(Xuân Canh Tý) - Sương giăng trắng vườn sâm. Ngày cũng như đêm, nơi này chìm trong buốt lạnh. Những chốt sâm không ngủ, vừa để canh giữ cho “quốc bảo” khỏi bị người trộm, vừa thức canh kẻ trộm giấu mặt dưới tán rừng: chuột ăn sâm Ngọc Linh, loài chuột mà người Xê Đăng tin rằng có thể… hiểu được tiếng người.
Hơn 30 năm gắn bó với cây sâm, ông Nguyễn Văn Lượng - chủ vườn sâm ở nóc Măng Lùng (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) quá hiểu về loài gặm nhấm nhỏ bé “săn sâm” này. Ở chiều ngược lại, chính chúng cũng là thứ đặc sản riêng có của Ngọc Linh mà các chốt dành chiêu đãi khách quý. “Thức ăn của loài chuột này chủ yếu là sâm. Vậy nên, thịt chuột quý không thua gì sâm đâu (!). Tết, không gì bằng có món này trong bếp” - ông Lượng giới thiệu.
Nghe chừng đơn giản, nhưng công cuộc săn tìm chuột sâm đầy gian nan. Người Xê Đăng tin rằng, loài chuột này có thể… hiểu được tiếng người (?). Đó là chưa nói đến sự nhanh nhẹn của chúng, khi đột nhập vườn sâm. Với bộ lông xám vàng, kích cỡ nhỏ, chúng có thể ẩn nấp dưới những cành lá, hoặc leo thoăn thoắt lên các nhánh cây. Sức phá hoại cũng lẹ không kém. Bà con nơi đây kể lại, có đêm chuột tấn công, thiệt hại tính bằng tiền tỷ, vì chuột không chỉ ăn hạt, mà còn đào bới, cắn phá nhiều củ sâm hàng chục năm tuổi. Cũng vì thế, người Xê Đăng phải suy nghĩ tìm hàng chục cách để săn loài chuột này, vừa bảo vệ vườn sâm vừa dành làm đặc sản đãi khách.
Hồ Văn Tấn, một thanh niên ở thôn 3 (xã Trà Linh) kể lại, đêm xuống là lúc chuột ra nhiều nhất. Tổ canh giữ chốt sâm chia nhau ra săn chuột. Dù cách nhau chỉ vài chục bước chân, nhưng không dám gọi nhau một tiếng, vì sợ… chuột nghe được. Bà con tự chế súng săn bằng mũi tên, dùng đèn pin soi chuột. Nhưng có lúc không xuể. Vậy là bẫy chuột ra đời.
Đủ loại bẫy, đủ cách thức. Độc đáo nhất vẫn là loại bẫy đá. Bà con dùng tảng đá lớn cỡ đầu người, khéo léo chống bằng cành cây rồi gắn với một nhánh cây nhỏ hơn. Mồi nhử được đặt dưới hốc đá, khi chuột tìm đến ăn mồi giẫm phải nhánh cây làm ngã cây chống, đá sẽ đè chặt. Đây được xem là cách giản đơn nhưng khá hiệu quả.
Một cách khác kỳ công hơn là làm bẫy kẹp. Bà con dùng thanh nứa uốn cong hình cánh cung, buộc dây tạo lực kẹp. Làm xong cái nào thì hơ qua trên khói để mất mùi hơi người rồi chọn vị trí chuột hay lui tới đặt bẫy. Những chiếc bẫy này được gắn dày đặc trên các cành cây. “Ma trận bẫy” này cũng giúp ngừa được lũ chuột đột nhập vườn sâm từ trên cao. “Có đêm, chốt sâm bắt đến vài chục con chuột theo cách đặt bẫy này. Có một điều kỳ lạ, hình như chỉ có người dân bản địa đặt bẫy mới dính chuột. Có lẽ là do ở lâu trong rừng, tụi mình có “mùi rừng” nên mới lừa được chuột. Một vài người bạn đến chốt sâm chơi, làm thử nhưng chưa bao giờ chuột dính bẫy” - Tấn chia sẻ.
Từ “kẻ phá hoại”, loài chuột ở núi Ngọc Linh trở thành món đặc sản của đồng bào Xê Đăng. Với loại thực phẩm này, thông thường bà con mổ ruột, thui lông sau đó sẽ xông khói trên giàn bếp, để dành ăn dần. Một cách chế biến khác, nhanh hơn là bỏ chuột vào ống tre, cho thêm ít loại lá rừng, muối hạt, rồi đem nướng trên lửa than. Cách này vừa giữ được mùi thơm đặc trưng của thịt chuột, vừa có vị rất riêng của núi rừng.
Ngày tết, từ giàn bếp, thịt chuột được lấy xuống, ngâm với nước ấm để sạch bồ hóng (muội than), giúp thịt mềm hơn. Tùy theo sở thích của thực khách mà thịt chuột được nướng hoặc nấu chung với gia vị. Nhâm nhi thịt chuột cùng một ít rượu lá sâm, nghe chừng ấm cả gian bếp giữa trời xuân vẫn còn đương rét.
Người Xê Đăng hiếu khách. Dẫu còn đó nhiều thiếu thốn, dẫu con đường đến nóc còn trập trùng dốc núi, nhưng họ sẽ khước từ chuyện bán mua, mà sẵn lòng dành lại món đặc sản vùng cao để đãi khách.
Một lần đến với Ngọc Linh, trải nghiệm món chuột sâm, sẽ là khoảng ký ức khó quên ở nơi mây trắng ngang trời…