Lo xâm nhập mặn

TRẦN HỮU 17/08/2017 08:45

Hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngọt đã ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mùa khô này nỗi lo đó lại tiếp tục tái diễn ở các “thung lũng mặn”.

 Nhiều năm nay, nguồn nước ngầm ven sông Trường Giang qua các xã Tam Xuân, Tam Hòa (Núi Thành) bị nhiễm mặn. Ảnh: T.HỮU
Nhiều năm nay, nguồn nước ngầm ven sông Trường Giang qua các xã Tam Xuân, Tam Hòa (Núi Thành) bị nhiễm mặn. Ảnh: T.HỮU

Sản xuất bấp bênh

Ngắm vạt ruộng trên đồng đất An Hòa sát sông Bàn Thạch thuộc phường An Phú (TP.Tam Kỳ), một lão nông tri điền tỏ ra lo lắng: “Lúa thì lên xanh mơn mởn, nhưng làm vụ này chẳng khác chi đánh bạc với trời. Năm ni có mấy đợt xâm nhập mặn, chắc chắn cây lúa sẽ giảm năng suất”. Những năm gần đây, việc đối phó với mặn xâm nhập đồng ruộng được xem như nhiệm vụ khó khăn với ngành nông nghiệp TP.Tam Kỳ. Năm 2010, nắng nóng kéo dài làm cho hơn 550ha đất trồng lúa tại địa phương vùng đông của thành phố bị xâm nhập mặn. Và liên tiếp những năm gần đây mức độ xâm nhập mặn tuy nhẹ hơn, nhưng vẫn xảy ra tình trạng nông dân... bỏ ruộng. Sản xuất ở các khu vực thường xuyên bị nhiễm mặn rất bấp bênh.

Để giải cứu đồng ruộng, thành phố dành vốn xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Bàn Thạch và nạo vét lạch dẫn vào trạm bơm điện sông Đầm để đảm bảo nước sản xuất trên cánh đồng các xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú. Tại các thôn Phú Quý và Quý Thượng (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), thường dùng biện pháp gia cố công trình ao thu gom nước nhỉ phục vụ nước tưới cho khoảng 25ha lúa. Đối với khu vực sử dụng nước ngầm tại xã Tam Thăng và phường An Phú, các địa phương tiến hành nạo vét, khai thông mương lạch dẫn nước, đắp đập bổi giữ nước.

Trong khi đó tại sông Thu Bồn và Vĩnh Điện, nước mặn còn gây thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu đang canh tác của người dân. Hạ lưu hai con sông Thu Bồn và Vĩnh Điện chịu tác động của thủy triều nên bị xâm nhập mặn tự nhiên, nhất là vào mùa khô. Trên sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), độ mặn qua các năm có xu hướng ngày càng tăng mạnh và lấn sâu vào vùng thượng lưu sông. Khu vực từ cầu Tứ Câu lên đến cầu Thanh Quýt, mức độ xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên. Ở sông Cổ Cò (TP.Hội An), do không có dòng chảy thượng lưu và bị chắn bởi đập ngăn mặn nên độ mặn trong sông ít biến động hằng năm. Độ mặn xâm nhập sâu đến dưới chân đập ngăn mặn thuộc thôn Bến Trễ (xã Cẩm Hà) với mức độ dao động 2 - 15,3‰. Còn sông Trường Giang chịu sự tác động bởi vùng Cửa Đại và Cửa Lở nên độ mặn xâm nhập mạnh vào trong lưu vực sông, mức độ nhiễm mặn ổn định và thay đổi chậm theo thời gian.

Ngoài đe dọa sản xuất, tình trạng nhiễm mặn còn gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Phần lớn người dân khu vực nông thôn ở vùng đông huyện Núi Thành thường sử dụng nước ngầm để sinh hoạt, ăn uống. Tuy nhiên, gần đây nguồn nước ở trong vùng nuôi trồng thủy sản thuộc xã Tam Tiến bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Quan trắc môi trường tại giếng nhà ông Nguyễn Văn Điền (thuộc thôn Bình Phú, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) vào tháng 6, 9 và 12.2016 cho thấy, bị nhiễm mặn với nồng độ clorua 738 - 5.300 mg/l, vượt 2,9 - 21,2 lần. Nguyên nhân kết cấu địa tầng khu vực thuận lợi cho sự xâm nhiễm của nguồn nước mặn vùng nuôi trồng thủy sản tại đây vào trong mạch nước ngầm.

Quan trắc độ mặn thường xuyên

Biến đổi khí hậu đang là “thủ phạm” làm cho trái đất nóng lên, lấn sâu hiện tượng xâm nhập mặn. Tuy nhiên, các nhà khoa học có căn cứ chứng minh rằng, nhiều khu vực nhiễm mặn của tỉnh có sự “tiếp tay” của con người. Vùng ven biển của tỉnh có chiều dài 125km thuộc địa bàn thị xã Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành. Nguồn nước ở nhiều khu vực  thường bị nhiễm mặn vào mùa khô, với diện tích nhiễm mặn lên đến 3.687ha, (hơn 10% diện tích đất là cát). Để đánh giá hiện trạng xâm nhập mặn, thạc sĩ Hoàng Thanh Sơn (Viện Địa lý Việt Nam) cùng các cộng sự nghiên cứu đề tài khoa học ứng dụng phương pháp địa vật lý, sử dụng tư liệu viễn thám để đánh giá độ mặn của đất và nước; xác định các nguyên nhân của hiện tượng xâm nhập mặn vùng ven biển, bao gồm cả yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội để dự tính hiện trạng xâm nhập mặn tại địa phương ven biển đến năm 2030.

Theo thạc sĩ Sơn, các ngành chức năng cần thu thập dữ liệu xây dựng bản đồ dự tính xâm nhập mặn trên sông và đất liền nhiễm mặn đến năm 2030; xây dựng webiste giám sát và cảnh báo xâm nhập mặn trên sông và đất nhiễm mặn vùng ven biển làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tầm nhìn xa hơn. Trong khi đó, Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo về chuyên môn cho các địa phương tiếp tục triển khai nạo vét, phát dọn kênh mương thông thoáng để chuyển tải nước đến mặt ruộng nhanh nhất và hạn chế tổn thất nước; nạo vét kênh dẫn về bể hút các trạm bơm điện bị bồi lấp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước trên các sông. Đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên một số nhánh sông có nguy cơ nhiễm mặn như sông Vĩnh Điện và sông Đầm. Đối với những trạm bơm có nguồn nước bị nhiễm mặn, tăng cường theo dõi thủy triều, quan trắc thường xuyên độ mặn để bơm lách triều, tuyệt đối không vận hành bơm nước có nồng độ mặn lớn hơn mức cho phép vào đồng ruộng. Theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, về lâu dài, cần có quy hoạch, khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước; thực hiện quy hoạch và quản lý chặt chẽ nuôi trồng thủy sản ven sông, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bởi đây những là hoạt động dễ gây ô nhiễm nguồn nước, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO