Loay hoay kế hoạch đầu tư công

NHẬT PHONG 13/04/2016 09:01

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ sẽ ưu tiên được phân bổ nguồn lực đầu tư 2016 - 2020, nhưng hiện chính quyền, cơ quan quản lý vẫn đang loay hoay kế hoạch, chưa thể xác định danh mục dự án công trình, nguồn vốn khi kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn chưa được phê chuẩn.

Sáu chiếc cầu, hơn 168km quốc lộ 1, ĐT, ĐH, 1.500km bê tông hóa giao thông nông thôn; làm mới, nâng cấp 7km đường vào khu, cụm công nghiệp và làng nghề, 14 hồ chứa nước, 400km kênh mương, kè 1.465km bờ sông, 170km đường dây trung, hạ áp, điện chiếu sáng và 24 trạm biến áp, khoảng 20 bệnh viện, xây mới, sửa chữa hơn 4.450 nhà ở cho người có công, người nghèo… là những công trình ghi dấu rõ nét nhất của đầu tư công trong vòng 5 năm qua.

Ưu tiên đầu tư giao thông

Công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp xây dựng, dịch vụ, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 - 10,5%/năm của Quảng Nam phải cần đến 130.000 - 135.000 tỷ đồng. Con số này gấp hơn 1,8 lần tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011 - 2015, tăng bình quân 12,8%/năm. Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, kế hoạch sẽ ưu tiên xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa vùng đông - tây, đô thị - nông thôn, hoàn chỉnh đường ven biển, nạo vét cảng Kỳ Hà bảo đảm cho tàu 30.000 tấn hoạt động, nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang. Thúc đẩy hoàn thành đường cao tốc, đường Đông Trường Sơn, phát triển cảng hàng không Chu Lai, cải tạo và nâng cấp đường sắt. Kết cấu hạ tầng đô thị, du lịch, xây dựng, cải tạo các công trình thủy lợi, âu thuyền đê biển, kè sông,  thủy sản, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển các khu, cụm công nghiệp, đô thị hạt nhân, nâng chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, phát triển kinh tế biển, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cũng không nằm ngoài lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam là một trong những công trình đầu tư công phát huy hiệu quả. Ảnh: N.P
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam là một trong những công trình đầu tư công phát huy hiệu quả. Ảnh: N.P

Nhìn vào danh mục và phân bổ vốn đầu tư cho thấy tỷ lệ phân bổ các nguồn vốn không đồng đều. Nếu tỷ lệ giai đoạn 2011 - 2015 cho giao thông (45%), nông lâm ngư nghiệp (12%), công nghiệp (10%), văn hóa xã hội (17%), an ninh quốc phòng (1%) và lĩnh vực khác là 14% thì giai đoạn 2016 - 2020 là 55%, 12%, 8%, 13%, 1% và 12%. Theo tỷ lệ này, giao thông tăng trên 10%; vốn cho an ninh quốc phòng, nông lâm nghiệp bình ổn; 3 lĩnh vực còn lại đều giảm từ 2 - 4%. Theo ông Bảo, lý do tổng nguồn vốn kế hoạch cho giao thông vận tải tăng cao hơn do ưu tiên vốn đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng then chốt, kết nối đông - tây, nam bắc theo hệ thống đường ven biển, cứu hộ cứu nạn, đường ô tô đến trung tâm xã… Suất đầu tư giao thông nhiều hơn so với các lĩnh vực khác do sử dụng nhân công, thiết bị, nhiên liệu nhiều hơn. Số hộ dân, diện tích bị ảnh hưởng đền bù, giải phóng mặt bằng lớn dẫn đến chi phí cao. Ngoài ra, các lĩnh vực khác, nếu muốn hoạt động tốt, trước hết cũng phải đầu tư bắt đầu bằng giao thông…

Sẽ hoàn chỉnh kế hoạch

Theo nhận định của các cơ quan quản lý, thực hiện theo phương án này, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 2016 - 2020 của Quảng Nam sẽ đạt khoảng 11%, GDP bình quân đầu người dự kiến 3.600USD vào năm 2020. Những khoản đầu tư dự án, công trình dự kiến đưa ra được cho là rất cấp thiết với nhu cầu phát triển, tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn hay cải thiện phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn là kế hoạch đầu tư trung hạn này vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được Quốc hội thông qua thì địa phương không thể tính toán được. Nếu Quốc hội đồng ý phát hành trái phiếu chính phủ thì địa phương mới tham gia. Không đầu tư gì cả thì lấy gì tăng trưởng. Một sự luẩn quẩn của chính sách.

Chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, các ngành đang lúng túng, không biết làm thế nào lên danh mục đầu tư khi các hướng dẫn của trung ương chưa rõ ràng, nhất quán. Ông Lê Phước Hoài Bảo thừa nhận tổng vốn đầu tư dự kiến này cũng chỉ là ước định, nhưng khả năng chỉ sẽ dao động khoảng 20 - 30%. Ông Bảo đề nghị kỳ họp HĐND sắp tới chưa thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn. Ít nhất là 6 tháng sau mới có thể có kế hoạch chính thức. Tháng 6 hoặc tháng 7.2016 sẽ trình kế hoạch đầu tư trung hạn 2017 - 2016. Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng kế hoạch đầu tư công trung hạn bị động. Cơ quan quản lý cần điều chỉnh, liên tục cập nhật, bổ sung các dự án trọng điểm. Khi trung ương có kế hoạch chính thức thì hoàn tất hồ sơ, danh mục dự án, công trình đầu tư. Tuy nhiên, cần “cẩn trọng” với các dự án đầu tư dự kiến vốn từ trung ương. Vì không thể biết vốn được phân bổ bao nhiêu. Không thể cứ đầu tư rồi trả nợ. Hạn chế thấp nhất cơ chế xin - cho. Không thể để ngân sách vẫn là bầu sữa bị lạm dụng…

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loay hoay kế hoạch đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO