Từ lâu Hội An đã có quan điểm phát triển đô thị di sản theo hướng “sinh thái - văn hóa - du lịch” và đang chờ một nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tạo sức bật cho giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
UBND tỉnh vừa có cuộc họp để nghe báo cáo việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP.Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu lãnh đạo TP.Hội An tiếp thu các ý kiến góp ý, khẩn trương hoàn chỉnh nội dung để báo cáo UBND tỉnh, sớm trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Kiên định hướng đi
Ngay từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hội An lần thứ XV (năm 2005) đã xác định “Tiếp tục xây dựng Hội An theo tiêu chí đô thị sinh thái loại 2, thực sự là một trong số các trung tâm văn hóa của tỉnh Quảng Nam, giữ vững và phát triển thị xã văn hóa, là đô thị du lịch của tỉnh và là một trong số các trọng điểm du lịch quốc gia, an toàn, thân thiện và có sức hút mới”.
Sau gần 20 năm, trong bối cảnh mới, có thể thấy TP.Hội An vẫn đang kiên định, cố gắng nâng tầm hướng đi trên để bảo tồn và phát triển đô thị di sản.
Ở lĩnh vực môi trường sinh thái, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí chi cho công tác bảo vệ môi trường, sinh thái của Hội An hơn 836 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 572 tỷ đồng.
Về văn hóa, nhiều nghị quyết, đề án được triển khai, như Nghị quyết xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch; Đề án xây dựng Hội An - thành phố văn hóa; Đề án xây dựng Hội An - nhân tình thuần hậu... đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong cán bộ, cộng đồng dân cư về nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử, gìn giữ nếp sống thuần hậu của người Hội An.
Trong lĩnh vực du lịch, theo thời gian, thương hiệu du lịch Hội An đã xác lập chỗ đứng mang tầm quốc tế, liên tục được bình chọn và vinh danh ở nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới. Mới đây Hội An cũng đã xây dựng Đề án phát triển du lịch Hội An giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm từng bước phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, dù là một đơn vị hành chính cấp huyện nhưng Hội An mang tính đặc thù rất cao khi sở hữu di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Dù áp lực phát triển đô thị rất lớn nhưng quan điểm nhất quán của thành phố là giữ lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp để phát triển đô thị theo hướng “phố trong vườn, vườn trong phố”.
Cần thêm trợ lực
Mục tiêu bảo tồn, phát triển theo hướng đô thị “sinh thái - văn hóa - du lịch” của Hội An đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực thi. Nguồn lực triển khai vẫn là yếu tố mấu chốt để Hội An “gỡ khó” trong bối cảnh hậu Covid-19. Một nghị quyết cho vấn đề này từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy là rất cần thiết để tạo sức bật cho Hội An thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho hay, thành phố sẽ đẩy nhanh việc tranh thủ nguồn lực từ Trung ương qua quyết định phê duyệt quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển TP.Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025, quyết tâm xây dựng cơ chế đặc thù cho Hội An.
Về phía tỉnh, có thể hỗ trợ Hội An từ một số nguồn như vé tham quan, tiền thu từ đất, thuế… Ngoài ra, Hội An cũng có thể tranh thủ nguồn hỗ trợ từ quốc tế. Quy hoạch cũng là vấn đề hết sức quan trọng để bảo tồn và định vị giá trị đô thị Hội An. Là đô thị đặc thù nên Hội An sẽ gặp những rào cản trong tiếp cận một số tiêu chí quan trọng để trở thành đô thị loại 2.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Hội An có thể tham khảo lọc các tiêu chí cho đô thị loại 2 mà thành phố cảm thấy tương thích với quá trình xây dựng đô thị “sinh thái - văn hóa - du lịch” để phấn đấu đạt được.
Ngoài ra, thành phố có thể căn cứ Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị bền vững và Thông tư 01 của Bộ Xây dựng về tăng trưởng xanh để tham khảo, tiếp cận.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Hội An cần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng, các tiêu chí, căn cứ pháp lý để xây dựng 3 thành tố “sinh thái”, “văn hóa”, “du lịch”. Ở Hội An có một yếu tố rất nổi bật là “tính cộng đồng”, nên thành phố cần phải xem đây là chủ thể quan trọng trong xây dựng đề án.
Ngoài ra, xuất phát từ các thách thức, áp lực của vùng lõi phố cổ Hội An và khu vực phụ cận, Hội An cần mạnh dạn đề xuất giải pháp, nguồn lực cụ thể để thành phố phát triển bền vững, đồng thời tăng cường tính chủ động cho chính quyền địa phương.