Loay hoay chuyện cứu người

PHAN HOÀNG 27/02/2023 06:51

Chuyện liên tục khởi tố các vụ án nghiêm trọng liên quan lĩnh vực y tế, giáo dục có làm chúng ta nghi ngại? Chuyện người lao động ở hai lĩnh vực này xin nghỉ việc ngày càng nhiều có làm chúng ta lo lắng? Y tế và giáo dục phản ánh chất lượng quốc gia. Nên dù không muốn, nhưng phải thừa nhận rằng, chất lượng của chúng ta đang có những sụt giảm trầm trọng.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, thiếu máy móc điều trị. Thử vào google gõ những cụm từ này, hàng loạt bài báo sẽ cho thấy tình trạng này đã kéo dài cả năm qua và rất đáng báo động.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) là bệnh viện lớn mà cũng đang kêu cứu. Thử xem ở các bệnh viện khác, tình trạng cũng không khác là mấy. Mọi thứ dường như đang đình trệ vì trăm nghìn cái khó. Cái khó thậm chí đến từ thông tư nọ, nghị định này, hướng dẫn kia...

Trước tết, thầy của tôi phải đặt stent mạch vành, nhưng người nhà chạy đôn đáo đến 4 bệnh viện, tận dụng tất cả mối quan hệ có thể nhờ vả, và may mắn đến phút chót mới có được stent để tiến hành phẫu thuật.

Một trường hợp khác: người quen mắc ung thư vòm họng. Trước đó, anh điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, nhưng đến những đợt xạ trị trước tết, vì máy móc ở đó hư hỏng, nên phải ra Huế. Nhọc nhằn nhân lên gấp bội.

Gia đình cho rằng, quá trình đi lại và gián đoạn trong điều trị khiến bệnh tình trở nặng nhanh và anh đã không qua khỏi. Đó chỉ là ví dụ. Còn hàng nghìn bệnh nhân khác sẽ như thế nào?

Hôm nay là ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). Hơn ai hết, tôi nghĩ, bác sĩ là những người cảm thấy đau đớn và bất lực hơn cả, khi thấy bệnh nhân không được chữa trị, không được cứu sống vì thiếu thuốc hay thiếu máy móc điều trị. Bác sĩ - họ không được trao đủ phương tiện thôi, chứ chưa dám nói đến tốt nhất, để thực hiện công việc của mình.

Cũng hôm nay 27/2, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023)”. Hội thảo được trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh thành trên cả nước. Nhiều hoạt động đang diễn ra để kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, về đề cương được xem là “Văn kiện mang tầm vóc cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa”.

Trong lĩnh vực văn hóa, nhiều người đang bàn đến hệ giá trị con người Việt Nam. Lâu dài chắc chắn sẽ còn tranh cãi thế nào là hệ giá trị con người Việt Nam. Bởi chưa ai (hoặc tổ chức nào) xác định chính xác hệ giá trị con người với những chuẩn mực, tiêu chí cụ thể nào mà đạt sự đồng thuận cao của xã hội. Nhưng nếu nói “văn hóa còn thì dân tộc còn”, sẽ không gây tranh cãi.

Mọi cách ứng xử, giá trị, niềm tin, tư tưởng của một cá nhân chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền văn hóa nơi mà cá nhân ấy sinh sống cũng như chịu ảnh hưởng nhất định từ các nền văn hóa ở nơi khác mà cá nhân ấy tiếp xúc thường xuyên. Văn hóa đa dạng bởi cá nhân là muôn màu. Nên không thể khác là phải tôn trọng sự khác biệt đó, thì văn hóa mới là điều sống còn và ý nghĩa.

Làm sao gìn giữ, phát huy giá trị con người, làm sao để xây dựng hành trang văn hóa cho thế hệ trẻ; làm sao để xây dựng các nhịp cầu quảng bá văn hóa Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Đó là những điều phải làm, khi bàn về môi trường văn hóa.

Và khi đọc “Đề cương văn hóa Việt Nam” lại thấy có nhiều quan điểm vẫn còn phù hợp với văn hóa cách mạng và cách mạng văn hóa. Dẫu công bằng mà nói, suốt dặm dài 80 năm đó, không thể tránh khỏi những khoảng gập ghềnh từ cách mạng văn hóa.

Hệ giá trị con người Việt Nam, trước tiên thử nhìn vào những đòi hỏi bức thiết, từ thực trạng của y tế và giáo dục ta hiện nay. Khi nhìn vào đó, ai cũng thấy phải hành động để thay đổi. Nhưng hành động như thế nào thì chúng ta vẫn loay hoay, như bác sĩ đang loay hoay với chuyện cứu người khi mọi thứ đều thiếu thốn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loay hoay chuyện cứu người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO