Vài năm gần đây, khi phong trào khởi nghiệp quốc gia được khởi xướng thì những diễn đàn sinh viên khởi nghiệp tổ chức ngày càng nhiều. Ở Quảng Nam cũng vậy.
Tại các diễn đàn ấy, sinh viên học sinh thường dễ tìm thấy những khái niệm được gọi là kiến thức căn bản cũng như kỹ năng trong khởi nghiệp. Cũng không rõ là diễn giả và người nghe chia sẻ với nhau được gì về việc xây dựng các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh (hay thậm chí là ý tưởng cho đời mình) sau mỗi diễn đàn ấy. Nhưng dù sao, cũng là một kênh để người trẻ tiếp cận với những cánh cửa phía kia, để tạm gọi là định hình đường đi, khi bước ra khỏi cổng trường học.
Hoài bão. Khát vọng. Bứt phá… là những mỹ từ người ta thường ưu ái dành cho tuổi trẻ. Và, tất nhiên, còn rất nhiều diễn đàn khác nữa, mà tuổi trẻ dự phần vào (dù là tự nguyện hay không) để không bị lạc lối trong hành trình làm người. Liệu rằng, bao nhiêu người trẻ ôm khát vọng về những điều cao cả của riêng mình với một thời trên đầu chỉ có trời xanh để đi tiếp đến cuối hành trình? Những “Sinh viên 5 tốt”, những “Sao tháng Giêng” bao nhiêu năm qua vẫn tiếp tục tự thắp lửa để góp sức xây dựng quê hương hay là danh hiệu chỉ còn trong quá khứ, với thời tuổi trẻ đi qua, bởi phải bận bịu với sinh nhai. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, rất nhiều người từng muốn thay đổi cách học – cách dạy, muốn thay đổi cách tiếp cận kiến thức cũ mèm của mấy mươi năm đọc chép. Người ta khao khát một cuộc cách mạng. Nhưng rồi, tuổi trẻ chóng quên. Kiểu như người lớn luôn quên mình từng là trẻ con vậy.
Khát vọng của tôi, của chúng ta, của những người không – còn – trẻ, những người đã qua thời học sinh sinh viên là gì, chỉ riêng với tương lai con em chúng ta thôi, ở riêng lĩnh vực giáo dục thôi, đừng nói kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hay quy mô GDP của đất nước nghe to tát quá chừng. Khát vọng nào, khi mỗi ngày, sách vở vẫn đè nặng lên đầu những đứa trẻ? Bởi người ta vẫn sẽ tiếp tục cãi nhau quanh bộ sách công nghệ giáo dục, bốn mươi năm rồi chưa ngã ngũ. Trong khi giáo viên ở các trường thì đang loay hoay chưa có lối rành rọt với việc lựa chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 (năm học 2020-2021) đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Trong khi, cứ đến hẹn lại lên, gần tết, lại thấy Sở GD-ĐT Quảng Nam ban hành văn bản yêu cầu các trường chú trọng việc duy trì sĩ số học sinh trước và sau tết nhằm ngăn ngừa tình trạng bỏ học, nhất là đối với các trường ở miền núi. Những văn bản hành chính vô hồn, đương nhiên không có con số nào của một báo cáo cho thấy về những đứa trẻ bỏ học. Nhưng, người ta luôn thấy ở đó, chuyện dai dẳng, rằng chuyện bọn trẻ không đến trường vì cái ăn cái mặc khốn khó, vì trường học không vui thú hơn nương rẫy hay vì muôn thứ khác nữa, vẫn còn đó, bất chấp những câu khẩu hiệu về sự học được treo đầy.
Làm sao để giữ lại khao khát về một cuộc cách mạng trong giáo dục ở những người trẻ? Hình như, tôi đang đụng phải một bức tường!