13, giật cấp 16.
Đường đi của bão cũng được dự đoán chủ yếu đi về hướng tây, đến sáng sớm mai (thứ ba, 27.9) ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông, sáng sớm 28.9 (thứ Tư) thì vào đất liền trong phạm vi từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 8 - 9, giật cấp 11.
Cũng theo dự báo, Quảng Nam nằm trong vùng tâm bão Noru quét ngang qua.
Vậy là sau khoảng 5 năm, bão mạnh dự báo đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam. Nhưng nếu nói mức độ “chịu ảnh hưởng” vì mưa to gió lớn và các “thể loại” thiên tai khác, thì tính trong vòng 3 năm trở lại đây, Quảng Nam chỉ tạm “được” nghỉ ngơi hơn 1 năm để tái thiết, khắc phục kể từ sau thảm nạn thiên tai dồn dập những tháng cuối năm 2020.
Nỗi ám ảnh của những trận sạt lở núi ở Nam Trà My, Bắc Trà My vùi lấp làng mạc, tình cảnh cô lập đồng bào ở 3 xã nhiều tháng liền ở Phước Sơn, hành trình cứu trợ suốt cung đường dài theo mấy huyện vùng cao… vẫn vẹn nguyên. Có lẽ vì thế, trước thông tin bão Noru uy hiếp, chính quyền và người dân ở Quảng Nam ứng phó sớm và nhanh nhạy.
Nếu có sự khác biệt nào đó về nguy cơ của các đợt uy hiếp là ở hướng tác động: mưa lớn gây sạt lở núi hồi cuối năm 2022, còn bây giờ là bão. Nhưng nếu xét về nguy cơ và mức độ rủi ro có thể mang lại, thì không hề khác biệt.
Bởi lẽ, vẫn còn đó mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của đồng bào vùng thiên tai, nhất là vùng núi cao, dọc sông suối, ven biển… Vẫn thấp thỏm lo thiệt hại về nhà cửa, hoa màu và nhịp sống xáo trộn. Vẫn những cuộc di tản né bão, từ tàu thuyền ngoài khơi cho đến những mái nhà nhỏ tận những bản làng heo hút…
Và cũng chính vì thế, trong công điện của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành cuối tuần qua, nếu đọc kỹ sẽ thấy những nội dung chỉ đạo không còn “chung chung” về các phương án phòng ngừa, ngành này làm gì địa phương khác ứng phó ra sao…
Đọc kỹ, sẽ thấy có sự “cập nhật” cần thiết và mang tính đúc kết kinh nghiệm rất cao của chính quyền địa phương sau thảm họa thiên tai dồn dập. Đọc kỹ, sẽ thấy lần đầu tiên, trước một cơn bão mới hình thành như Noru, người dân vùng cao Quảng Nam đã được khuyến cáo “chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu...”, để mà chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
Những trận sạt lở núi kinh hoàng xóa cả bản làng và vùi lấp tuyến quốc lộ 40B ở vùng cao Bắc Trà My, Nam Trà My hồi cuối năm 2020 chính là những “gợi ý” quan trọng.
Đọc, sẽ thấy, nhu cầu dự trữ lương thực và mặt hàng thiết yếu ở những địa phương dễ bị cô lập đã trở nên “thời sự” hơn bao giờ hết, nhất là sau đợt sạt lở và lũ quét do ảnh hưởng của cơn bão số 9 (Molave) cuối tháng 10.2020 đã “cắt” 3 xã miền núi cao Phước Sơn, đến mức phải dùng trực thăng thả lương thực hay nhờ đến dân công gùi hàng cứu trợ.
Tất nhiên, ở một địa bàn có hệ thống thủy điện bậc thang và một số hồ thủy lợi lớn như Quảng Nam, chuyện kiểm soát hồ đập cũng được đặt ra cùng với những yêu cầu quan trọng khác…
Người xưa có câu “Người không biết lo xa, ắt có buồn gần” (Nhân bất viễn lự, tất hữu cận ưu). Mối lo này đúng ở nhiều trường hợp, và càng đúng mỗi khi phải đối diện thiên tai.
Dọc dài miền Trung, nơi thường xuyên hứng chịu thiên tai, kinh nghiệm ứng phó sẽ không thiếu nhưng cũng chưa bao giờ là đủ, nhất là khi thời tiết ngày càng dị thường. Với Quảng Nam, sau những gì đã xảy ra, “lo xa” chưa bao giờ thừa. Để khỏi lại phải “buồn gần”.