Đầu năm 1972 khi Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam đang đi đến hồi quyết định. Ở chiến trường ta chủ trương, nếu đạt thêm được nhiều chiến thắng quân sự sẽ có lợi lớn trên bàn đàm phán. Theo tinh thần ấy, ở khu 5 ta mở chiến dịch Xuân Hè trong đó có mục tiêu đánh tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi, nằm trong thung lũng Quế Sơn - phía tây Quảng Nam. Bấy giờ tôi là cán bộ tuyên huấn phòng chính trị Cục Hậu cần, cũng được điều động xuống bám cơ sở cùng bộ đội vận tải tăng hàng, tăng chuyến, ngày đêm đưa hàng ra chiến trường không khí vô cùng khẩn trương và sôi nổi.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thăm Tướng Nguyễn Chơn ngày ông còn tại thế. Ảnh: H.VÂN |
Hơn bốn mươi năm trôi qua, ngoài những điều lịch sử đã viết về chiến thắng Cấm Dơi, mới đây may mắn tôi gặp được Đại tá Trần Ngọc Quế đã nghỉ hưu hiện sinh sống cùng gia đình tại TP.Hồ Chí Minh, khi đó ông là thư ký riêng của Tư lệnh Chu Huy Mân (Hai Mạnh). Gặp người cùng thời, ký ức trận đánh Cấm Dơi bỗng dưng lại ùa về tuôn chảy tưởng không bao giờ dứt. Đặc biệt trong trận đánh này lần đầu tôi nghe thêm nhiều chi tiết thật thú vị về bản lĩnh, tài năng của Thượng tướng Nguyễn Chơn - nguyên Sư trưởng Sư đoàn 2 Quân khu 5, hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Căn cứ Cấm Dơi cách chi khu quận lỵ Quế Sơn chừng hai cây số, sát đường 105. Trước đó ở đây địch bố trí Lữ đoàn dù 173 Mỹ đóng giữ, nhưng về sau đơn vị này rút khỏi chiến trường Việt Nam để quân đội Sài Gòn chốt giữ. Đến tháng 6.1972 chúng điều thêm quân từ vùng Trị Thiên về tăng cường, đưa lực lượng ở Cấm Dơi lên 2 trung đoàn 5 và 6 thuộc Sư đoàn 2 bộ binh. Ngoài ra Cấm Dơi còn có Trung đoàn 4 thiết giáp, Tiểu đoàn 77 biệt động biên phòng, ba liên đội cùng hàng chục đại đội Bảo an, trung đội tự vệ. Với sự bố phòng lớn địch tạo nên một cứ điểm Cấm Dơi mạnh về nhiều mặt duy nhất ở miền Trung có hệ thống công sự ba tầng. Tầng ngoài địch xây dựng công sự chiến đấu, tầng hai là lô cốt và nhà ngầm, tầng ba có nhiều hang đá lập thành nơi cố thủ, có xe tăng thường xuyên trực chiến. Bao quanh căn cứ chúng bố trí 12 lớp rào kẽm gai bùng nhùng ba khoanh, khoảng cách từ lớp rào ngoài cùng đến lớp rào phía trong có độ rộng hơn 100m; giữa các hàng rào địch còn gài mìn phát sáng, mìn clây-mo đề phòng đặc công ta tập kích bất ngờ ban đêm. Khoảng cách giữa các lớp rào lại có ba đường xe chạy, ngày đêm chúng cho lính đi tuần tra canh giữ. Tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 Sài Gòn đã nhiều lần thị sát căn cứ Cấm Dơi, hắn tỏ ra hài lòng nhưng vẫn nói cùng binh sĩ “phải cố thủ đến cùng, không để cho Cộng quân tấn công”. Quyết tâm của tướng Trưởng đã nói lên tầm quan trọng của Cấm Dơi, rõ ràng nếu thất thủ Cấm Dơi sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở phía tây nam Đà Nẵng và phía tây bắc Tam Kỳ.
Về mục tiêu đánh căn cứ Cấm Dơi của chúng ta chính là đánh vào bên sườn phía sau Quân đoàn 1, giam chân Sư đoàn 2 bộ binh Sài Gòn sa lầy tại đây, không cho chúng chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Bộ Tư lệnh Quân khu khẩn trương thành lập Sở chỉ huy tiền phương do các Phó Tư lệnh Nguyễn Chánh, Nam Khánh chỉ huy. Điều Sư đoàn 711 do Sư đoàn trưởng Hoàng Anh Tuấn trực tiếp đánh tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi. Các cơ quan quân khu Chính trị, Hậu cần, Tham mưu cùng tham gia chiến dịch. Ngoài lực lượng quân chủ lực quân khu, ta còn huy động lực lượng du kích từ các vùng ven được giải phóng, rừng núi tây Quảng Nam, Quảng Đà. Huy động thêm hàng nghìn dân công hỏa tuyến tham gia vận tải với khẩu hiệu “hàng nghỉ người không nghỉ”. Giờ “G” đêm 27.7.1972, một mũi đặc công của ta tập kích tiêu diệt cứ điểm Hòn Chiêng, tiếp theo ta đánh cứ điểm Bàn Thùng và Liệt Kiểm, nhằm kéo lực lượng địch ra bên ngoài căn cứ Cấm Dơi để tiêu hao, tiêu diệt. Tuy nhiên mục tiêu quan trọng nhất căn cứ Cấm Dơi chúng ta vẫn chưa tiêu diệt được.
Đại tá Trần Ngọc Quế khẽ hắng giọng, nói ra điều tôi bất ngờ nhất: “Chưa thắng được, trong đấy có bệnh chủ quan anh ạ. Tư lệnh Chu Huy Mân sau đó rút Sư trưởng Hoàng Anh Tuấn về phía sau, thay vào đó là ông Nguyễn Chơn chỉ huy Sư đoàn 711”. Một quyết định thay đổi “êm dịu” mà không phải ai cũng biết. Ba mươi năm sau (2006) khi Đại tướng Chu Huy Mân qua đời, thương nhớ, khâm phục đức độ tài năng người chỉ huy cấp trên của mình một thời khói lửa, Thượng tướng Nguyễn Chơn mới thổ lộ trận đánh căn cứ Cấm Dơi ông đã chỉ huy đánh thắng như thế nào qua bài viết “Đại tướng Chu Huy Mân, ba điều tôi tâm đắc”.
Giai đoạn 1 đánh Cấm Dơi kéo dài suốt 30 ngày, nhưng ta chỉ mới bóc được lớp vỏ ngoài của địch, tổn thất lực lượng, tốn kém vũ khí, tinh thần bộ đội bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi. Sau khi bị đánh bất ngờ, địch bắt đầu củng cố công sự, hỏa lực, điều thêm 4 tiểu đoàn tới chốt quanh căn cứ Cấm Dơi. Như vậy lực lượng địch đã tăng lên hơn gấp hai lần trước đó. Chúng bố trí 4 tiểu đoàn vòng ngoài, 3 tiểu đoàn vòng trong, ngoài ra còn có một tiểu đoàn thiết giáp 31 xe, các trận địa pháo núi Quế, cầu Ông Triệu rồi có cả pháo tự hành 175 ly - “vua chiến trường”, máy bay từ Chu Lai, Đà Nẵng cũng sẵn sàng vào hỗ trợ. Yếu tố bất ngờ để đánh Cấm Dơi của ta đã hết, cũng có nghĩa khó khăn của ta tăng lên bội phần! Nguyên nhân chưa thành công thì nhiều, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, điều này cũng đúng như Đại tá Trần Ngọc Quế tâm sự. Đó là phương án, cách đánh chưa tính hết được những khó khăn phát sinh khi chiến dịch diễn ra. Đáng chú ý Sư đoàn 711 và tiền phương quân khu chưa có đủ kinh nghiệm để thực hiện một chiến dịch đánh tiêu diệt lớn. Trước tình hình đó Tư lệnh Chu Huy Mân quyết định thay đổi nhân sự là vì thế. Chỉ huy tiền phương rút ông Bình (tức Nguyễn Chánh) về trực Sở chỉ huy cơ bản và chính ông xuống trực tiếp chỉ huy. Chuyển Nguyễn Chơn chỉ huy Sư đoàn 711. Quyết định đột ngột không khỏi làm Tướng Nguyễn Chơn băn khoăn. Ông băn khoăn là Sư đoàn 711 quân tướng đều mới lạ cả. Nhưng quân lệnh như sơn phải chấp hành! Nguyễn Chơn tức tốc lên đường đến Sở chỉ huy tiền phương ở Núi Lớn. Ở đây Nguyễn Chơn được Tư lệnh cho xem hai bức điện của đồng chí Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Năm Công và Tư lệnh Hai Mạnh (Chu Huy Mân), trong điện chỉ thị Quân khu 5 phải tập trung lực lượng đánh tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi để chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Nguyễn Chơn xem xong chưa kịp nói gì, Tư lệnh Chu Huy Mân nói tiếp: “Bằng mọi cách anh chỉ huy Sư đoàn 711 giải quyết mục tiêu, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của anh Ba, anh Văn!”. Nguyễn Chơn đáp: “Cho tôi xin bảy ngày về Sư đoàn 711 nắm tình hình bộ đội và tình hình địch, rồi sẽ trình anh phương án, cách đánh cụ thể”.
Bảy ngày ấy sau này có rất nhiều câu chuyện kể thêm về Nguyễn Chơn thật là thú vị. Rằng Nguyễn Chơn gặp bộ đội, chỉ huy các trung đoàn, tiểu đoàn như thế nào. Ông cũng đi cùng trinh sát bò vào tận hàng rào kẽm gai của địch đếm từng lô cốt, đánh dấu từng hầm ngầm, mục tiêu, hỏa lực địch rồi chỉ cho chiến sĩ ta đặt từng khẩu súng B40, B41, DKZ bắn ra sao có hiệu quả nhất. Hành động của Nguyễn Chơn làm cán bộ chiến sĩ sư đoàn thấy ấm áp, gần gũi và vững tin lên nhiều. Đúng hẹn bảy ngày sau Nguyễn Chơn lên báo cáo Tư lệnh tiền phương. Ông trình bày phương án và xin đánh tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi. Tư lệnh Chu Huy Mân lắng nghe chăm chú vui mừng lắm, ông bắt tay Nguyễn Chơn và nhất trí hoàn toàn với phương án, rồi bất ngờ ông hỏi: “Thời gian tiêu diệt Cấm Dơi bao lâu?”. Nguyễn Chơn nói ngay: “Trong 24 giờ!”. Tư lệnh lại hỏi tiếp: “Cậu có chắc thắng không?”. Nguyễn Chơn đáp chắc nịch: “Báo cáo anh, chắc thắng!”.
Trận đánh giai đoạn 2 diễn ra vào đêm 17 rạng sáng ngày 18.8.1972. Nguyễn Chơn sử dụng Trung đoàn 31, đơn vị có nhiều kinh nghiệm đánh địch trong công sự làm mũi chủ công hành quân chiếm lĩnh trận địa áp sát căn cứ Cấm Dơi. Vòng ngoài dùng hỏa lực mạnh như pháo, T.72 một loại vũ khí mới có điều khiển ta vừa nhận được từ Liên Xô nã vào căn cứ địch dồn dập. Đến chiều, khi thấy địch bắt đầu hoang mang rối loạn, Nguyễn Chơn lệnh toàn bộ Trung đoàn 31, Trung đoàn 38 tấn công tiêu diệt Trung đoàn 5 quân đội Sài Gòn tại Cấm Dơi. Bốn tiểu đoàn địch bỏ chạy thục mạng về hướng Hà Lam, nhưng ở đây bộ đội địa phương Quảng Nam đã chờ sẵn chặn đánh. Địch lại chạy sang hướng núi Quế, ta lại có Trung đoàn 5 đón lõng nện cho chúng tơi bời. Chóng vánh và hiệu quả, quân ta thu được toàn bộ trận địa pháo địch ở Cấm Dơi, 8 xe thiết giáp M113, bắt sống hàng nghìn tù binh.
Chiến thắng Cấm Dơi diễn ra đúng như Tướng Nguyễn Chơn hứa với Tư lệnh Chu Huy Mân: tiêu diệt địch chỉ trong 24 giờ. Một lời hứa “quá tài”. Tôi dùng những từ ấy và có nhiều lý do để bảo vệ quan điểm của mình. Bởi một lời hứa trong một công việc bình thường, không gian bình thường đã là khó. Còn một lời hứa trong điều kiện chiến tranh sinh tử sống còn của hàng nghìn con người thì sao? Đấy là chưa nói đến danh dự, sự nghiệp, uy tín của Nguyễn Chơn nếu trận này thất bại? Vậy mà ông tin là chắc thắng. Thắng trong 24 giờ đồng hồ. Sau chiến thắng Cấm Dơi ta còn biết thêm một điều thú vị nữa như minh chứng cho lời tôi nói, Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào lúc 18 giờ ngày 17.8.1972 - nghĩa là trước trận đánh vài giờ đã gửi điện khẩn vào khu 5 cho Bí thư Khu ủy Võ Chí Công và Tư lệnh Chu Huy Mân có nhắc: “Yếu tố bất ngờ không còn nữa, địch lại tăng cường lực lượng lớn, nếu đánh không chắc thắng, thương vong lớn thì có thể dừng chiến dịch”. Thế nhưng tin vào tài năng chỉ huy của Nguyễn Chơn, tin vào quân dân địa phương Quảng Nam nơi diễn ra trận đánh Cấm Dơi, Tư lệnh Chu Huy Mân vẫn quyết định không dừng trận đánh!
ĐỖ VIẾT NGHIÊM