Lời ca ru những phận người

NGUYỄN TẤN ÁI 02/04/2022 06:52

Trong “Ru ta ngậm ngùi”, Trịnh Công Sơn viết: “Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm”. Tôi cứ ngẫm rằng nhạc Trịnh là những lời ru câm lặng.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tư liệu
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tư liệu

Khởi từ “Ướt mi”, Trịnh hát ru tình yêu. Tình của Trịnh là những “Tình lỡ”, “Tình xa”, “Tình sầu”, “Tình nhớ”… Ngay khi khai sinh ca khúc, Trịnh đã gọi tên điệu hồn mình. Mỗi người nghệ sĩ neo dấu một điệu hồn, cái điệu hồn toát lên từ toàn bộ thế giới tinh thần của nghệ sĩ.

Tình yêu của Trịnh không là những chia ly đổ vỡ như Vũ Thành An, không là những ngọn tình sầu như Từ Công Phụng, cái buồn trong thân phận tình yêu ở nhạc Trịnh là cái buồn tiền kiếp, cái buồn không gặp gỡ, cái buồn chưa hẹn mà đã chia xa.

Nó như là tình yêu chưa trải qua tình yêu: “Em đi qua chuyến đò (ối a) trăng nay đã già/ trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra”. Hay: “Tôi đi bằng nhịp điệu/ một hai ba bốn năm/ em đi bằng nhịp điệu/ sáu bảy tám chín mười…”.

Chính vì không gặp gỡ không sẻ chia không chung đường chung lối mà cái buồn trong nhạc Trịnh cứ phảng phất cùng cỏ nội mây ngàn: “Trên đời người trổ nhánh hoang vu/ Trên ngày đi mọc cành lá mù/ Những tim đời đập lời hoang phế/Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê” (Cỏ xót xa đưa).

Hay nỗi buồn dù thấm sâu vào đá vẫn không quên níu kéo phút yêu người: “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/ Làm sao em biết bia đá không đau/ Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”… Đó là điệu buồn không do ngoại cảnh, không đến từ ngoại cảnh, điệu buồn của bản thể, từ trong bản thể. Chính vì cái buồn khởi từ bản thể nên cứ phảng phất không tan.

Bản nhạc “Diễm xưa”. Ảnh: Tư liệu
Bản nhạc “Diễm xưa”. Ảnh: Tư liệu

Cái buồn âm ỉ nung cháy hồn người là cái buồn trong những “Tình khúc da vàng”. Không chỉ cái buồn của phận người, “Tình khúc da vàng” là cái buồn thân phận dân tộc.

Như đứa trẻ chào đời bằng tiếng khóc, Trịnh ca hát về nỗi đau dân tộc bằng giọng hoang dã sơ khai, người nghệ sĩ du ca ấy đã cất lên tiếng nói nhân loại, đã ca nỗi buồn nhân loại khi nhìn ruộng đồng xương khô và những núi đầy mồ.

Đỉnh điểm của “Tình khúc da vàng” có lẽ là “Người con gái Việt Nam da vàng”: “Em chưa biết quê hương thanh bình/ em chưa thấy xưa kia Việt Nam/ em chưa hát ca dao một lần…”. Nghe ra, lời ca ấy là nỗi đau thương da diết. Dù bài hát có đau thương lìa kiếp sống thì vấn đề mà điệu buồn gợi lên không phải là cái chết mà là kiếp sống buồn!

Người nghệ sĩ du ca ấy đã đến một lần trong thế giới này rồi đi. Cứ ngỡ như với thế giới này anh chưa kịp sống. Những ngày sống cứ hụt hẫng đâu đây, như ly rượu chưa kịp đầy, như cơn say chưa trọn. Và rồi, men say bảng lảng ấy cứ còn phảng phất đòi gọi tên mình.

Để người nghe Trịnh, đọc Trịnh cứ băn khoăn hỏi Trịnh là ai? Trịnh ngồi chỗ nào trong thế gian này và trong thế giới nghệ thuật này? Không dưng khi nghĩ về Trịnh tôi lại nhớ đến hai nhạc sĩ khác, cũng là những đấng bậc tài hoa, Văn Cao và Phạm Duy.

Và ngẫm, Văn tiết chế quá, Văn chọn cho mình đại sự, và viết với Văn là đại tự sự; Phạm quá rong chơi, và đã đi bên lề thân phận. Trịnh chọn cho mình chỗ đứng giữa mọi phận người mà nghĩ về nhân loại, có lẽ vì vậy mà Trịnh gần gũi hơn chăng?

Khi đi tận cùng lòng tôi, tôi gặp nhân loại. Có ai trách Trịnh đã quá lơ ngơ giữa hai bờ chiến tuyến thì tôi không bàn cãi, chỉ thấy yêu tâm hồn nghệ sĩ ấy, trong trẻo quá, thanh hư quá. Với Trịnh nỗi buồn nhập cuộc, khi người nghệ sĩ lấy nhân loại làm đời sống của mình.

Và đã hai mốt năm rồi lời ca còn phảng phất trên cao: “người hãy nhớ, hãy nhớ đời/ người hãy nhớ, hãy nhớ người”…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lời ca ru những phận người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO