Lối đi cho cây dược liệu - Bài 2: Nam dược trị Nam nhân

CHIÊU THỤC ANH 27/02/2014 08:46

Việc sử dụng nguồn thuốc tại chỗ và thuốc thay thế đem lại lợi ích cho cả người bệnh và thầy thuốc. Phương thức này đang được ứng dụng rộng rãi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

  • Lối đi cho cây dược liệu - Bài 1: Giữ nguồn gen
Vườn cây thuốc nam được trồng trong vườn nhà ông Lê Văn Phúc ở xã Tiên Sơn, Tiên Phước. Ảnh: THỤC ANH
Vườn cây thuốc nam được trồng trong vườn nhà ông Lê Văn Phúc ở xã Tiên Sơn, Tiên Phước. Ảnh: THỤC ANH

Nguồn thuốc tại chỗ

Theo các lương y, thuốc để dùng trong đông y hiện nay bao gồm hai nguồn: nhập khẩu từ bên ngoài và nguồn dược liệu có sẵn được chế biến thành thuốc tại địa phương. Quảng Nam được thiên nhiên khá ưu đãi khi có tới 94 trong 185 loài thảo dược được Bộ Y tế đưa vào danh mục cây thuốc thiết yếu, nhiều loại cây có trữ lượng rất lớn. “Giá thành thuốc bắc có xu hướng ngày càng tăng và khan hiếm dần vì tiềm năng thiên nhiên có được từ cây và con không phải là vô tận. Chất lượng các loại thuốc bắc ngoại nhập cũng không được kiểm soát chặt chẽ, nhiều khi thuốc đã được ép, chiết xuất lấy hết chất và bán xác thuốc qua thị trường nước ngoài” - ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho hay. Đối với những lương y như ông Nguyễn Văn Sỹ, câu “Nam dược trị Nam nhân” của đại danh y Tuệ Tĩnh chính là “phương thuốc nghề nghiệp”. Những kinh nghiệm quý báu mà người xưa để lại thông qua các tài liệu, y văn và sự kế thừa đã khẳng định lực lượng lương y, lương dược tại mỗi địa phương đã và có thể trồng, thu hái, sao tẩm, chế biến ra thuốc thành phẩm đạt chất lượng dùng cho chữa, phòng bệnh. Có nhiều yếu tố để khẳng định, hiệu quả chữa bệnh của thuốc nam trong hoạt động khám chữa bệnh rất cao.

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, trong các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hằng năm của hội đông y huyện, thành phố, các hội viên đều khẳng định việc sử dụng được thuốc tại chỗ và thuốc thay thế đem lại lợi ích không chỉ cho người bệnh mà cả cho thầy thuốc. Hơn thế, xây dựng vườn cây thuốc nam mở ra một cách tiếp cận mới về nuôi trồng, thu hái, buôn bán dược liệu… theo một kế hoạch. “Khi hiệu quả của vườn cây thuốc nam được nhìn thấy sẽ có tác dụng khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình, cơ cấu kinh tế từ vùng, đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả bấp bênh sang trồng và sản xuất dược liệu mà lợi thế so sánh về giá trị trên một đơn vị diện tích có thể cao gấp nhiều lần” - ông Lê Văn Phúc (xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước), người có kinh nghiệm 10 năm trồng cây thuốc nam, nói.

Vườn thuốc thay thế

Tận dụng nguồn dược liệu sẵn có và tùy vào thổ nhưỡng ở từng địa phương, nguồn thuốc tại chỗ và thuốc thay thế đã được Hội Đông y phát động. Có thể dễ dàng thấy điều đó qua hình ảnh vườn cây thuốc nam được duy trì ở các trạm y tế xã trên địa bàn toàn tỉnh. “Chúng tôi đã triển khai các chương trình, kế hoạch hành động để phát triển ngành Đông y và nguồn dược liệu. Đến nay đã triển khai được nhiều nội dung như: Điều tra khảo sát thực trạng tình hình cây dược liệu có mặt tại địa phương; đại bộ phận thầy thuốc Đông y sử dụng cây thuốc nam để thay thế cho vị thuốc bắc; hội viên thực hiện hình thức tự sưu tầm, di thực cây thuốc từ bên ngoài về trồng trong vườn, trang trại để nhân giống, phát triển; các tổ chức hội địa phương phối hợp trạm y tế xây dựng “chuẩn” trồng vườn thuốc nam để lưu giữ các giống dược liệu”- ông Nguyễn Văn Sỹ cho hay.

Một trong những địa chỉ ứng dụng hiệu quả nguồn thuốc tại chỗ và thuốc thay thế là Bệnh viện Y học dân tộc Quảng Nam. Bác sĩ Lê Thân - Phó Giám đốc bệnh viện nói: “Bộ Y tế chỉ quy định các trạm y tế xây dựng vườn thuốc nam, nhưng nhận thấy tầm quan trọng của cây thuốc nên các y, bác sĩ khoa Dược của Bệnh viện Y học dân tộc cũng cố gắng xây dựng vườn thuốc nam để phục vụ chữa bệnh cho nhân dân, dù số lượng hạn chế vì nhiều lý do. Trong các buổi họp bệnh nhân, bệnh viện cũng in tài liệu về tác dụng của cây thuốc nam phát miễn phí cho bà con để mọi người tìm hiểu, sử dụng”. Một số Hội Đông y cấp huyện cũng đã có kế hoạch triển khai và xây dựng vùng nguyên liệu thuốc nam. Như tại Thăng Bình, UBND huyện vừa đầu tư gần 200 triệu đồng để Hội Đông y huyện xây dựng vườn thuốc nam. Ông Phan Đức Phương - Chủ tịch Hội Đông y Thăng Bình nói: “Vườn thuốc nam của hội rộng 700m2, hiện đã trồng, nhân giống được 40 loại cây thuốc có giá trị. Ngoài ra, hội phát động trồng cây thuốc nam trong nhân dân, mỗi năm thu được 50 - 70 tấn dược liệu. Như đội 13, thị trấn Hà Lam trồng được 2ha cây kim tiền thảo; trung bình 95 hội viên đều có khoảng 5 - 7 loại cây thuốc trong vườn nhà để phục vụ chữa bệnh”.

Tuy nhiên, theo ông Sỹ, nếu chỉ dựa vào nguồn nguyên liệu như hiện nay để xây dựng nguồn thuốc thay thế sẽ rất bị động. Cây thuốc mọc hoang lâu nay ở núi rừng không chỉ là cây thoát nghèo của người dân, mà còn là cây “sức khỏe”. Người dân ở một số vùng đã bắt đầu trồng cây thuốc dược liệu theo hình thức chuyên canh hàng hóa để cung cấp cho nhà sản xuất, nhưng nhất thiết phải có những chính sách cụ thể, cần có đơn vị “cầm trịch” định hướng cho việc quy hoạch phát triển vùng dược liệu. Có như thế, thuốc nam cho người nam mới thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả lớn.

______
Bài cuối: Hướng đến quy hoạch vùng

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lối đi cho cây dược liệu - Bài 2: Nam dược trị Nam nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO