Văn hóa - Văn nghệ

Loay hoay thể nghiệm xu hướng mới

HẠ NGUYÊN 01/12/2024 08:08

Thị trường phim Việt những tháng cuối năm 2024 khá ảm đạm, nhạt nhòa. Dù đã nhanh chóng “bắt trend” - sưu tầm “túi mù” của giới trẻ để ra mắt dưới hình thức “bộ phim bí ẩn”, nhưng “Giải cứu anh thầy” của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh vẫn không tạo được hiệu ứng truyền thông như mong muốn.

bts-gcat-120241111110917.jpg
Giải cứu anh thầy - bộ phim gây nhiều tranh cãi của điện ảnh Việt.

Ý tưởng thú vị, hợp thời…

Giữa lúc điện ảnh Việt đang loay hoay với những cốt truyện cũ mòn về tình yêu bùng binh tay ba tay bốn, chuyện xung đột gia đình tam đại đồng đường, chuyện các loại ma cỏ từ thiên linh cái, quỷ cẩu, ma da đến quỷ nhập tràng…; thì “Giải cứu anh thầy” là bộ phim Việt Nam đầu tiên khai thác mô-típ đa vũ trụ - thế giới song song để kể về “lối sống phông bạt” đầy tính thời sự của người trẻ.

Chuyện phim bắt nguồn từ món nợ lớn của “chuyên gia phong cách sống” Minh Thấu – nhà sáng tạo nội dung chuyên rao giảng đạo lý trên mạng xã hội. Gây ra một đống nợ, Minh Thấu biến mất, khiến ê-kíp của anh ta lao đao. Minh Tinh – em gái, đồng thời là trợ lý của Minh Thấu phải tìm hiểu về món nợ của anh trai và tìm cách cứu anh.

Với sự giúp đỡ của một công ty chuyên cung cấp giải pháp cho những kẻ bất hạnh, Minh Tinh lần lượt gặp gỡ anh trai mình ở bốn “vũ trụ” khác nhau, trải nghiệm từng khả thể để tìm giải pháp cho hiện tại.

Dòng phim về các thực tại song song manh nha từ đầu những năm 2000 ở Hollywood. Kể từ sau chiến thắng vẻ vang của bộ phim “Everything Everywhere All at Once” năm 2022, xu hướng làm phim đa vũ trụ đã thịnh hành trở lại.

Ở Việt Nam, “Giải cứu anh thầy” là bộ phim tiên phong của thể loại này. Mở ra nhiều thế giới song song, Nguyễn Phi Phi Anh nới rộng được thực tại và phản ánh được nhiều vấn nạn từ trầm kha cho đến mới manh nha của xã hội Việt Nam đương đại: quan niệm trọng nam khinh nữ, thói sĩ diện hão, nạn mê tín, hiện tượng sống ảo, hội chứng trầm cảm - khủng hoảng hiện sinh ở người trẻ…

Nhân vật và tình tiết được xây dựng giàu tính điển hình và đậm chất hài đen, giễu nhại những cảnh huống trớ trêu, điên đảo, kệch cỡm trong xã hội hiện đại.

… nhưng sản phẩm chông chênh, tuềnh toàng

Đối với điện ảnh, một ý tưởng tốt chưa thể làm nên chuyện. Dù câu chuyện mới mẻ, chất lượng nghệ thuật của “Giải cứu anh thầy” mới chỉ dừng lại ở mức độ một phim tốt nghiệp.

Từng là “hiện tượng” của sân khấu phía Bắc với dự án nhạc kịch “Hope” (Mộng ước), đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh vẫn làm phim với những thi pháp quen thuộc của một vở kịch.

Kịch bản được tổ chức thành từng chương với không gian, thời gian, hành động tuân thủ nguyên tắc tam duy nhất của kịch cổ điển. Lời thoại của các nhân vật giàu tính điển hình và chất châm biếm nhưng cũng rất khuôn sáo và xa rời đời sống. Chưa kể, dàn diễn viên nghiệp dư đôi lúc còn nhả thoại như trả bài, khiến kịch bản đã đậm chất hoang đường lại càng trở nên lạc lõng, khó tiếp nhận.

Chật vật với phim đầu tay, bối cảnh của phim cũng rất hạn chế. Mỗi khi nhân vật Minh Tinh dấn thân khám phá bi kịch của anh trai Minh Thấu trong những thực tại song song, màu phim đều chuyển sang trắng đen để vừa tạo hiệu ứng gián cách, vừa khỏa lấp những hạn chế về bối cảnh. Các góc quay cũng khá bản năng, chuyển cảnh đầy “cắt dán”, thiếu hẳn sự mượt mà đặc biệt cần ở một bộ phim đa vũ trụ.

Vì ôm đồm quá nhiều chất liệu của hiện thực, “Giải cứu anh thầy” loay hoay trong việc gửi gắm thông điệp rõ ràng đến người xem. Đến cuối phim, những ngổn ngang trong cuộc đời Minh Thấu vẫn không rõ ngọn nguồn và kết quả. Khán giả, thậm chí còn đáng được “giải cứu” hơn anh thầy trong phim vì rời rạp mà chẳng hiểu bộ phim muốn nói gì!

Đạo diễn James Mangold, từng chỉ đạo 2 phần phim thuộc thương hiệu dị nhân “X-Men” là “The Wolverine” (2013), “Logan” (2017) từng thể hiện sự bất mãn với dòng phim đa vũ trụ.

Ông chỉ trích: “Tôi nghĩ phim đa vũ trụ là kẻ thù của nghệ thuật kể chuyện. Là cái chết của câu chuyện”. Ý kiến này có vẻ cực đoan, nhưng cũng gợi nhiều suy nghĩ. Nếu các dòng thời gian trong tác phẩm không được thiết lập hợp lý để cắt nghĩa bản chất của đời sống, mà chỉ lạm dụng một cách vụng về gây chú ý cho những câu chuyện tầm thường, thì sự phân mảnh hiện thực trở nên thật vô nghĩa.

Dám thể nghiệm một xu hướng làm phim mới mẻ, “Giải cứu anh thầy” là nỗ lực đáng ghi nhận của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh. Tuy nhiên, đối với nghệ thuật, chỉ những tác phẩm chất lượng mới đủ sức xác lập nên cái mới!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loay hoay thể nghiệm xu hướng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO