Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu giá trị, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho khu vực nhưng đến nay vẫn còn nhiều khúc mắc xoay quanh câu chuyện quản lý, vận hành.
Thông tin tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” diễn ra hôm 27/9, không chỉ riêng với Cù Lao Chàm - Hội An, hiện nhiều khu sinh quyển trên toàn quốc cũng gặp khó khăn trong việc vận hành vì thiếu nguồn lực tài chính, lực lượng nhân sự kiêm nhiệm rất nhiều.
Theo chia sẻ của đại biểu tại hội thảo, vận hành hệ sinh thái khu sinh quyển đòi hỏi đặc thù chuyên môn cao nhưng mức thu nhập theo quy định khá ít ỏi khiến nhiều nhân sự có năng lực tốt buộc phải rời đi, trong khi nếu sử dụng nhiều nhân sự kiêm nhiệm hoặc không đáp ứng chuyên môn thì về lâu dài khó lòng có thể bảo đảm được danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đến nay, Việt Nam có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An hiện có diện tích vùng lõi 11.560ha và dân số hơn 95 nghìn người (cả 2 tiêu chí diện tích và dân số đều thấp thứ 3 trong số các khu sinh quyển, chỉ lớn hơn Khu sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và Khu sinh quyển quần đảo Cát Bà).
Thực tế, ngay từ đầu mối quản lý cũng đã bộc lộ rào cản. Bà Trần Thị Hồng Thúy - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cho biết, hầu hết khu sinh quyển thế giới ở nước ta loay hoay trong cơ cấu hệ thống tổ chức.
Thông thường trong khu sinh quyển sẽ có vườn quốc gia, khu bảo tồn và theo quy định thì các đơn vị này sẽ thuộc sự quản lý của Bộ NN&PTNT; trong khi đó khu sinh quyển lại trực thuộc sự quản lý của Bộ TN-MT.
Hiện có khu sinh quyển có con dấu đỏ, có nơi lại không có nên rất cần một đầu mối chủ quản để quản lý, lãnh đạo nhất quán từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng khi có sự cố xảy ra thì không bên nào chịu trách nhiệm chính.
Theo bà Trần Thị Kim Tĩnh - cán bộ Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN-MT), pháp luật quy định, đối với khu dự trữ sinh quyển thuộc địa bàn một tỉnh thì sẽ do UBND cấp tỉnh tổ chức quản lý, huy động nguồn lực, giải quyết vấn đề phát sinh.
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An có thể xem xét quy định tại Điều 20, 21 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 19 - 21 Nghị định 08 năm 2022 và Điều 9, 10 của Thông tư 02 năm 2022 để tham mưu UBND tỉnh xem xét huy động nguồn lực đầu tư cũng như nhân lực trong công tác quản lý, vận hành.
“Cù Lao Chàm - Hội An có giá trị về dịch vụ hệ sinh thái rất lớn, đồng thời thu hút sự quan tâm của du khách, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng hệ sinh thái này nên đơn vị cần xem xét xây dựng đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái theo pháp luật của Nghị định 08 để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Trong đề án đó cần xác định khu vực nào bảo tồn, khu vực nào cung ứng dịch vụ hệ sinh thái, khu vực nào phục vụ tham quan, du lịch, nuôi trồng thủy sản… Đây là một lối mở để tạo nguồn thu cho đơn vị, địa phương để quản lý hiệu quả hơn khu sinh quyển này” - bà Tĩnh gợi mở.
Có một thực tế là việc bảo tồn, phát triển các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta hiện nay vẫn còn phụ thuộc vào các địa phương. Địa phương nào dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực thì khu dự trữ sinh quyển ở đó có điều kiện để phát huy giá trị hệ sinh thái tốt hơn, chứ chưa có một cơ chế ràng buộc cụ thể.
Bà Trần Thị Hồng Thúy cho hay, dù vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhưng điều may mắn là khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội Ạn được chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An dành nhiều sự quan tâm trong nhiều năm qua, kể cả trước khi được công nhận là khu sinh quyển thế giới. Nhờ đó đến thời điểm này Cù Lao Chàm - Hội An nhận được nhiều đánh giá là một trong các điển hình kiểu mẫu về việc bảo tồn, phát triển khu sinh quyển ở nước ta.