Hôm ấy cơ quan tôi có bữa trưa hoành tráng với tiệc đứng buffet hải sản. Ê hề thịt cá tôm cua hảo hạng, trong không gian đèn vàng ấm áp, tiếng nhạc êm dịu, chén bát bằng sứ trắng muốt tinh xảo. Một chị đồng nghiệp tần ngần đứng ngó quầy susi kiểu món ăn Nhật đầy tú hụ, không biết thức nào sống thức nào chín để chọn. Chị ấy bèn hỏi một em nhân viên nam đứng ở gần. Em này thoáng chút lúng túng, rồi trả lời có phần ngập ngừng, khác với tác phong chuyên nghiệp nãy giờ. Rằng: “Em xin lỗi, thật sự em cũng chưa được ăn bao giờ nên… không biết ạ”. Ngạc nhiên nhìn vào em với vẻ mặt bối rối ấy, bỗng dưng thấy xót xa. Xung quanh đầy nam nữ phục vụ ăn mặc lịch sự, ân cần đón ý khách, tự hỏi các em đã từng được một bữa ăn thịnh soạn chưa? Được nếm thử một vài món trong vô số thứ ngon lành hàng ngày mình quen nhìn thấy, vẫn phục vụ chưa?
Tôi chợt nhớ tới hồi còn sinh viên, mỗi tối đi bộ học thêm ngang qua cơ man nào là quán xá. Đông vui và thơm nức. Dẫu không phải trong tình trạng đói ngấu nhưng lòng vẫn thấy thèm và len lén tủi… Rồi sau này, nhà chồng cho mấy bạn nam sinh thuê trọ ở trên gác. Các bạn trẻ ấy đi làm thêm nhiều nghề khác nhau để trang trải, cả kể bưng bê ở quán hay phục vụ nhà hàng. Tôi để ý, những bạn còn lại rất mong ngóng cậu phục vụ quán kia đi làm về, cứ như chờ mẹ chợ xa vậy! Hóa ra vì có những tối, bạn làm phục vụ ở nhà hàng ăn được mang ít thức còn dư, chủ chia cho đem về. Cả bọn xúm xít đũa muỗng vui vẻ, miệng không ngớt khen ngon. Nhìn cảnh mà thương vô cùng!
Từ dạo ấy, mỗi lần đi đám cưới hay tiệc tùng này nọ, tôi đều để ý không tùy tiện bươi xới vào phần thức ăn còn dư trên bàn. Lấy đến đâu gọn gàng tới đó, không múc vào chén mình quá nhiều, lãng phí. Nếu như trước đây, tôi sẵn tay dọn luôn cả xương xẩu, khăn giấy đã qua sử dụng vào các dĩa đựng đồ ăn, thì nay tôi để riêng ra, cẩn thận. Dặn dò cả đám trẻ con mình. Chỉ hy vọng những phần thức ăn còn lại ấy có thể giúp cho vài bạn trẻ làm nghề bưng bê vượt qua được những năm tháng khởi đầu mưu sinh vất vả, thiếu thốn của mình.
Có lần tình cờ, tôi hẹn đối tác ăn chiều hơi sớm, nên mới gặp cảnh các em phục vụ đang dùng bữa. Chắc tranh thủ trước giờ cao điểm tan tầm đông khách đây mà. Tò mò liếc nhanh qua bữa cơm xúm xít ấy, mà không khỏi chạnh lòng. Trứng chiên, đậu que xào không thịt, tép, canh rau váng mỡ. Thế thôi. Tất nhiên người làm ngành kinh doanh ăn uống cũng không thể nào đãi hay nuôi cơm nhân viên bằng các thứ mình bày bán. Nhưng tôi cứ loay hoay chẳng biết các bạn phục vụ ấy, mỗi ngày cận kề trên tay các món đẹp đẽ ngon lành, liệu họ có bao giờ băn khoăn nghĩ ngợi về khoảng cách giàu nghèo, về thân phận khác nhau của cùng một kiếp người hay không.
Người ta ngày càng dễ dàng thừa mứa với những bữa ăn ngập mặt, toàn đồ bổ béo mắc tiền. Tâm lý vừa thích hưởng thụ cho thoải mái vừa sợ thừa cân, béo phì, đau bệnh. Dăm nhân viên phục vụ cũng không tiếc xót hay áy náy gì khi đổ hết những thứ còn dư trên bàn vào thùng rác, đỡ phải tốn công dọn dẹp. Trên báo, thi thoảng lại thấy đăng bài về chuyện người giàu có sẵn sàng bỏ bạc triệu ra cho ký trái cây ngoại nhập hay vài con cua huỳnh đế… chẳng hạn. Chúng ta, đôi khi bận rộn mải miết kiếm tiền rồi tiêu tiền, nên quên nhìn xuống, để thấy còn nhiều lắm ai kia đang phải đối mặt với bữa cơm thiếu chất, ít ỏi, vỏn vẹn, tạm bợ của họ. Như hôm ngang qua bệnh viện vào giờ thăm bệnh, thấy thân nhân cầm phiếu xếp hàng đợi lãnh từng hộp cơm từ thiện. Ai nấy toát lên vẻ mừng rỡ vì bớt được một khoản tiền be bé phụ lo thuốc thang, đỡ được bữa nào qua ngày hay bữa đó…
Đành rằng cuộc sống muôn hình vạn trạng, mà sao đôi khi vẫn cứ thấy riêng mang…
HOÀNG MY