Khách mua tour 500 nghìn đồng nhưng chỉ được hưởng mức dịch vụ 350 nghìn đồng bởi doanh nghiệp du lịch Cù Lao Chàm phải chi trả hoa hồng, “lại quả” cho cò mồi và các công ty lữ hành mang khách đến.
Giá tour thụt lùi
Chín giờ sáng, bến cảng Cửa Đại bắt đầu nhộn nhịp, từng chiếc xe ô tô mang biển số Đà Nẵng chở khách vào cảng. Tại bãi giữ xe, 2 người phụ nữ đứng nhìn về phía đầu đường. “Đi Cù Lao Chàm hả em”, một người hỏi khi thấy cặp trai gái vừa ngừng xe máy. Đoạn, chị ngoắt một thanh niên đang ngồi trong cảng.
“Có khách đi Cù Lao Chàm nè mày”, người phụ nữ nói, như thông báo hoàn thành nhiệm vụ của mình. “Anh chị đi Cù Lao Chàm về trong ngày hả”, người thanh niên hỏi lại để biết chắc chắn khách sẽ ra đảo, đồng thời đưa ra mức giá: “Tiền vận chuyển đi về là 300 nghìn đồng, anh chị phải tự mua vé ra đảo. Còn nếu muốn đi trọn gói thì giá 650 nghìn đồng”.
Chứng kiến tình huống “trao tay” này từ đầu, ông L.K.N, chủ một doanh nghiệp du lịch Cù Lao Chàm ngán ngẩm: “Cò mồi đó, tụi nó hớt hết khách từ cổng. Chưa kể vài bữa lại đánh nhau do tranh giành”. Hiện khu vực bến cảng có khoảng 10 “cò” hoạt động. Khách “cò” đón sẽ được “bán” lại cho một số công ty vận chuyển du lịch Cù Lao Chàm ăn hoa hồng, bình quân khoảng 100 nghìn đồng/khách.
Gần 1 tháng trở lại đây, du lịch Cù Lao Chàm dần khởi sắc, bên cạnh niềm vui có khách cũng phát sinh những vấn đề về cạnh tranh giá cả. Tình trạng doanh nghiệp bán dưới giá, phá giá đã trở thành chuyện thường ngày.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Hội An Travel tiết lộ, có doanh nghiệp chào tour chỉ 350 nghìn đồng/khách, thậm chí 320 nghìn đồng. “Lữ hành đón khách từ Đà Nẵng, sau đó mặc cả với các doanh nghiệp Cù Lao Chàm, chỗ nào được giá thì họ bán” - ông Tuấn cho biết. Thông thường khách mua tour qua công ty lữ hành mức giá dao động từ 450 - 550 nghìn đồng, đồng nghĩa khách hàng đã bị ăn chặn số tiền không nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, với mức giá 350 nghìn đồng khó thể có lãi vì phải chi trả rất nhiều khoản như phí bảo vệ môi trường, bảo tồn, ăn trưa, hướng dẫn viên, lái tàu, xăng dầu, thuế… Do đó, bắt buộc các công ty phải tiết giảm, thông thường nhất là giảm giá suất ăn. Hậu quả, chất lượng bữa ăn thấp, dẫn đến hình ảnh du lịch Cù Lao Chàm càng “méo mó” hơn.
Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, năm 2009 giá tour bán cho khách tham quan Cù Lao Chàm từ 20 - 25 USD (khoảng 450 - 600 nghìn đồng), tuy nhiên qua hơn 10 năm giá đã thụt lùi, điều này rất vô lý. Đặc biệt, càng nguy hiểm hơn trong tình hình cạnh tranh khách giữa các điểm đến như hiện nay.
Loay hoay giải pháp
Dịch Covid-19 càn quét khiến hoạt động du lịch Hội An đình đốn, Cù Lao Chàm không ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay, khách tham quan đảo dù có khởi sắc nhưng khá thấp so với cùng kỳ những năm trước. Báo cáo 3 tháng đầu năm của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho thấy, lượt khách mua vé tham quan đảo ước đạt 40 nghìn lượt, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng.
Trong số 43 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch Cù Lao Chàm hiện nay, hầu như đều “đói” khách. “Bây giờ doanh nghiệp nào cũng vay mượn ngân hàng để đóng tàu SB nên họ sẵn sàng chào tour với bất kỳ giá nào để có tiền trả nợ ngân hàng. Nói chung mình chỉ làm giàu cho “cò” và các công ty lữ hành ở Đà Nẵng thôi” - đại diện Công ty du lịch Cù Lao Xanh chia sẻ. Bình quân, chi phí đóng một tàu SB từ 2 – 2,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, Nhà nước không can thiệp vào giá, nhưng cũng không chấp nhận tình trạng thả trôi giá, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến chất lượng dịch vụ kém. Vì vậy, thành phố đã giao Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm hiệp thương đề xuất mức giá cụ thể. Dự kiến sẽ có 2 mức giá cao cấp và phổ thông được công khai đến du khách. “Các doanh nghiệp phải giám sát lẫn nhau, phải nâng cao hình ảnh chứ không thể hạ giá để làm mất đi hình ảnh của mình” - ông Lanh quả quyết.
Thật ra, quản lý giá không phải là vấn đề mới mẻ của du lịch Cù Lao Chàm. Gần 10 năm qua, câu chuyện về giá đã nhiều lần được phân tích mổ xẻ. Kể cả tổ chức hiệp thương cho các doanh nghiệp quy định mức giá thấp nhất là 450 nghìn đồng/khách, nhưng sau đó doanh nghiệp vẫn mạnh ai nấy bán, nhà nước, chi hội vẫn bất lực. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng khẳng định, Cù Lao Chàm là một tài sản thiên nhiên quý giá, do đó cần phải suy nghĩ cách khai thác hợp lý, không phải khai thác dễ dãi, vô tội vạ.