Loay hoay với làng mộc Kim Bồng

LÊ HIỀN 05/06/2018 12:46

Làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An) sụt giảm bất thường, nguyên do là tình trạng tranh bán đã biến làng thành chợ. Chính quyền địa phương đang tìm các giải pháp khắc phục nhưng xem ra gặp khó đủ đường.

Trung tâm làng mộc Kim Bồng luôn vắng khách. Ảnh: L.H
Trung tâm làng mộc Kim Bồng luôn vắng khách. Ảnh: L.H

Nguyên nhân sụt giảm khách

Một ngày ở làng nghề mộc Kim Bồng, chúng tôi thấy vài đoàn khách Hàn Quốc ghé thăm. Mỗi đoàn chỉ có khoảng chục vị, cả người lớn lẫn trẻ em. Họ đến bằng thuyền theo tuyến đường sông từ phố cổ đến Cẩm Kim. Mỗi đoàn dạo bộ quanh khu vực trung tâm làng nghề chừng 10 phút rồi nhẹ nhàng rút đi, không mua sản phẩm nào từ các quầy hàng thủ công mỹ nghệ. Thi thoảng mới có một, hai vị khách Tây tự đạp xe qua một vòng rồi cũng lặng thầm quay đi, không ghé vào cửa hàng nào để thăm thú, mua sắm.

Một chủ quầy hàng cho biết, thực trạng đó diễn ra ở làng mộc Kim Bồng kể từ sau đợt mưa lũ năm ngoái đến nay, mà nhất là từ sau Tết Nguyên đán 2018. Vì buôn bán ế ẩm nên một số chủ cửa hàng thủ công mỹ nghệ tìm cách cho thuê lại quầy hoặc tạm thời đóng cửa, tìm việc khác làm ăn.

Hàng không bán được nên các cơ sở trước đây thuê thợ sản xuất tại chỗ cũng đành phải ngừng hoạt động. Để giữ chân thợ, có cơ sở đã cho mượn địa điểm và công cụ, dụng cụ, thợ tự động tìm kiếm đơn đặt hàng đồ gỗ ở các xã phường lân cận, tạo việc làm.

Chị Lê Thị Thùy Trang - chủ quầy hàng thủ công mỹ nghệ ở làng mộc Kim Bồng cho biết: “Nói chung là đứt khách dần dần, ra tết thì vắng luôn. Cả ngày ngồi miết không bán được đồng mô, hàng hóa để lâu rồi cũng cũ cũng hư. Thợ thầy chừ giao cho họ nhận làm chi đó thì làm. Bởi mình không dám làm nữa, làm ra không bán được, gỗ xuống nước, lỗ vốn”.

Theo các chủ cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ ở làng nghề mộc Kim Bồng nguyên nhân khách vắng là vì các chủ phương tiện vận chuyển khách tham quan tuyến đường thủy từ phố cổ đi Thanh Hà, Cẩm Kim đã không đưa khách về làng mộc Kim Bồng.

Dù làng mộc Kim Bồng hiện tại chưa bán vé tham quan, nhưng nhiều chủ phương tiện và kể cả một số hướng dẫn viên dẫn khách đoàn cho rằng, chính cách thức hoạt động và hình thức, hiện trạng tại làng nghề đã không đủ sức hút để đưa các đoàn khách đến. Nhất là khi phát sinh một số hộ tự mở các quầy hàng bán hàng lưu niệm, mỹ nghệ, túi xách treo lủng lẳng, vừa ảnh hưởng đến cảnh quan làng nghề, vừa phá giá cạnh tranh thiếu lành mạnh nên các hướng dẫn viên né tránh dẫn khách đến địa điểm này.

Một chủ thuyền tế nhị chia sẻ: “Sự phá giá bán làm cho thu nhập của các bên bấp bênh hơn và du khách khi mua sắm ở các cơ sở do hướng dẫn viên giới thiệu đã nghi ngại, trách móc ngược khi mua giá cao hơn so với quầy hàng mới mở phá giá chào mời. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều hướng dẫn viên và chủ phương tiện vận chuyển khách đoàn không mặn mà dẫn khách đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm. Mỗi ngày có hàng trăm chuyến thuyền xuôi ngược, nhộn nhịp trên sông chở khách dọc tuyến phố cổ đến làng gốm Thanh Hà hoặc xuống rừng dừa Cẩm Thanh nhưng hầu như chẳng mấy người đưa tour hoặc gợi ý cho khách ghé vào làng mộc Kim Bồng, vì tốn thời gian và không có thu nhập phụ”.

Ngoài ra, một số cơ sở mở ra các mặt hàng du nhập, không đúng với các loại hàng hóa do làng nghề truyền thống sản xuất cũng đã biến làng nghề thành một nơi không khác gì cái chợ. Mà cái chợ ấy lại không được như những cái chợ khác, khiến du khách không hứng thú với điểm đến này.

Xây dựng lại cảnh quan làng nghề

Theo UBND xã Cẩm Kim, vì miễn phí tham quan hoàn toàn nên nguồn lực dành để tái đầu tư, cải tạo và quản lý làng mộc Kim Bồng hạn chế so với các điểm đến khác ở thành phố. Đơn cử như việc chi trả kinh phí cho nhân công thu gom rác, vệ sinh cảnh quan môi trường tại làng nghề, chính quyền phải vận động các hộ tiểu thương chung góp. Đó là chưa kể việc muốn hình thành một số hoạt động, sản phẩm phụ trợ hoặc phát huy khả năng lao động, trình diễn nghề của các nghệ nhân, tặng quà lưu niệm, thử tài du khách để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm theo đúng nghĩa làng nghề truyền thống như cách làm ở làng nghề gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế hoặc vùng quê sinh thái đặc thù Cẩm Thanh lại là chuyện khó đối với làng mộc Kim Bồng.

Khi Cẩm Kim được thành phố thống nhất cho xây dựng và thực hiện đề án làng quê làng nghề sinh thái, làng mộc Kim Bồng được xem là trung tâm để kết nối các vệ tinh lợi thế khác của địa phương. Xã Cẩm Kim cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố để khảo sát phân định lại làng nghề và xây dựng các sản phẩm phụ trợ khác trên địa bàn toàn xã để tạo sức hút cho địa phương nói chung, trong đó có làng mộc Kim Bồng. Hiện làng mộc Kim Bồng vẫn còn nhiều cái khó.

Ông Lê Duy Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim nói: “Cái khó hiện nay là hàng sản xuất ra, tiêu thụ rất ít. Bởi vì sản phẩm thủ công giá trị vật chất cao hơn là sản phẩm làm bằng máy móc công nghiệp. Từ đó các cửa tiệm du nhập các mặt hàng khác sẽ phá vỡ, không còn giá trị của làng nghề. Với lại, hiện nay họ bán mặt hàng này không được thì họ bán mặt hàng khác, lấy ngắn nuôi dài, không nghĩ về giá trị của làng nghề để mà khách đến. Chừ địa phương chủ yếu sắp xếp lại, bố trí lại, đưa họ vào hoạt động khuôn khổ, tạo ra được những giá trị riêng của nghề mộc”.

Được biết, mới đây, UBND TP.Hội An đã lập đoàn đi khảo sát thực tế, yêu cầu địa phương chấn chỉnh lại cảnh quan làng nghề, đồng thời giao cho các ngành hữu quan quy hoạch, phân khu lại từng địa điểm phù hợp để xây dựng, bố trí các sản phẩm, mở các tour tuyến thu hút khách cho làng nghề.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: “Thành phố thống nhất giao cho Trung tâm Văn hóa thể thao phối hợp với UBND xã Cẩm Kim xây dựng phương án bán vé tham quan đối với Làng mộc Kim Bồng. Song trước hết, trên cơ sở tinh hoa nghề mộc truyền thống, phải xây dựng cho được các sản phẩm du lịch độc đáo, khẳng định được thương hiệu và uy tín điểm đến thì mới có khách muốn đến tham quan. Khi có nguồn lực, có sản phẩm tương xứng, giá trị, cảnh quan được cải thiện thì tất yếu khách sẽ đến, tương tự như Làng nghề gốm Thanh Hà hoặc Làng rau Trà Quế hiện nay”.

LÊ HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loay hoay với làng mộc Kim Bồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO