Mạng lưới tuyến du lịch nội tỉnh chưa được phát triển căn cơ và đồng bộ là một trong những nguyên nhân khiến định hướng mở rộng phát triển du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Đơn độc tuyến chủ lực Hội An - Mỹ Sơn
Tuyến du lịch là một sản phẩm du lịch tổng hợp đặc biệt. Việc phát triển tuyến du lịch thành sản phẩm du lịch hoàn thiện độc đáo sẽ thúc đẩy các sản phẩm/điểm du lịch phát triển mạnh mẽ.
Theo TS.Trần Văn Anh - Trưởng khoa Kinh tế - Du lịch (Đại học Quảng Nam): “Để khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch cần tập trung quy hoạch phát triển mạng lưới các tuyến du lịch ở mức độ quốc gia/liên vùng/quốc tế và các tuyến du lịch nội tỉnh, trong đó các tuyến du lịch nội tỉnh Quảng Nam hiện khá hạn chế”.
Tuyến du lịch di sản từ Hội An đi Mỹ Sơn hiện là tuyến du lịch nội tỉnh chủ lực của Quảng Nam dù vậy thời gian hành trình của tuyến này rất ngắn, chỉ gói gọn từ nửa ngày đến một ngày và chưa thể mở rộng thêm dù xung quanh khu vực này có rất nhiều điểm đến tiềm năng.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhận định, cơ hội xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ kế cận điểm đến ở khu vực này còn rất lớn, đơn cử như xây dựng tour tham quan theo các tuyến: Hội An - Làng Zara (Nam Giang) - Mỹ Sơn hay Hội An - Mỹ Sơn - Suối khoáng nóng Tây Viên (Nông Sơn), tuy nhiên mọi thứ mới chỉ nằm ở dạng tiềm năng.
Với quy hoạch Hội An trở thành đô thị du lịch hàng đầu của cả nước còn Tam Kỳ phấn đấu trở thành điểm đến du lịch vùng miền Trung - Tây Nguyên, việc tăng tốc quy hoạch mạng lưới tuyến du lịch với xuất phát điểm từ hai đô thị này tỏa ra các vùng lân cận là điều cần thiết.
Trên thực tế, dựa trên đề án phát triển du lịch một số huyện, thành phố phía nam của tỉnh, Sở VH-TT&DL đã phối hợp xây dựng một số tour tuyến từ nửa ngày đến 3 ngày 2 đêm đi qua các địa phương Tam Kỳ - Núi Thành hoặc Tam Kỳ - Phú Ninh - Tiên Phước - Nam Trà My. Tuy nhiên hiệu quả đến nay đem lại không cao với lượng khách du lịch hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, hằng năm lượng khách nội địa đến Núi Thành thông qua sân bay Chu Lai rất lớn nhưng hầu hết họ chọn đi tiếp Quảng Ngãi để ra Lý Sơn vì thực tế sản phẩm du lịch của Núi Thành và vùng lân cận cũng chưa có gì độc đáo để níu chân khách.
Một tín hiệu tích cực được kỳ vọng là việc tập đoàn Thiên Minh đã ký hợp tác hỗ trợ phát triển du lịch với huyện Tiên Phước. Tập đoàn này cũng đã đầu tư khách sạn lớn sắp đi vào hoạt động tại huyện Núi Thành với năng lực thu hút một lượng khách châu Âu lưu trú dài ngày, kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy các tuyến du lịch cùng điểm đến đang khá mờ nhạt ở khu vực này.
Tiềm năng các tuyến du lịch chuyên đề
Theo TS.Trần Văn Anh, bên cạnh việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh theo không gian lãnh thổ cũng cần cân nhắc chú trọng phát triển các tuyến du lịch chuyên đề gồm: tuyến làng nghề truyền thống, làng quê, làng văn hóa; tuyến du lịch di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử văn hóa; tuyến du lịch sông nước, biển đảo…
Có thể nhận thấy vùng phụ cận của đô thị cổ Hội An đang phát triển rất hiệu quả các tuyến du lịch chuyên đề về làng nghề truyền thống, làng quê, làng văn hóa khi hướng đến hút dòng khách truyền thống ở làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, còn rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm Thanh Hà lại đang rất “hot” trong hành trình của dòng khách Đông Bắc Á khi đến Quảng Nam. Dù vậy việc lan tỏa ra xa hơn về phía làng quê, làng nghề ở Duy Xuyên hay Điện Bàn vẫn đang gặp trục trặc.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS gợi mở: “Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn nên đầu tư một cơ số xe đạp để du khách thuê đạp xe tham quan cảnh vật đồng quê, núi đồi lân cận và nhất là làm việc với các hãng lữ hành để xây dựng một số tour trọn gói có điểm chính là Mỹ Sơn và các điểm phụ cận. Từ đó đề xuất tỉnh đầu tư hoặc có cơ chế thu hút đầu tư cho các điểm đến phụ cận để tạo sức hút với du khách”.
Tuyến du lịch sông nước, biển đảo vốn được xác định là lợi thế lớn của khu vực phía nam Quảng Nam nhưng hiện khả năng thu hút du khách của các điểm đến đặc trưng của loại hình du lịch này như: Bãi Sậy - sông Đầm, Bàn Than - biển Rạng, Tam Hải… vẫn khá hạn chế. Đơn cử như khu vực Bãi Sậy - Sông Đầm hiện mỗi tháng chỉ đón chừng 300 lượt khách và chủ yếu là khách địa phương và các đơn vị lữ hành khảo sát tiềm năng.