Lợi ích kép từ nghiên cứu khoa học

CHÂU NỮ 24/04/2017 08:45

Câu lạc bộ (CLB) Khoa học trẻ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam ra đời từ năm 2015, là CLB khoa học đầu tiên và duy nhất trong hệ thống bệnh viện ở Quảng Nam cho đến lúc này. Hoạt động của CLB đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế; phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh của đơn vị.

Tạo môi trường nghiên cứu khoa học

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Long, công tác tại Khoa Nội tim mạch - Chủ nhiệm CLB Khoa học trẻ BVĐK Quảng Nam cho biết, CLB tập hợp hơn 50 bác sĩ, dược sĩ có cùng sở thích nghiên cứu khoa học đang công tác tại bệnh viện để xây dựng phong trào nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh. Bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc - Phó Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Những lần sinh hoạt định kỳ tạo điều kiện cho các bác sĩ, dược sĩ, nhất là những người trẻ có cơ hội trau dồi kiến thức trong lĩnh vực y khoa cũng như rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghiên cứu khoa học”.

Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của thầy thuốc.  Ảnh: C.N
Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của thầy thuốc. Ảnh: C.N

Bởi, đối với bác sĩ, việc nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức là một yêu cầu không thể tách rời công tác chuyên môn hàng ngày. Tuy nhiên, trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học tại BVĐK tỉnh còn nhiều bất cập như hàm lượng khoa học chưa cao, thiếu tính hệ thống, chưa bài bản, thiếu các buổi sinh hoạt khoa học định kỳ. “Mặc dù có sinh hoạt chuyên môn mỗi tháng 2 lần nhưng thời gian quá ngắn nên người trong cuộc thiếu một môi trường, cơ hội và động lực nghiên cứu, trình bày và thảo luận các vấn đề khoa học. Hàng năm, bệnh viện cũng tổ chức xen kẽ hội thảo nghiên cứu khoa học bệnh viện và hội thảo nghiên cứu khoa học trẻ. Tuy nhiên, tần suất chương trình nghiên cứu khoa học vẫn chưa cao, số lượng các nghiên cứu chưa nhiều và các nghiên cứu vẫn còn thiếu chiều sâu và chất lượng” - bác sĩ Long nói.

Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BVĐK tỉnh, Chủ tịch danh dự CLB, nhận định: CLB Khoa học trẻ BVĐK tỉnh là môi trường sinh hoạt mà thông qua đó các dược sĩ, bác sĩ, đặc biệt các thầy thuốc trẻ, có cơ hội vận dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn, tăng cường khả năng thực hành, rèn luyện kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp phục vụ cho công việc. Còn theo bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc, việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi hội thảo, thảo luận chuyên sâu về các vấn đề trong lĩnh vực y học; tổ chức các buổi sinh hoạt gặp gỡ cho các hội viên nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong công tác thường ngày.

Nâng cao năng lực chuyên môn

Từ thực tiễn công tác và những đợt sinh hoạt của CLB Khoa học trẻ, nhiều thầy thuốc trẻ của BVĐK Quảng Nam đã tập trung nghiên cứu và có nhiều đề tài khoa học có giá trị như: “Đánh giá kết quả điều trị rối loạn natri máu ở bệnh nhân chấn thương sọ não nặng tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc BVĐK Quảng Nam” của bác sĩ Hồ Ngọc Ánh; “Đánh giá hiệu quả siêu lọc máu tĩnh mạch - tĩnh mạch liên tục trong điều trị suy đa tạng tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc BVĐK Quảng Nam”; “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh thiết lõi khối u ở phổi qua thành ngực định hướng dưới cắt lớp vi tính” của bác sĩ Nguyễn Minh Khánh;  “Nghiên cứu hiệu quả điều trị thai ngoài tử cung chưa vỡ bằng methotrexate đơn liều tại BVĐK Quảng Nam” của bác sĩ Phan Thị Hồng Ngọc; “Nghiên cứu mô hình dị tật tim bẩm sinh và đề xuất giải pháp can thiệp” của bác sĩ Nguyễn Tuấn Long...

CLB Khoa học trẻ BVĐK tỉnh sinh hoạt dưới hình thức báo cáo và thảo luận các vấn đề, chuyên đề y khoa với tần suất 2 tuần một chuyên đề. Thời gian qua, nội dung của chuyên đề được đưa ra trong các buổi sinh hoạt CLB gồm những vấn đề lâm sàng thuộc các chuyên khoa khác nhau như nội, ngoại, sản, mắt, tai mũi họng, y học nhiệt đới… Hầu hết chuyên đề đều sát thực tiễn chuyên môn của bệnh viện và có tính ứng dụng lâm sàng cao. Đáng chú ý, các buổi sinh hoạt có lồng ghép tiếng Anh, vì theo lộ trình, sẽ tiến tới sinh hoạt chuyên đề bằng tiếng Anh để các y bác sĩ có thêm kỹ năng cần thiết trong việc cập nhật kiến thức mới...

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Long cho biết, các báo cáo chuyên môn, chuyên đề được phân bố đồng đều về các khoa lâm sàng theo lịch sinh hoạt 1 lần/tháng. Đồng thời khuyến khích báo cáo của các thầy thuốc trẻ, với các chủ đề có sự liên quan giữa các khoa lâm sàng và sát thực tế. Chẳng hạn như chuyên đề “Một số loại sốc thường gặp trên lâm sàng” của bác sĩ Hồ Ngọc Ánh được xem là rất bổ ích. Bởi lẽ, bên cạnh việc phân loại các mức độ của phản ứng phản vệ, chuyên đề này còn chỉ ra các dấu hiệu nhận biết đặc trưng trên lâm sàng; chẩn đoán và điều trị đối với loại sốc phản vệ - một loại tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất cho cả trẻ em và người lớn nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Hay như chuyên đề “Kháng sinh trong thực hành lâm sàng” của bác sĩ Nguyễn Tuấn Long. Với việc nêu một số trường hợp cụ thể trong quá trình điều trị để cùng thảo luận: chẩn đoán; lựa chọn kháng sinh; liều lượng, liệu trình phù hợp..., chuyên đề này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo y, bác sĩ, dược sĩ trong bệnh viện.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn, các đề tài nghiên cứu khoa học kể trên đã được áp dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả tích cực trong khám chữa bệnh và phục vụ bệnh nhân tại BVĐK tỉnh. Qua đó, góp phần kích thích, động viên phong trào nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ cán bộ y tế toàn bệnh viện. “Khi tham gia nghiên cứu khoa học, mỗi người vừa tự rèn giũa, cải thiện nghiệp vụ chuyên môn, tay nghề cho mình, vừa góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị chung của đơn vị, lại vừa kích thích, nhân rộng phong trào nghiên cứu, sáng tạo... ở mỗi chuyên khoa và toàn bệnh viện” - bác sĩ Ẩn nói thêm.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lợi ích kép từ nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO