Loại bỏ quy hoạch chồng chéo và thiếu thống nhất

HỮU PHÚC 10/09/2020 05:57

Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là đề cương để triển khai các khu vực phát triển dự án công nghiệp, dịch vụ du lịch và loại bỏ quy hoạch chồng chéo, thiếu thống nhất cũng như tránh xung đột không gian phát triển.

Vướng mắc chủ yếu của đường ven biển Võ Chí Công hiện nay là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thi công hạng mục cầu qua vịnh An Hòa (Núi Thành).Ảnh: H.P
Vướng mắc chủ yếu của đường ven biển Võ Chí Công hiện nay là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thi công hạng mục cầu qua vịnh An Hòa (Núi Thành).Ảnh: H.P

Thống nhất và đồng bộ trong quy hoạch

Về quy hoạch phát triển chung, Quảng Nam đã phê duyệt một số quy hoạch. Cụ thể, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Và gần đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1221 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, hiện UBND tỉnh đang giao cho Sở KH-ĐT là cơ quan đầu mối để lập hồ sơ mời thầu chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ. 

Vùng đông phải gắn kết cho được Đà Nẵng và Dung Quất

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm hụt sâu, cắt giảm đầu tư công, thì Quảng Nam nên sắp xếp nguồn lực ưu tiên cho vùng đông trước, các dự án kết nối hạ tầng giao thông ở vùng sâu sẽ tính sau, khi vùng đông thực sự phát triển năng động. Trục chính ven biển 129 sẽ là hành lang kinh tế. Vùng tây chỉ phát triển nông nghiệp hữu cơ, mô hình nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, lo an sinh xã hội tốt. Liên kết vùng ở đây tất yếu phải gắn kết cho được Đà Nẵng và Dung Quất (Quảng Ngãi).

Về hạ tầng giao thông, theo Bộ trưởng Dương Chí Dũng, Bộ KH&ĐT và Chính phủ sẽ ủng hộ Quảng Nam xây dựng các dự án mới từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống biển kết nối các trục ngang. UBND tỉnh cho biết, trong số 2 công trình, dự án khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) sắp đến, thì có một dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 40B từ cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất lên thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước). (H.PHÚC)

Theo Quyết định 1221, mục tiêu lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển; giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trong địa bàn tỉnh hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực bên ngoài. Trước đây, các loại quy hoạch thường thiếu ổn định, chất lượng chưa cao, quy hoạch cũ – mới chồng chéo.

Theo Sở KH-ĐT, Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần này đảm bảo quy hoạch đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững. Công tác lập quy hoạch theo nguyên tắc đảm bảo thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch tỉnh với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hiệu quả giữa quản lý ngành, lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới trên bộ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia. Các phân tích, đánh giá và định hướng phát triển phải được dựa trên mối quan hệ tổng thể, có tính hệ thống, kết nối liên ngành, lĩnh vực và liên vùng. Đồng thời đảm bảo tính bền vững và dài hạn trong lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến năm 2050.  

Sở Xây dựng cho biết, với quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ ngăn chặn được tình trạng mỗi ngành, địa phương tùy tiện quy hoạch mà thiếu tầm nhìn quy hoạch chung. Quy hoạch phải phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh; phương án phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Cần dự trữ quỹ đất sạch

Năm 2016, Tỉnh ủy xác định được 6 nhóm dự án phát triển vùng đông nam, được xem là chủ trương để mỗi địa phương chọn lựa đường hướng phát triển, làm tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng đất đai. Nhưng mấy năm gần đây, nhiều dự án chậm tiến độ, hoặc bỏ lỡ cơ hội đầu tư chủ yếu từ vướng mắc mặt bằng. Điển hình, ở vùng đông Thăng Bình, dự án thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An của Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng có diện tích 41ha (vốn đăng ký hơn 1.500 tỷ đồng), đã cấp quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 8.2018, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2021, nhưng hiện nhà đầu tư này lại xin giãn tiến độ thực hiện dự án đến năm 2023.

Sở KH-ĐT giải thích, dự án này chưa thể khởi công là do Quảng Nam điều chỉnh mở rộng tuyến đường ven biển từ 80m lên 100m theo nhiệm vụ quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai, dự án cũng nằm trong khu vực điều chỉnh quy hoạch. Song, lý do chính là việc thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng với người dân chưa đến nơi đến chốn. Tại các xã Bình Dương, Bình Minh (Thăng Bình), hay Duy Hải (Duy Xuyên), giá đất thị trường ở khu vực này thực tế dao động 20 triệu đồng/m2, trong khi nhà đầu tư thỏa thuận bồi thường khoảng 7 triệu đồng/m2, nên người dân không đồng ý.

Những dự án triển khai gần đây ở vùng đông nam của tỉnh hầu hết gặp khó khăn trong thu hồi đất. Thực tiễn cho thấy, trong Khu kinh tế mở Chu Lai, nếu Nhà nước thực hiện thu hồi thì thường thuận lợi hơn, nhưng có dự án doanh nghiệp phải qua con đường “đàm phán” với người bị thu hồi đất, mất nhiều thời gian.

Trong số các dự án tại vùng đông chưa thể triển khai vì vướng mặt bằng, có 5 dự án của Công ty CP Tập đoàn BRG, với tổng diện tích 369ha. Nhiều dự án khác đang dở dang mặt bằng, như khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty CP Quốc tế Nam Hội An (174,7ha, vốn đăng ký 4.300 tỷ đồng); khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của Công ty CP Đạt Phương (183ha, vốn đăng ký hơn 4.600 tỷ đồng); khu dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View của Công ty CP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (185ha, vốn đăng ký hơn 4.600 tỷ đồng); khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam của Công ty CP Tập đoàn T&T (278ha, vốn đăng ký 3.300 tỷ đồng).

Chậm giải phóng mặt bằng, thiếu quỹ đất sạch là rào cản lớn nhất hiện nay khi thu hút các dự án đầu tư vào vùng đông nam. Kết luận số 25, ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy về phát triển vùng đông gần đây đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục yêu cầu quán triệt sâu rộng. Trong đó, ưu tiên số 1 vẫn là làm tốt công tác quản lý hiện trạng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư cho nhân dân; đảm bảo mặt bằng sạch bàn giao đúng tiến độ cho chủ dự án triển khai thi công.

Cạnh đó, khẩn trương rà soát, đo vẽ bản đồ, lập, quản lý, chỉnh lý hồ sơ địa chính và thiết lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Không đợi chờ dự án đến rồi mới triển khai giải phóng mặt bằng mà các địa phương cần chủ động xúc tiến giải phóng mặt trước, để có nguồn dữ trữ quỹ đất sạch cần thiết. Còn với các dự án đầu tư khu dân cư, khu phố chợ, đô thị “bán lúa non”, gây bức xúc dư luận gần đây, chính quyền tỉnh cũng ban hành quy định hướng dẫn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Với quy định mang tính bắt buộc này, sẽ ngăn chặn được tình trạng các dự án giao dịch trên thị trường khi chưa đảm bảo quy định của pháp luật.

Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai nhiều năm nay nhận nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án ở vùng đông, nhiều nhất là dự án tái định cư. Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai - ông Huỳnh Bửu cho rằng, từ đầu năm đến nay, công ty gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhiều tháng liên tục không giải tỏa được mét vuông đất nào. Tỉnh đã lập tổ công tác đặc biệt liên quan đến quản lý hiện trạng, giúp đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng nhưng vướng mắc là cơ chế chính sách vận dụng thiếu thống nhất, chờ ý kiến trả lời của cấp trên. Cho nên, để dành quỹ đất sạch bố trí tái định cư cho vùng đông là thực sự cần thiết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loại bỏ quy hoạch chồng chéo và thiếu thống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO