Một “cú hích” từ du lịch đang là điều các địa phương mong đợi để phát triển kinh tế. Nhưng liệu có phải cứ tận dụng cảnh quan và ồ ạt dựng nên nhiều sản phẩm du lịch, là thành công? Phát triển nên những ngôi làng du lịch thu hút du khách, cần nhiều thứ hơn, bắt đầu từ sự chuẩn bị…
Con đường thuyền thúng kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn để du khách tìm đến Tam Thanh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
CHƯA ĐÚNG HƯỚNG
Việc phát triển vội vã, không khảo sát thị trường khách, không theo quy hoạch đã khiến nhiều làng quê “vỡ mộng” với giấc mơ du lịch.
“Ngắc ngoải” những làng du lịch
Dự án làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn đến nay vẫn là câu chuyện buồn chưa có hồi kết. Đã hơn 4 năm kể từ ngày khai trương làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên), ước mơ về một điểm đến hấp dẫn bên ngoài di sản thu hút đông đảo du khách tham quan, lưu trú vẫn chưa thành hiện thực. Những tấm bảng chỉ dẫn vào làng cũng đã xám cũ, như khao khát của người dân về giấc mơ du lịch đã bị xói mòn. Ông Võ Văn Xoa - Tổ trưởng tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn cho biết, khách tới làng ngày càng vắng, từ đầu năm đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tỉnh, huyện không hỗ trợ gì, kể cả doanh nghiệp cũng không, chủ yếu làng vẫn tự thân vận động tìm khách từ cách đưa thông tin lên facebook. “Khi nào có khách thì hoạt động còn không thì bà con cũng phải lo bươn chải việc khác. Mình là nông dân nên chẳng biết kế hoạch, định hướng, quảng bá gì cả, cơ bản vẫn mong có khách thôi. Dự án đã cho mình cái cần câu rồi bây giờ tự đi câu thôi, chứ chẳng biết trông chờ vào ai” - ông Xoa nói.
Trái ngược với làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) dù có khách nhưng vẫn “chết”. Sự nghịch lý chủ yếu do làng chưa thể xây dựng được cơ chế quản lý khai thác chặt chẽ, nhất là sự phối hợp với doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến. Khách tham quan làng không theo tour tuyến quy định, kể cả phí tham quan vào các hộ nghề cũng tùy tiện. Theo ông Khương Văn Hưu - Trưởng ban điều hành làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu, khách đến làng rất nhiều nhưng cộng đồng không thu được đồng nào, một số hộ may mắn có khách ghé thăm hoặc thuê chèo thuyền thúng tham quan rừng dừa nhưng số tiền nhận được quá ít nên không thể trích lại cho làng. “Bây giờ rừng dừa đã giao cho công ty tư nhân quản lý, mỗi khi có khách thì họ thuê dân chèo chở khách tham quan rừng dừa, nhưng tiền công trả thì chỉ 15 – 20 nghìn/chuyến. Rồi khách vào xem dệt chiếu cói nhà dân họ cũng chỉ trả chừng đó tiền, nếu mình đòi cao hơn thì họ không đến nữa. Nói chung các công ty lữ hành hưởng hết, đa số người dân chẳng được gì, ngoài mấy nhà nấu ăn hay dạy nấu ăn thỉnh thoảng có khách có thu nhập nhưng số này không nhiều” - ông Hưu nói.
Làng Trà Nhiêu bao năm nay vẫn... đợi khách. Ảnh: Q.L |
Người dân không hưởng lợi, không có nguồn lực đầu tư nên cơ sở hạ tầng tại làng đã bắt đầu xuống cấp. Đặc biệt, chiếc cầu tre bắc ngang qua rừng dừa phục vụ khách tham quan, nhiều đoạn đã mục gãy rất nguy hiểm nhưng vẫn không được sửa sang thay thế, còn dưới nước rác thải rất nhiều nhưng không có người thu dọn. Ông Hưu cho rằng, mong muốn của làng là tất cả đơn vị lữ hành đến Trà Nhiêu đều phải có trách nhiệm với cộng đồng vì thực tế bao năm qua người dân không có nguồn thu gì đáng kể từ du lịch. “Trong khi làng vận động dân cắt chè tàu, dọn cỏ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… còn các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan làng miễn phí, nếu có trả tiền thì cũng vài nghìn như bố thí nên dân rất buồn” - ông Hưu bức xúc.
Xác định thị trường khách
Làng Trà Nhiêu hay Mỹ Sơn chỉ là một trong những thất bại của cách làm du lịch vội vã, không bám sát thị trường, không tìm hiểu nắm bắt tâm lý khách. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, lý do khiến Trà Nhiêu, Mỹ Sơn chưa như mong muốn, đầu tiên do năng lực tổ chức cộng đồng chưa cao, nhất là năng lực tổ chức, huy động cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch, và sau cùng là chưa xây dựng được sản phẩm tốt. “Chúng ta hay nói đến vấn đề quy hoạch, nhưng quy hoạch cũng chỉ nói thế thôi, cái quan trọng nhất quyết định sản phẩm vẫn chính là thị trường. Anh quy hoạch nhưng không định ra được thị trường, không định ra được sản phẩm thì không ổn. Phải xác định sản phẩm đó phục vụ thị trường nào. Còn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chỉ là hỗ trợ. Hỗ trợ về chính sách, an ninh trật tự…, quan trọng nhất vẫn là người dân và doanh nghiệp chứ không thể trông đợi hoàn toàn vào vai trò nhà nước. Nhà nước chỉ đóng vai trò “bà đỡ” chứ không thể bảo khách du lịch phải đi đến chỗ này hay đến chỗ khác được, nên sản phẩm và thị trường mới là yếu tố quyết định” - ông Hài phân tích.
Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn đang dần thưa vắng khách. Ảnh: V.Lộc |
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn hay Trà Nhiêu không như kỳ vọng là ngay từ đầu đã không xác định được thị trường khách và sản phẩm đặc trưng của làng có thể hút khách. Bên cạnh đó, các làng đã không có sự kết nối vững chắc với doanh nghiệp lữ hành - đối tác đóng vai trò cầu nối đưa khách đến. Ông Đinh Hài cho rằng, điều này đang dần thay đổi khi một vài doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào Trà Nhiêu và Mỹ Sơn. Đặc biệt, Trà Nhiêu đang có cơ hội mới khi được doanh nghiệp tích cực xúc tiến đầu tư. Theo ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality, hiện tại ông cùng nhóm bạn của mình làm giấy chứng nhận đầu tư vào Trà Nhiêu theo mô hình làng du lịch sinh thái, nhằm tái hiện làng quê sinh thái với các chương trình tour trải nghiệm tại rừng dừa cũng như xây dựng một resort mang phong cách làng quê cao cấp. “Sau khi quy hoạch, giải tỏa xong sẽ đưa người dân vào lại sinh sống làm việc bên trong, khách sẽ trải nghiệm văn hóa sống của người dân cùng với trải nghiệm rừng dừa, kết hợp những chương trình biểu diễn nghệ thuật. Dự kiến năm 2018 sẽ triển khai thi công trên diện tích hơn 30ha, kinh phí đầu tư 90 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2019 sẽ bắt đầu đưa tour trải nghiệm vào, tiếp sau là lưu trú, rồi đến các chương trình sự kiện chợ quê…, dành cho đối tượng khách cao cấp” - ông Thanh cho biết.
Những ngôi làng đã được định danh, còn chật vật tìm lối đi. Trong khi đó, hàng loạt sản phẩm du lịch vừa khai trương trong dịp Festival Di sản Quảng Nam, vẫn chưa có tín hiệu mới.
TIẾP THỊ DU LỊCH CHƯA ĐỦ
Nhiều tiềm năng, dịch vụ tốt, nhưng nếu không có cách thức quảng bá hiệu quả, rất khó để bắt đầu câu chuyện phát triển du lịch.
Cần thêm nhiều kênh quảng bá cho những vùng cao Quảng Nam. Trong ảnh là 2 du khách tìm đến làng Bhơ Hôồng. |
Xây dựng một kế hoạch tiếp thị nhất quán giữa chính quyền địa phương và các hiệp hội trong ngành du lịch là điều cần được xác định, trong thời buổi muốn phát triển cần phải quảng bá. Thế nhưng, theo chia sẻ của nhiều hãng lữ hành, các địa phương vẫn chưa biết tranh thủ các kênh thông tin này để làm công việc “tiếp thị du lịch”. Quảng bá sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch, điểm độc đáo khác biệt của sản phẩm đó với mục đích thu hút du khách trải nghiệm, xem chừng các địa phương của Quảng Nam vẫn chưa làm hết sức mình. “Những nét đặc trưng tiêu biểu của các bạn là gì? Những câu chuyện ly kỳ; điểm độc đáo của thiên nhiên, di sản, lễ hội; những bãi biển hoang sơ, phong cảnh tuyệt đẹp hay tinh hoa của đất nước? Đó, chính là điều các bạn cần phải xác định, phải quảng bá được, khi muốn người ta đến với mình” - ông Famio Kato, chuyên gia về du lịch kết hợp nông nghiệp của Nhật Bản chia sẻ. Theo ông, tiếp thị du lịch cần chứa tất cả thông tin từ sản phẩm, giá cả, địa điểm, quảng cáo, định vị, con người… Và quan trọng nhất, phải xác định được thương hiệu khi bước vào thị trường du lịch.
Việc đầu tư về du lịch so với tiềm năng chưa cân xứng, cùng với sự phân chia ngân sách của nhà nước chưa cân đối giữa các thành phố như Tam Kỳ, Hội An và các vùng khác - là nhìn nhận của khá nhiều hãng lữ hành. Tiếp tục với câu chuyện tiếp thị du lịch, theo ông P. Huyn Dong - Giám đốc dự án của Công ty CG Việt Nam, sự cạnh tranh về quảng bá sẽ trở nên dư thừa tại Hội An, Mỹ Sơn, bởi những chỗ này, theo ông, không cần quảng bá nữa. “Nó đủ rồi, thế giới biết nhiều rồi. Những chỗ như vậy không cần quảng bá thì khách cũng tự đến. Nhưng ở vùng núi và các vùng đồng bằng khác, những chỗ đó rất khó tiếp cận. Du khách không thể tự đến. Để quảng bá du lịch vùng sâu, ít nhất phải mở rộng cơ hội cho họ. Hạ tầng như thế nào là đủ? Cần đường sá cho xe tìm tới. Điều này có thể làm được. Nhưng chưa đủ. Nghỉ, ăn, dịch vụ như thế nào nữa? Phải chuẩn bị những điều này” - ông Huyn Dong nói. Theo vị chuyên gia này, đối với các vùng đất không có nhiều tiềm năng thì cũng vẫn phải quảng bá. “Ví dụ như Đông Giang, phải mở đường ra. Các tiềm năng của Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang phải kết hợp với nhau. Tuy nhiên, những địa điểm có thể làm du lịch của 3 địa phương này lại hơi cách xa. Các huyện này nên kết hợp với nhau làm một sự kiện lớn và thường xuyên, cần phân chia về các loại hình nghệ thuật trình diễn. Tôi nhìn thấy các loại hình biểu diễn của các địa phương này lâu nay cứ chung chung, giống nhau và nó khiến cho người xem nhàm chán. Tại sao các bạn không trao đổi, phân chia với nhau, rằng nếu bên này múa truyền thống thì bên kia trình diễn nhạc cụ, công cụ sản xuất hay trang phục. Nếu không có điểm đặc sắc thì bạn sẽ làm du lịch thất bại. Bây giờ phương tiện truyền thông, mạng xã hội… đều có thể sử dụng để quảng bá, nên phải tạo sự cạnh tranh để làm nên những điều khác biệt giữa các địa phương muốn phát triển du lịch” - ông Huyn Dong nói thêm.
Việc mở ra nhiều cơ hội phát triển cũng đồng thời sẽ phải đối diện với nhiều thách thức khi việc tiếp thị du lịch đã trở nên dễ dàng hơn. Một sản phẩm mới tạo ra sẽ dễ dàng kích thích người tìm tới. Nhưng để giữ chân du khách lâu hơn, cộng với việc “bán” được những dịch vụ tại địa phương nhiều hơn, với Quảng Nam, vẫn là một câu chuyện cần nhiều công sức, và cả thời gian. Vấn đề này không phải là điều chỉ gặp ở những ngôi làng phát triển theo hướng du lịch cộng đồng…
NGƯỜI DÂN PHẢI “ĐÓNG VAI CHÍNH”
Một “làng tranh Tam Hải” đã hình thành. Một “làng bích họa” Tam Thanh xem chừng đã thưa khách. Một phiên chợ quê Tiên Phước hay làng cổ Lộc Yên vẫn đang kiếm cách tạo điểm nhấn… Liệu còn bao nhiêu ngôi làng nữa, đang chật vật tìm cách duy trì sức hút?
Làng tranh Tam Hải vừa hình thành. Ảnh: Hải Hoàng |
Tìm hướng phát triển
Giống như kịch bản của Tam Thanh, bắt đầu từ dự án làng bích họa để được biết đến tên nhiều hơn, Tam Hải đang rục rịch cho những dự án phát triển du lịch cộng đồng trong nay mai. Những tiềm năng du lịch của một xã đảo đã được nhìn thấy, tuy nhiên, tận dụng và phát triển nó như thế nào lại là một câu chuyện dài hơn. Ông Phạm Văn Nên - Trưởng phòng VHTT huyện Núi Thành cho biết, Tam Hải nằm trong đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2025. “Đặc biệt, xã đảo Tam Hải có thể phát triển được nhiều loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, tham quan, dã ngoại, thể thao, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa và ẩm thực... Từ Tam Hải, có thể mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour du lịch biển từ Hội An, xã đảo Tân Hiệp và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Còn hướng liên kết về phía đồng bằng thì có thể kết hợp với hố Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây), bãi tắm Biển Rạng (Tam Quang) và nhiều điểm, tuyến du lịch khác” - ông Nên chia sẻ. Bản thân người dân Tam Hải đang rất kỳ vọng tìm sinh kế mới ngoài nghề biển. Triển vọng thì nhiều vậy, nhưng thực tế, các dịch vụ của Tam Hải hiện tại lại chưa thể đáp ứng nhu cầu của du khách. Vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, các dịch vụ lưu trú chưa có, việc mua sắm, ăn uống của du khách… vẫn còn gặp khó. Theo thống kê từ UBND xã Tam Hải, vào những dịp lễ tết có trên dưới 200 lượt khách du lịch đến xã đảo mỗi ngày, còn cuối tuần có chừng 50 - 100 khách đến đây.
Trong khi đó, tại Tam Thanh, từ sau kỳ Festival Di sản Quảng Nam, chính quyền địa phương tiếp tục tìm kiếm những phương án hoạt động mới, ngõ hầu “giữ” người dân lại với câu chuyện làm du lịch cộng đồng. Thế nhưng, hầu như những hoạt động chỉ có phần đông người lớn tuổi tham gia. Sau hàng loạt dự án, từ làng bích họa, con đường thuyền thúng nhận được sự tham gia và quan tâm của công chúng, đến nay, Tam Thanh vẫn đang chật vật để tìm cách “kéo” khách về. “Đa số lượng khách đến với Tam Thanh ít chọn ở lại. Họ nói buồn quá! Bản thân chúng tôi khi mở homestay cũng hy vọng đông khách lắm chứ. Nhưng sau đợt festival là vắng khách hẳn. Chủ yếu họ tới chụp ảnh xong rồi đi nơi khác chơi” - chủ homestay ở thôn Trung Thanh chia sẻ. Ông Lê Ngọc Ty - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, hiện địa phương vẫn cùng một số nhóm hỗ trợ cộng đồng tìm cách vận động người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng của địa phương.
Cộng đồng dân cư “đóng vai chính”
“Không phải dễ dàng khi làm du lịch cộng đồng” - ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ. Theo ông, điều quan trọng để làm du lịch cộng đồng là chính quyền địa phương phải có trách nhiệm làm trung gian kết nối với công ty lữ hành và vận động người dân giữ lại làng cũ, tiếp tục có những sáng tạo mới. “Giữ lại làng cũ thì phải có quy hoạch bài bản. Muốn phát triển du lịch, phải trải qua quá trình quy hoạch, quản lý triển khai quy hoạch, sau đó sẽ quay lại vấn đề quản lý sau quy hoạch” - ông Cường nói. Trong khi đó, hàng loạt sản phẩm du lịch thiên về hướng sinh thái, cộng đồng vừa khai trương dịp Festival Di sản Quảng Nam hồi tháng 6. Phải làm gì để duy trì “sức sống” của những sản phẩm này, ông Đinh Hài cho rằng, các sản phẩm du lịch đã tham gia thị trường, đương nhiên phải chịu sự tác động của quy luật thị trường. Nơi nào chăm chút, tạo sự hấp dẫn của sản phẩm sẽ có khách. “Những năm vừa qua, theo quan sát chúng tôi, sau khi khai trương sản phẩm, nhiều làng du lịch cộng đồng có những sự tiến bộ, tuy không thật sự đông đúc nhưng lượt khách cũng đã nhiều hơn trước, như làng Bhơ Hôồng, làng dệt Zara... Cũng như vậy, với các địa phương phía nam và phía tây, sau kỳ festival, sẽ có những bước phát triển bằng cách duy trì các hoạt động trở thành chương trình thường niên của địa phương” - ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ thêm.
Vậy thực sự các ngôi làng của Quảng Nam sẽ xoay xở ra sao trong câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng? Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc, người đã thành công với việc gìn giữ lại ngôi làng bên sông Triêm Tây chia sẻ, dạng du lịch mà sự bền vững về môi trường, văn hóa - xã hội được quản lý và sở hữu bởi chính cộng đồng, cho cộng đồng với mục đích giúp khách tham quan khám phá môi trường sống cũng như tận mắt chứng kiến văn hóa, nghi lễ và tập quán bản địa – sẽ luôn để lại ấn tượng. “Tôi nghĩ phát triển du lịch làng quê sẽ không khó, vì chỗ mình đẹp, khách sẽ đến. Cái khó là đừng làm hư cái đẹp đó. Phần bảo tồn, theo kinh nghiệm của tôi, giữ lại “sắc đẹp” trong quá trình phát triển là vấn đề cực kỳ khó mà hình như chưa ai giải quyết được. Bảo vệ giá trị mỏng manh đó, nó thuộc về quyết tâm, không phải chỉ của chính quyền, mà chủ yếu là của người dân. Phải làm sao để nhân dân hiểu những giá trị về không gian của họ, những thế hệ trước để lại cho mình. Nếu làm được việc đó, phần còn lại không khó, chỉ là kỹ thuật, sự thống nhất, một số điều kiện, trong đó điều kiện tài chính. Nét quyến rũ của một không gian, chính là tình cảm chứa trong không gian đó, là sự lãng mạn của các con đường làng, sự chân thật của người dân, tập quán sinh hoạt của họ và các sản phẩm lưu niệm ra đời từ nguyên liệu địa phương” - ông nói.
Tuy nhiên, sự phát triển không chỉ hoàn toàn dựa vào bản thân cộng đồng dân cư tại địa phương đó. Cần một chiến lược quảng bá, điều mà ngay cả các địa phương đã có kinh nghiệm làm du lịch vẫn chưa làm tốt.
Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN - VĨNH LỘC