Loay hoay sữa học đường

XUÂN PHÚ 29/05/2023 08:04

Sau 3 năm triển khai, chương trình sữa học đường dành cho học sinh miền núi (gồm trẻ mầm non và học sinh tiểu học) bỗng bị “đứt gánh giữa đường”. Đâu là nguyên nhân và liệu năm học 2023 - 2024 có tái diễn?

Chương trình sữa học đường dành cho học sinh tiểu học và trẻ mầm non miền núi rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của tỉnh. Ảnh: X.P
Chương trình sữa học đường dành cho học sinh tiểu học và trẻ mầm non miền núi rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của tỉnh. Ảnh: X.P

Vòng luẩn quẩn đấu thầu

Năm học 2022 - 2023 đã kết thúc, song chương trình sữa học đường lẽ ra triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học vẫn “đứng bánh” khiến học sinh (HS) các huyện miền núi không được uống sữa. Và đến nay, ngành GD-ĐT và các ngành liên quan vẫn đang loay hoay chung quanh các thủ tục trong hồ sơ đấu thầu.

Thật ra chậm trễ trong mua sắm sữa học đường là câu chuyện không mới. Được thực hiện theo Nghị quyết số 15 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh (các em được uống miễn phí 1 hộp sữa 180ml/ngày và 5 lần/tuần trong suốt 9 tháng của mỗi năm học), chương trình sữa học đường bắt đầu triển khai từ năm học 2019 - 2020, song thực tế đến tháng 6/2020 mới chính thức đi vào học đường.

Trong hai năm học tiếp theo (2020 - 2021 và 2021 - 2022), các em được hưởng trọn vẹn từ ngày khai giảng đến lúc bế giảng (7/9 - 31/5); tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2020 - 2022 là hơn 50 tỷ đồng do ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Trong quá trình triển khai, gần như năm nào cũng bị gián đoạn làm cho HS không được uống sữa liên tục. Năm đầu tiên có lý do là Nghị quyết 15 ban hành cuối năm 2019 và việc đấu thầu mua sắm sữa học đường tốn rất nhiều thời gian, nên năm học 2019 - 2020 trẻ chỉ được uống sữa 6 tuần (từ ngày 1/6/2020 đến 15/7/2020). Thế nhưng, hai năm học tiếp theo dù được thực hiện từ đầu năm song tình trạng gián đoạn vẫn diễn ra.

Cụ thể, năm học 2020 - 2021 thời gian uống sữa bị ngắt quãng 6 tuần còn năm học 2021 - 2022 là 9 tuần. Nguyên nhân được ngành GD-ĐT lý giải là quá trình lập hồ sơ, thẩm định giá sữa, trình phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu và thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm mất nhiều thời gian.

Từ năm học 2022 - 2023, chương trình sữa học đường được thực hiện theo Nghị quyết số 17 (ngày 20/7/2022) của HĐND tỉnh (Nghị quyết 15 hết hiệu lực từ tháng 5/2022).

Còn nhớ, lo ngại tái diễn tình trạng cũ, trong báo cáo thẩm tra đề án sữa học đường, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đề nghị sau khi nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh chỉ đạo sớm việc đấu thầu theo đúng quy định. Và điều lo lắng đó đã thành hiện thực, suốt cả năm học 2022 - 2023 HS không được uống hộp sữa nào.

Có tiếp tục tái diễn?

Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho rằng, việc chậm trễ có nhiều lý do dù ngành đã thể hiện hết trách nhiệm, tích cực vào cuộc. Cụ thể, một tháng sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 2095 (10/8/2022) về việc triển khai Nghị quyết 17, Sở GD-ĐT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 2095.

Cùng với đó, tiến hành khảo sát thực tế số lượng HS để xây dựng báo cáo gửi Sở Tài chính phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện chương trình (ngân sách năm 2022 thực hiện chương trình sữa học đường đã hết vì Nghị quyết 15 đã hết hiệu lực từ cuối tháng 5/2022).

Ngày 7/12/2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định 3330 phê duyệt và phân bổ dự toán năm 2022 đã giao cho Sở GD-ĐT để thực hiện chương trình sữa học đường, thời gian còn lại không thể đấu thầu kịp.

Năm 2023, trước yêu cầu thực tế Sở GD-ĐT tiếp tục khảo sát HS dự kiến của năm học 2023 - 2024 và thẩm định lại giá sữa (vì đã quá thời gian quy định). Ngày 14/3/2023 sở có tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính về việc phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

“Quá trình lập hồ sơ, thẩm định giá sữa, trình phê duyệt dự toán, kế hoạch đấu thầu và thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm mất quá nhiều thời gian, thường 3 - 3,5 tháng” - ông Tường nói.

Về thực hiện chương trình năm tiếp theo, ông Tường cho biết sở đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan sớm hoàn thành các thủ tục, hồ sơ đấu thầu để chương trình sữa học đường được triển khai ngay từ đầu năm học 2023 - 2024.

Dẫu vậy, trong quá trình triển khai xuất hiện một vướng mắc khác, đó là Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 08 (14/4/2023) bãi bỏ Thông tư 31 (5/12/2019) về quy định đối với sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình sữa học đường.

“Hiện nay các ngành không biết lấy quy chuẩn nào về sữa sử dụng trong học đường để đưa vào hồ sơ mời thầu. Vì vậy, vừa rồi sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, xem xét quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng sữa, làm cơ sở thẩm định thực hiện chương trình” - ông Tường chia sẻ.

Ngoài ra, để tránh tình trạng gián đoạn trong khi chờ tổ chức thực hiện mua sắm cho giai đoạn tiếp theo khi năm học kéo dài từ tháng 9 năm nay sang tháng 5 năm sau còn ngân sách cho chương trình giao theo năm tài chính, sở có đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý cơ chế làm hồ sơ mời thầu theo niên độ năm học.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loay hoay sữa học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO