Là địa phương có nhiều thương hiệu rau được thị trường ưa chuộng nhưng cứ đến mùa mưa là người trồng rau ở Quảng Nam lại thấp thỏm trước thời tiết cực đoan và thường xuyên bị thiệt hại nặng nề.
Các làng rau ở Quảng Nam luôn thiệt hại nặng mỗi khi gặp thời tiết xấu bởi canh tác dựa vào thiên nhiên.Ảnh: QUỐC TUẤN |
Đợt mưa to kèm gió lớn vừa qua lại khiến các làng rau nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như Trà Quế (Hội An), Hưng Mỹ (Thăng Bình), Bàu Tròn (Đại Lộc)… rơi vào cảnh xác xơ, tơi tả. Hơn 130ha đất canh tác rau củ quả các loại ở 3 làng rau trên đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt thời tiết xấu, trong đó nhiều hộ dân gần như mất trắng vựa rau sắp đến mùa thu hoạch. Ông Lê Văn Công (trú thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, Thăng Bình) bộc bạch: “Thời điểm này các thương lái tìm đến tận nhà để hỏi mua nông sản nhưng không có mà bán. Hơn 6 sào cải, xà lách các loại của nhà tôi dù đã đắp vồng cao tránh nước nhưng vẫn bị rầy, nấm gần hết khó mà tiêu thụ”.
Đây cũng là tình cảnh chung của phần lớn các hộ dân trồng rau trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa này, nhất là với nông dân canh tác các loại nông sản sinh trưởng trên giàn như mướp, khổ qua, bầu… Ông Nguyễn Kim Tri (trú thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà) chia sẻ, trước đây có năm gặp thời tiết xấu bất thường thì càng khổ hơn nữa, bởi vừa nhổ bỏ lứa này trồng lại dăm ba tuần chưa kịp thu hoạch thì đã gặp đợt mưa gió khác. Ở làng rau Trà Quế, vài năm trước địa phương cũng từng áp dụng phương pháp giăng lưới để hạn chế thiệt hại nhưng được một thời gian thì người dân trong làng cũng dỡ bỏ gần hết bởi không mấy hiệu quả. Giờ đây, cứ nghe tin mưa bão là họ lại lọ mọ lấy tàu dừa khô che lên trong sự thấp thỏm.
Quảng Nam nằm trong khu vực phải hứng chịu các hình thái thời tiết xấu trong mùa mưa nên thiệt hại trong canh tác nông nghiệp là điều khó có thể tránh khỏi. Điều cần làm là giảm thiểu thiệt hại, hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Hiện nay, các vùng sản xuất rau ở Đà Nẵng đã phần nào thành công với mô hình này. Gần 2 năm trước, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ người dân ở hai thôn Túy Loan Tây (xã Hòa Phong) và Ninh An (xã Hòa Nhơn) thuộc huyện Hòa Vang xây dựng khoảng 5ha rau vụ đông. Các biện pháp kỹ thuật từ khâu chọn đất ít bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, chọn giống đến khâu làm đất, bón phân… đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình một cách khoa học. Đặc biệt, các đơn vị chức năng còn hỗ trợ người dân xây dựng các hệ thống lưới giăng, bạt phủ kiên cố giúp hạn chế tối đa tác động của thời tiết. Nhờ vào cách làm này, mỗi sào sản xuất rau an toàn ở các vùng rau trên thu hoạch được khoảng 300 - 400kg nông sản, đem lại thu nhập 4 - 5 triệu đồng/sào. Ông Phạm Hồng Vân - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đà Nẵng cho biết thêm, vừa qua đơn vị cũng đã tiến hành thả bọ đuôi kìm ở một số vùng rau và sẽ tiếp tục nhân nuôi, thả rộng trong thời gian tới bởi các loài thiên địch này khắc chế rất tốt sâu bệnh hoành hành, nhất là trong mùa mưa.
Từ những ruộng mía sản xuất không mấy hiệu quả chỉ thu hoạch 1 vụ/năm hoặc trồng rau năm được năm mất, giờ đây nông dân ở các vùng này đã thu nhập ổn định từ các cánh đồng rau kể cả trong mùa mưa. Bà Hồ Thị Hóa (trú thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn) hồ hởi: “Hiện tại một số loại rau củ như khổ qua hay xà lách đều tăng đáng kể so với cách đây mấy tuần. Cũng may nhờ hệ thống che chắn nên nông sản được bảo vệ tương đối nguyên vẹn chứ trước đây nắng quá cũng héo mà mưa xuống cũng hư”. Hiện tại, nhiều vùng trồng rau khác ở TP.Đà Nẵng như La Hường (Cẩm Lệ), Thạch Nham Tây (Hòa Vang)… cũng đã biết thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ để luôn có sự chủ động trước diễn biến thời tiết ngày càng thất thường.
QUỐC TUẤN