“Tiếng gọi đại ngàn” vừa đoạt Huy chương bạc tại Liên hoan truyền hình toàn quốc đã nhắc nhớ công chúng về một Phan Văn Minh “đa hệ”. Không chỉ quen thuộc với các ca khúc thiếu nhi mà anh có hẳn gia tài đầy đặn với tình ca, các truyện ngắn đoạt giải, những tìm tòi về âm nhạc miền núi, và cả những nỗi niềm riêng khi nghĩ về thân phận…
Nguồn cảm hứng gia đình
Vào công cụ tìm kiếm Google thử gõ tên bài hát “Cả nhà thương nhau”, chỉ trong vòng 0,4 giây đã cho ra 1.130.000 kết quả. Nói Phan Văn Minh là nhạc sĩ thành danh với ca khúc chủ đề gia đình quả không sai. Từ “Cả nhà thương nhau” nổi tiếng năm 1989 được viết khi chưa từng học sáng tác, đến “Khúc trầm hương giao thừa” năm 2007, cả hai đều mang về cho anh giải thưởng cao nhất.
Như một sự tương phản trong cùng chủ đề, nếu “Cả nhà thương nhau” (ca khúc dành cho trẻ nhỏ) hồn nhiên mộc mạc thì “Khúc trầm hương giao thừa” (ca khúc dành cho người lớn) lại da diết xốn xang của thân phận tha hương. Nhưng khi chuyển tặng chúng tôi album ca khúc thiếu nhi “Con nít con nôi” chủ đề gia đình hồi giữa tháng 3, Phan Văn Minh nói vui đây mới là đĩa nhạc thương phẩm đầu tiên của anh, có dán tem và bán ra thị trường. Còn lại, những “Đôi mắt thu xa” (12 ca khúc), “Người Quảng dáng nâu” (11 ca khúc) hay các tập ca khúc “Họ nhà kỳ nhông”, “Quả táo cho Eva”… có thể xem là cuộc rong chơi tốn kém. Chỉ riêng “Con nít con nôi” (Minh Kỳ studio) đã ngốn của anh đến 40 triệu đồng. Vậy mà anh chưa dừng lại. Phía trước còn một cuộc chơi khác nữa, lần này anh không phải bỏ tiền túi: NXB Đà Nẵng sẽ ấn hành “Người Quảng lo xa” trong tháng 4.2015 tập hợp những bài phiếm đàm, được tài trợ 100% và có nhuận bút. Rồi đến hợp xướng đang phác thảo về trường ca Thu Bồn, hay DVD riêng về ca khúc miền núi…
Nhạc sĩ Phan Văn Minh. Ảnh: H.X.H |
Nhà giáo “đa hệ”
“Tiếng gọi đại ngàn” của đạo diễn Vinh Quang cùng ê kíp thực hiện vừa đoạt Huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34, giải thưởng cao nhất mà QRT từng nhận được cho một chương trình ca nhạc. Trong câu chuyện âm nhạc mà “Tiếng gọi đại ngàn” dẫn dắt, thấy có một Phan Văn Minh đau đáu với vùng cao xứ Quảng qua 5 ca khúc do anh sáng tác: Tiếng gọi đại ngàn, Ngọc Linh mùa xuân, Rừng gọi A Sơn Dun, Nhịp điệu Tây Giang, Ba Booch với A Lăng Miêh. Hình dáng thầy giáo Minh ngày trở lại đại ngàn được gói ghém qua diễn xuất (và tiếng hát) của vợ chồng NSƯT Xuân Đề - ca sĩ Thảo Vân. Lời thoại cuối chương trình nghe mênh mang sâu thẳm: “Tôi cứ ngỡ mình đến rồi lại đi, như những cánh chim bay theo mùa. Nhưng rồi những con người hiền lành như cỏ cây, hồn nhiên như khe suối, nồng nàn như hương đất hương rừng đã giữ tôi lại với đại ngàn”.
Nghề dạy học của Phan Văn Minh cũng rất lạ. Năm 1975, đất nước thống nhất khi anh đang là sinh viên năm thứ 3 ở Sài Gòn, liền trở về quê cũ Bình Nguyên (Thăng Bình) cùng lực lượng TNXP “Tấn công đồng cỏ”. Vài tháng sau, anh được đào tạo cấp tốc tại trường Sư phạm Trung Trung Bộ (Quy Nhơn) rồi lên Trà My khởi sự dạy học. Trong quãng thời gian đó, có vài đợt anh “lách” ra Huế để… học tiếp, như học sư phạm Toán từ năm 1983, học sáng tác âm nhạc từ năm 1990. Suốt 34 năm dạy học, anh có 6 năm dạy Văn, 17 năm dạy Toán, 11 năm dạy Âm nhạc. Riêng lần đầu đứng lớp (cuối năm 1976) tại Trà My, anh phải kiêm luôn các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Công dân, tiếng Pháp, Âm nhạc mãi cho đến khi có giáo viên tăng cường từ Đà Nẵng.
Góc khuất tình ca
Nhà giáo “đa hệ” ấy nghỉ hưu sớm từ năm 2010, khi đang làm Trưởng bộ môn âm nhạc thuộc Khoa xã hội, trường Đại học Sư phạm Quảng Nam, xem như hoàn tất nghiệp dạy học. Còn với âm nhạc, anh bảo mình có cảm giác lúc nào cũng thấy như đang… mắc nợ. “Cái gì đó cứ thôi thúc bên trong, như một nhiệm vụ chưa bao giờ hoàn thành” - anh nói.
Phan Văn Minh (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) từng đoạt các giải thưởng: - Âm nhạc: Cả nhà thương nhau (giải Nhất cuộc thi ca khúc thiếu nhi toàn quốc 1989), Khúc trầm hương giao thừa (giải Nhất cuộc thi ca khúc về Mái ấm gia đình 2007), Người Quảng dáng nâu (giải B giải thưởng 5 năm UBND tỉnh Quảng Nam 2010), Vui hè với biển (giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2010), Chỉ còn tình yêu thương (giải Nhì cuộc thi ca khúc về nạn nhân chất độc da cam toàn quốc 2011). - Văn: Hội làng (giải A cuộc thi truyện ngắn và ký, Hội VHNT Quảng Nam – Đà Nẵng 1989), Ngã ba đầu làng (giải Nhì, không có giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Quảng Nam - Đà Nẵng 1996), Mưa đầu mùa (truyện thiếu nhi, giải thưởng NXB Đà Nẵng 1998). |
Chùm 5 ca khúc vừa trình làng trong “Tiếng gọi đại ngàn” cho thấy Phan Văn Minh rẽ một hướng nhỏ tìm tòi chất liệu âm nhạc vùng cao. Nhưng đã từ lâu, anh say mê đồng dao, hít thở bằng khoảng không gian thơ trẻ để cho ra đời hàng chục ca khúc thiếu nhi quen thuộc. Anh từng trải lòng rằng, trong mớ hỗn độn của ký ức như vẫn còn một khoảng trong xanh dành riêng cho đồng dao cùng những trò chơi đã học từ thuở ấu thơ. Từng chắp nối giai điệu cho những bài thơ của bè bạn như Thái Miên, Nguyễn Minh Khôi, Nguyễn Tấn Sĩ, Phùng Tấn Đông, đôi khi Phan Văn Minh lại “phóng bút” cảm đề từ truyện dài Nguyễn Nhật Ánh hay đồng dao để có được “Bê To Cún con đáng yêu”, “Bồng em”, “Con nít con nôi”… Riêng “Người Quảng dáng nâu” là một cảm đề đặc sắc từ thi phẩm “Bài của trẻ dáng nâu” của Nguyễn Trung Bình. “Bình đã đọc cho tôi nghe bài thơ này lần đầu tiên vào cuối năm 1996 khi anh từ Nam về sau một trận ốm liệt giường. Lần đó và cả nhiều lần sau nữa, khi Bình đọc xong bài thơ thì đôi kính tôi cũng đẫm nước mắt...” - anh hồi tưởng.
Nhưng Phan Văn Minh gây ngạc nhiên khi bảo trong gia tài âm nhạc của mình, anh thích tình ca hơn. Niềm yêu thích ấy được nuôi dưỡng từ rất sớm, hồi mới học lớp 8 đã mày mò viết những câu bay bổng. Anh gói ghém vào đó khát vọng thầm kín và chạm đến giấc mơ của người phụ nữ cô đơn. Nhạc sĩ Trương Đình Quang từng nhận xét, giai điệu trong tình ca của Phan Văn Minh “có vẻ đẹp và sức hấp dẫn của nghệ thuật âm thanh, kết hợp với sức quyến rũ của ca từ”. Như những dòng quyến rũ sau đây anh viết với thể điệu slow soul trong ca khúc “Chân trời”: “Nụ hồng trên môi em/ ngát hương đêm thảo nguyên/ Nồng nàn trong tim em/ vong thân ta loài chim/ Giọt lệ đau thiên thu/ chim hót thành lời ru/ Hẹn em cuối nguồn cơn sóng dội/ Chờ em cuối trời nơi gió bụi…”. Trong góc khuất tình ca này, có một loài chim vong thân đang mắc nợ âm nhạc.
Nhiều lần bỏ tiền túi phát hành băng đĩa (kể cả in sách) nhưng Phan Văn Minh không hoàn toàn “trắng tay”. Khoản tác quyền anh được nhận gần nhất (quý 4/2014) cũng hòm hòm 6,5 triệu đồng. Một công ty thực phẩm ở TP.Hồ Chí Minh khi muốn sửa lời ca khúc “Cả nhà thương nhau” để quảng cáo sản phẩm trong vòng 1 năm cũng thương lượng trả tác quyền đến 25 triệu đồng… Từ nhiều năm trước, hãng Bến Thành Audio từng lấy tên các ca khúc của anh để làm tiêu đề chung cho băng đĩa. Mới thấy, trong cuộc lãng du cùng âm nhạc, anh vụt trở nên “giàu có” khi đóng đinh tên mình qua nhiều ca khúc quen thuộc.
HỨA XUYÊN HUỲNH