Lời của đá

TRUNG VIỆT 02/09/2023 12:52

(QNO) - Tôi ghé thăm nhà anh, làng quê trung du nép mình ngay chân núi của Quế Sơn. Một bữa ngang qua, thấy đá xếp chồng, nhấp nhô, trải dài từ  núi  xuống ruộng, dày đặc, cùng một màu đen xám lạnh lùng. Nhìn xa, cỏ dại, lúa, cây rừng, nước suối tràn chảy, đá có vẻ được giới phượt, nhiếp ảnh, hội họa mê. Điện thoại “mớm” thử suy tư từ anh, câu trả lời đầu kia “rứa mới khổ”.

Làng trung du ở Quế Sơn.
Làng trung du ở Quế Sơn.

Ở đó,  mỗi nhà tọa lạc trên một quả đồi, cách nhau một tiếng hú. Nhìn quanh là núi. Tôi ngó trên bản đồ, không riêng làng, mà cả xã này, chỉ có đường độc đạo vào ra. Vây quanh là núi, ở giữa là thung lũng, mang dáng của một cái chậu lớn, mà đáy là ruộng lúa nước. Sông gần đó, đủ chứa  thường xuyên cho một cái hồ, mà dân làng nói, nước uống khó khăn, có năm người ta định thiết lập hệ thống dẫn nước từ sông vào và lọc, nhưng kết luận cuối cùng, là nếu vậy thì hồ không còn nước. Thôi, mình ráng để lúa có nước mà đỡ mua gạo.

Năm 2021, nắng hạn, sông trơ đáy, lúa chết héo queo. Người cũng khô khát. Hầu hết uống nước giếng đào, cạn nhất là sâu hơn 4m. Phải chạy đi xin, chứ tiền đâu mua nổi nước thùng khi cơn khát kéo dài 3 tháng. Giếng đóng thì đá vôi, lúc đầu nó phun ầm phọt khi bị khoan trúng mạch, nhưng năm phút sau, nước chảy ra chi to bằng đầu đũa. Múc 1 ly, lát sau thấy vôi đóng trắng quanh thành ly. Ở đây núi đá vôi. Thua. Chỉ còn cách ráng lấy để tưới cây. Mà đâu phải khoan dễ có nước, đóng xuống thấp nhất là 60m, có chỗ  sâu tới 100m mới có nước, giá 1 cái giếng khoan là 30 triệu trở lên. Bán một mùa keo, đóng được cái giếng. Hết tiền.

Ông Hàn, một lão nông cả đời bám đá, người như cây keo đã lột vỏ, phơi khô, đoạn cong đoạn thẳng. Chưa 70 tuổi mà răng rụng đã gần hết, má tóp lại, giọng trầm đục như đá không thèm trân mình trước búa  đục, rằng mấy đời nhà tôi ở đây, lật đá, chen đá mà sống. Đời thì dài, nhưng ngó lại sống nhờ mấy loại cây, lúc đầu  trồng mía, sau nhà máy đường bể, bỏ; tới trồng sắn, nắng khờ đân, hóp hết, bò không thèm ăn; rồi được khuyên nuôi bò lai, mình bán cho lái  buôn rẻ rề, mà mang xác ra chợ mua thịt bò thì họ “chém” thẳng tay. Chừ ngó đi ngó lại không thứ chi bằng keo, nhưng hai năm rồi cũng “sụt bệ lò rèn”, nhưng cũng hơn mấy thứ kia; lại nghe khuyên trồng cây ăn trái, ai làm hơn một năm thì được hỗ trợ 30% tiền đóng máy bơm, nhưng chỗ khác trồng được chứ làng ông thì nó có ra trái nhưng dở ẹt vì đất xấu quá.

“Làm lúa kiếm hột gạo khỏi đi mua, chứ ở đây hàng ngày chẳng làm chi ra ngàn bạc. Đói chẳng có, nhưng sống bấp bênh quá, giàu thì nghe gay”. Giọng ông cứ trầm đục, như đá chồng lên ngay từ thuở khởi thủy, nó là thế, không lay động, di dời, khác đi, không có cơn mơ nào khiến nó có chân làm một  bước nhảy qua khỏi núi khỏi làng.

Khi tôi về thị trấn, một người viết là dân thổ địa ở đây nói với tôi rằng, từ cái ngày mà keo tụt giá, anh thấy làm lạ là thằng hàng xóm tài xế xe tải chuyên chở keo rảnh miết, cứ rủ chơi cờ tướng, hỏi ra thì hắn nói keo không ai mua thì nổ máy xe làm chi. Cả quán mỳ bà chi đó ở Quế Thuận nức tiếng xa gần lúc đầu 5.000 đồng/tô, nay lên 7.000 đồng/tô, theo anh, là bà nói keo không bán được, quán bà khổ lây, lý do trước đây dân làm keo chở keo tập trung ăn sáng đông như quân Nguyên, ăn xong lại mua mỗi người một tô để ăn trưa, nhưng nay thì làm cho nhiều ra mà bán được bao nhiêu. Anh kết luận rằng, mọi biến động bây giờ đều tác động không chừa một ai, và nông dân bao giờ cũng là người khổ nhất.

Nhà bạn nhìn xuống thung lũng, được chắn bởi cau trồng dày đặc. Trên này đúng là cau nhiều. Ai ở thành phố, cuối năm mua cau cúng tất niên, giao thừa, mới thấm cau đắt như vàng. Có lần tôi hỏi một người bán, họ nói ở mình cuối đông không có cau, phải mua từ nơi khác. Còn ở đây, cau như kẻ phong trần, dẫu có đông đúc thì chẳng làm bớt hơi khí trưa trung du nắng rát, tịnh không tiếng gà.

Nãy ông Hàn có kể, năm xa rồi, cau được giá, thời điểm cao nhất là 90 nghìn đồng/kg. Cách đây vài năm, là 50 nghìn đồng/kg, nhưng tụt xuống ngay sau mấy ngày. Còn bạn thì nói, năm ngoái đây thôi, lúc đầu 2.000 đồng, sau còn 1.500 đồng/kg, chán không muốn hái.

Tôi nhìn đá trơ trong nắng, từ đen chuyển qua xám bạc, nếu có mưa, nó lại đen, nghĩ tới vòng tròn một đời người. Những mảng sáng, có chứ, nhưng nó chỉ hiện ra trong khoảnh khắc, với những người như ông Hàn bởi một đời cơ cực, quen rồi, lầm lũi với đá để sinh nhai, rồi cuối cùng gửi thân về đá. Mặc cho những con số, chỉ tiêu, những tuyên bố chuyển mình thay da đổi thịt từ ai đó, thì câu trả lời không bao giờ khác, là chính từ đá. Người trẻ là chủ nhân của làng chứ không phải người già, nếu như theo thói thường hay nói có từ thời hợp tác xã, là “lao động chính”.

Ở đây, thanh niên dạt phương xa kiếm sống hết, chừa lại ông bà già hoặc ai đó mà không thể rời nhà đội nón ra đi, nhưng lòng thì héo úa khi cơn gào thét của tuổi trẻ sục sôi trong ngực. Bạn đã chớm tuổi 40, cũng phong ba cơm áo, lặn lội thị thành kiếm sống, nhưng bây giờ thì nói “em mệt rồi, quay về thôi”.

Một phác thảo đã bắt đầu ghi dấu bằng việc xắn tay dựng trại nuôi heo. Bữa tôi lên, cũng lúc hai cái lò inox nấu rượu mua mấy chục triệu cũng được chở về. Anh thuyết minh: “Sẽ không làm lúa nữa, chỉ trồng hoa màu để làm nguồn thức ăn cho heo, nấu rượu lấy hèm, còn rượu thì bán, ở núi anh biết rồi, uống rượu là vô địch, mình nấu ngon không sợ ế, thịt heo thì luôn có nhu cầu mua. Em tính rồi, chừ gạo chán chê, heo cần lương thực chủ động. Một vòng tròn khép kín, chắc là không đói, nhưng chắc phải “gồng” một thời gian”.

Nghe anh nói, tôi gật, nhưng nhìn đá. Liệu có câu trả lời nào tươi sáng từ đây khi những cơn mưa đã chờ quá lâu trên mảnh đất này. Đời nối đời, những dòng người miền Trung đổ đi kiếm ăn. Ở miền xuôi tấp nập người qua lại, cái cảm giác quờ quạng, đơn độc đối mặt những ùn ùn dấu hỏi mưa sinh, dẫu có đầy ra đó, nhưng nó bị càn lướt, trôi dạt, che phủ bởi những bước chân giẫm đạp tìm cơ hội mọc lên như nấm dẫu tiềm ẩn trong đó biết bao rủi ro, nhưng nó ít ra không chặn bước người ta.

Còn chốn đá này, đá chẳng rêu xanh mà như bánh tráng nướng cháy phồng lên. Mắt bạn lấp lánh hy vọng và quyết tâm, nhưng thoáng vẻ hoài nghi dầu không muốn nó có mặt. Đến bây giờ, những người hoạch định chính sách vẫn không nói được cụ thể, rõ ràng, là nông thôn làm chi tại chỗ để khá lên? Những con số chỉ tiêu tăng trưởng, thoát nghèo, đạt mức trên giao hay này nọ, là những mảnh ghép mà chẻ ra, chỉ biết cười trừ, khi đằng sau mỗi cánh cửa nhà nông là cái vắt tay lên trán đầu xuân cuối đông triền miên toan tính. Để ý mà coi, rồi ai cũng tự tính cho mình, chẳng ai chịu ngồi một chỗ mà chờ chết.

Chỉ có đá là trầm mặc, hỏi gì cũng không trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lời của đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO