“Ăn no, mặc đủ” chắc chỉ còn là câu chuyện của ngày hôm qua, bởi cuộc sống của mọi người ngày càng được cải thiện, nâng lên. Và những người trẻ có điều kiện góp phần tạo nên một màu sắc mới rực rỡ, khác biệt cho thị trường thời trang nội địa bằng chính niềm đam mê và khát khao chinh phục những thử thách. Trẻ trung và sáng tạo không chỉ ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục… mà còn ở thời trang. Local brands - chắc hẳn cụm từ này sẽ không quá xa lạ với những “tín đồ” yêu thời trang, gọi nôm na là các nhãn hiệu nội địa của một khu vực về quần áo, giày dép, túi xách…
Khái niệm local brands cũng xuất hiện khá lâu khoảng đầu năm 2012 - 2013 nhưng gần như không mấy người quan tâm đến nó. Có lẽ ở thời điểm đó, các thương hiệu nổi tiếng bình dân như Zara, H&M, Pull&Bear, Stradivarius bắt đầu “xâm nhập” vào ý niệm thời trang của giới trẻ nhiều hơn nhưng việc order (đặt hàng) lại không dễ dàng, chưa kể việc chịu chi một khoản tiền “kha khá” cho một món hàng so với thu nhập thuở ấy còn khiến nhiều người phải đắn đo, cân nhắc. Còn với các thương hiệu của những nhà thiết kế nổi tiếng Việt Nam, giá thành quá cao vượt quá túi tiền của người tiêu dùng, còn hàng nhập từ Trung Quốc lại không đảm bảo chất lượng đúng như quảng cáo. Từng ấy lý do cũng đủ để các sản phẩm của một số local brands với giá thành dễ chấp nhận, có tính ứng dụng cao, hơn nữa lại là sáng tạo của người Việt bỗng trở thành một điểm sáng tinh thần “vừa rẻ, vừa đẹp” như Nosbyn, The Blue Tshirt…
Cách đây khoảng 10 năm, tôi vẫn nhớ các thương hiệu như: Blue Exchange, Ninomaxx, PT2000... là cái tên được nhiều người lựa chọn bởi sự đa dạng về mẫu mã, giá thành. Nhưng theo thời gian, những thiết kế có phần quá an toàn và phổ thông, thiếu tính đột phá, đường hướng kinh doanh quá quy củ và gò bó, có lẽ đã không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Khi đời sống vật chất đi lên, dòng chảy xã hội thay đổi, chỉ cần chúng ta không tiếp thu và đổi thay theo nó thì việc bị chậm chân hay tụt hậu là cái kết hiển nhiên. Cho dù thời điểm ấy, người ta chưa quen với các local brands mà mỗi cửa hàng chỉ chuyên về một phong cách nhất định nhưng luôn đề cao sự tối giản, trẻ trung trong mỗi thiết kế thì đó cũng chính là “bước đệm” thay đổi tư duy trong phong cách thời trang ngày nay. Người tiêu dùng bây giờ có lẽ “dễ dãi” hơn trong việc chi tiêu cho những bộ cánh mình thích, nhưng lại “khắt khe” hơn trong nhu cầu thẩm mỹ và họ có xu hướng mua đồ theo trào lưu hay kiểu bị ảnh hưởng bởi các ngôi sao, người nổi tiếng đang mặc gì, dùng gì.
Internet phát triển đã mở ra “chân trời” mới cho thời trang Việt cũng là lúc các local brands tự tin “nở rộ”. Kinh doanh tại cửa hàng có khi còn không bằng doanh thu bán online trên các mạng xã hội như Instagram, Facebook... Các mẫu quần áo, phụ kiện giai đoạn đầu có thể là nhập từ các nước khác và mãi đến vài năm sau các thương hiệu mới mạnh dạn đầu tư hơn vào mảng thiết kế với thời trang chủ đạo hướng tới phong cách menswear, basic… thanh lịch, tinh tế nhưng lại không sợ lỗi thời. Không những thế, việc mua hàng cũng nhanh gọn hơn khi người người đều bận rộn với công việc văn phòng, gia đình, không đủ thời gian shopping thì chỉ cần lướt vài trang mạng, đặt hàng và họ sẽ được giao hàng tận nhà. Thi thoảng vẫn có những lùm xùm xoay quanh vấn đề muôn thuở là đạo nhái ý tưởng nhưng cũng không thể phủ nhận các bạn trẻ luôn đầu tư cho “đứa con tinh thần” tỉ mỉ, trau chuốt hết mức có thể bằng việc chụp lookbook, clip sản phẩm, chú trọng hình ảnh người đại diện như Cocosin từng hợp tác với Hoa hậu hoàn vũ Phạm Hương, Biti’s hợp tác với ca sĩ Sơn Tùng MTP…
Với một thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, yếu tố xây dựng niềm tin của khách hàng chính là chất lượng và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Người ta vẫn cứ nghĩ rằng local brands chưa “xứng tầm” như nước ngoài bởi tư tưởng sính ngoại. Nhưng cũng đừng quên rằng rất nhiều ngôi sao Hollywood hay Kpop vẫn lựa chọn nhiều sản phẩm chất lượng Việt Nam từ các nhà thiết kế trẻ...
HẠNH NGUYÊN TRANG