Lợi dụng độc quyền

H.Q 25/09/2019 10:55

Tôi mua một chiếc quạt nước tên nước ngoài nhưng ghi xuất xứ Việt Nam. Vừa hết bảo hành thì cánh quạt bỗng dưng nứt toác. Tìm đến các đại lý điện máy tại Tam Kỳ để mua cánh quạt thì được báo rằng không có hàng sẵn, và chỉ những tiệm bán loại quạt này mới có thể đặt mua thiết bị thay thế. Tôi tìm đến nơi bán chiếc quạt để đặt hàng, chủ cơ sở nói ghi lại số điện thoại nhưng phải mất hơn một tháng trời chạy qua chạy lại hỏi thăm, tôi mới được đáp ứng nhu cầu, nhưng bằng cái cách không mấy dễ chịu là chờ họ tháo cánh trong một chiếc quạt khác, tất nhiên là với giá bán rất cao. Thật khó tin, thị trường điện máy phát triển rầm rộ tại Tam Kỳ trong thời gian gần đây với các dịch vụ cạnh tranh nhưng lại ách tắc ở một “chuyện nhỏ” như vậy.

Nhớ lại chuyện lùm xùm về “made in Việt Nam” cách đây chưa lâu, tôi tự dưng ấn tượng với cuộc trả lời phỏng vấn trên báo chí của một chủ doanh nghiệp điện máy. Đại ý rằng, hiện những quy định về ghi xuất xứ hàng hóa điện máy vẫn còn rất nhập nhằng. Và thực tế không có doanh nghiệp điện máy nào của Việt Nam sản xuất 100% thiết bị, thậm chí có danh nghiệp chỉ đơn thuần nhập thiết bị về lắp ráp. Chuyện này cũng không có gì lạ, bởi doanh nghiệp Việt Nam không chuyên sản xuất thiết bị, trong khi đó Trung Quốc là công xưởng của thế giới, đặt thiết bị loại nào cũng có với giá rất rẻ. Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam có đặt hàng ở những cơ sở uy tín và kiểm định tốt chất lượng sản phẩm hay không mà thôi. Đó là thực tế, là phương án kinh doanh khả thi mà doanh nghiệp phải theo nếu không muốn “sập tiệm” trong cuộc cạnh tranh thị trường, dù quy định ghi hàng hóa xuất xứ Việt Nam có ràng buộc khắt khe hơn.

Vụ việc “made in Việt Nam” tạm lắng xuống. Nhà nước đã xây dựng quy định ghi xuất xứ hàng hóa theo hướng chặt chẽ hơn. Tôi không phải là nhà chuyên môn trong lĩnh vực này để phân tích cặn kẽ ở khía cạnh quản lý nhà nước, nhưng liên tưởng đến sự nhọc nhằn, thiệt thòi của mình trong vai trò là người tiêu dùng khi phải đặt mua cánh quạt với giá cao. Liệu tôi có thể giải thích với mình rằng chi phí đó là do sự độc quyền, phải chấp nhận vì doanh nghiệp nước mình chưa thể sản xuất thiết bị; hay do mình không phải là người tiêu dùng thông thái nên phải chịu rủi ro khi mua sắm hàng hóa?... Thực ra tôi đang nghĩ khác, tôi có cảm giác mình đã bị lợi dụng từ sự độc quyền, do người buôn bán lẫn cơ sở sản xuất (hoặc lắp ráp) tạo nên, bởi họ thừa biết về sự “nhọc nhằn” của người tiêu dùng như tôi nhưng vẫn làm ngơ, thậm chí tăng giá vì biết tôi buộc phải mua thiết bị...

Cảm giác đó của tôi có thể bạn đã từng. Ví dụ khi bạn phải mua bộ hồ sơ ở một cơ sở bắt buộc để hoàn thiện thủ tục, dù 2 tờ giấy mẫu được in sơ sài vẫn được bán với giá 30 nghìn đồng; hay phải ăn những tô mỳ tôm giá trên trời ở sân bay; rồi “mua” một tờ giấy khám sức khỏe xin việc với giá 80 nghìn đồng... Đó có thật sự là những dịch vụ vận hành theo thị trường với sự lựa chọn hoặc “tẩy chay” của người tiêu dùng không? Tất nhiên là phải rồi, nhưng khác ở chỗ đó là loại dịch vụ “vừa vào cuộc vui đã chớm nghe lừa dối...” nhưng đành phải chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lợi dụng độc quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO