Lời khuyên cho sinh viên

XUÂN LAN 08/10/2018 07:07

Giáo dục đại học không chỉ là “cao quý và lý tưởng cao” mà còn là “đầu tư tốt nhất”, nếu và chỉ nếu, sinh viên chọn đúng lĩnh vực học tập (giáo sư John Vũ).

Bộ sách dành cho sinh viên Việt của giáo sư John Vũ. Ảnh: Internet
Bộ sách dành cho sinh viên Việt của giáo sư John Vũ. Ảnh: Internet

Tâm huyết với giáo dục Việt Nam, Giáo sư John Vũ đã xuất bản bộ sách lời khuyên cho sinh viên Việt Nam, gồm 5 cuốn: Giáo dục trong thời đại tri thức, Thế giới đang rộng mở - Bạn chọn cách học nào?, Lời khuyên sinh viên Việt Nam - Khởi hành; Lời khuyên sinh viên Việt Nam - Kết nối, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt.

Lợi nhuận đầu tư giáo dục

Hiện có nhiều tranh cãi về việc học đại học có xứng đáng không vì tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp không còn là chuyện hiếm trên thế giới, kể cả Việt Nam. Báo chí Trung Quốc đang nêu ra câu hỏi về giá trị giáo dục đại học (GDĐH) vì có hơn 20 triệu người tốt nghiệp ĐH bị thất nghiệp; nhiều người phải làm công việc được trả lương thấp mà không liên quan gì tới chuyên môn của họ. Báo chí Việt Nam từng đề cập con số 200 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cùng 200 nghìn sinh viên (SV) du học nước ngoài không chịu về nước... Tình huống này đã tạo ra thế khó xử cho bất kỳ ai khuyên SV về việc liệu có nên vào ĐH và nên học ĐH nào. Quyển sách “Giáo dục trong thời đại tri thức” của giáo sư John Vũ, ĐH Carnegie Mellon (CMU), Mỹ do Tập đoàn EDX tuyển chọn, đã giải đáp vấn đề này.

Theo đó, về căn bản có 2 cách nhìn chính: Cách nhìn triết học và Cách nhìn kinh tế về giá trị của GDĐH. Cách nhìn triết học coi giáo dục là “Cao quý và lý tưởng cao”; do đó, điều quan trọng là giáo dục mọi thanh niên, bất kể liệu họ có thể kiếm được việc làm hay không. Cách nhìn kinh tế coi giáo dục là “Đầu tư tốt nhất”; do đó, nếu thanh niên và gia đình đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc vào giáo dục nhưng không thu lại được gì, như không thể kiếm được việc làm hay được việc làm trả lương thấp, thì nó là “Đầu tư kém”.

Không có GDĐH rất khó kiếm sống tốt hay xây dựng nghề nghiệp tốt, nhưng vào ĐH không đơn giản như mọi người nghĩ. GDĐH không chỉ là “cao quý và lý tưởng cao” mà còn là “Đầu tư tốt nhất”. Tuy nhiên, việc tính giá trị của bằng cấp phụ thuộc vào nhiều cách dẫn tới các kết quả khác nhau. Người ta không thể nhìn vào mọi bằng cấp ĐH là như nhau vì kiếm sống từ bằng ĐH là khác nhau tùy thuộc vào kiểu bằng cấp SV có cũng như nhu cầu xã hội... Do đó, từ quan điểm kinh tế, người ta phải kết luận rằng “Giáo dục đại học là đầu tư tốt, nếu và chỉ nếu, SV chọn đúng lĩnh vực học tập”.

Khi vào ĐH, bạn cần biết rằng có nhiều lĩnh vực học tập và bạn có chọn lựa để chọn chúng nhưng bạn phải làm điều đó một cách cẩn thận. Bạn phải đặt mục đích trong điều bạn muốn học cũng như kế hoạch nghề nghiệp của mình. Bạn phải xác định cách hoàn thành chúng và cái gì là chướng ngại mà bạn phải vượt qua. Nếu lĩnh vực học tập của bạn không giúp cho bạn đạt tới mục đích nghề nghiệp thì bạn phải hỏi “Mình có nên chọn lĩnh vực học tập này không, khi biết rằng mình sẽ không có khả năng đạt tới mục đích của mình hay mình nên chọn cái gì đó khác tốt hơn và thực tế hơn”.

Hiện thực hóa ước mơ

Giáo sư John Vũ là người Mỹ gốc Việt, đứng trong Top 10 người sáng tạo nhất thế giới ( đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs). Ông du học Mỹ từ năm 1968, hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học ĐH Carnegie Mellon, Mỹ. Ông cũng là người rất quan tâm đến  lĩnh vực giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.

Bạn không nên chọn ngành học theo ý muốn bố mẹ, xu hướng của bạn bè. Vì nếu không có đam mê và nhiệt huyết, bạn sẽ khó hoàn thành và đi đến cùng mơ ước. Môi trường ĐH còn là nơi bạn được học tập, thực hành nghiên cứu khoa học và để trưởng thành. Với một số SV, đây có thể là lần đầu tiên bạn ra quyết định cho bản thân. Tất nhiên, bạn phải biết khả năng, điểm mạnh và điểm yếu của mình. Bạn phải có động cơ mạnh để học tập và sẵn lòng đưa nỗ lực vào việc học. Đôi khi, bạn cảm thấy cô đơn hay nản lòng nhưng đó chỉ là tạm thời. Khi mà bạn còn để mắt vào mục đích của mình, khi mà bạn còn biết chiều hướng của mình, khi mà bạn còn nỗ lực, bạn sẽ đạt được điều bạn muốn.

ĐH cũng là nơi gặp gỡ của những người khác nhau, những người bạn mới và có kinh nghiệm mới. Tất nhiên, bạn sẽ phạm sai lầm nhưng bạn cũng sẽ học được từ chúng. Học từ sai lầm quá khứ sẽ làm cho bạn khôn ngoan hơn và trưởng thành hơn. Đừng để thứ gì làm xao lãng bạn khỏi mục đích học tập của mình. Đừng để bất kỳ ai khuyên nhủ bạn làm cái gì đó khác với điều bạn đã đặt ra cho bản thân. Không ai biết bạn nhiều hơn bạn. Cứ duy trì trong tiến trình bạn đã đặt ra cho bản thân mình, kiên nhẫn và sẽ đạt được điều bạn muốn.

ĐH là cuộc hành trình dài hướng tới đích nhưng bạn sẽ đối diện với thách thức, chướng ngại và sự xao lãng. Nếu bạn có thể vượt qua được chúng và vẫn giữ mối quan tâm về nghề nghiệp của mình, bạn sẽ đi xa. Có thể xa hơn nhiều điều bạn nghĩ. ĐH cũng là giấc mơ, một giấc mơ có tri thức tốt, kỹ năng tốt, để làm cho gia đình bạn tự hào. Giấc mơ có nghề nghiệp tốt và đạt tới địa vị nào đó trong lĩnh vực bạn đã chọn. Giấc mơ về việc thực hiện những khác biệt trong thế giới này và giúp đỡ người khác. Giấc mơ về gặp gỡ ai đó sẽ sẻ chia giấc mơ này với bạn. Cuối cùng, dù giấc mơ của bạn là bất kỳ điều gì, chính bạn là người sẽ biến nó thành sự thực.

XUÂN LAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lời khuyên cho sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO