Lơi lỏng phòng chống dịch tại chợ

PV - CTV 03/04/2020 18:37

(QNO) - Chợ là nơi có nguy cao lây nhiễm Covid-19. Tại Văn bản số 1779/UBND-KGVX ngày 31.3.2020, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải quản lý chặt chẽ các hoạt động tại chợ, giãn mật độ buôn bán tại các chợ chính bằng cách bố trí thêm mặt bằng để làm chợ tạm. Tuy nhiên, qua khảo sát của Báo Quảng Nam điện tử vào hôm nay 3.4, công tác kiểm soát tại các chợ vẫn còn nhiều bất cập.

Người dân bất chấp quy định, vẫn tập trung đông người vào buổi sáng sớm để mua thực phẩm. Ảnh: M.L
Bất chấp quy định, người dân tập trung mua bán phía bên ngoài chợ Thương mại (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) vào sáng sớm. Ảnh: MỸ LINH

Sức mua giảm

Ông Nguyễn Yến - Ca trưởng bảo vệ của Ban quản lý chợ Thương mại (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cho biết, sức mua tại chợ giảm sút gần 70% so với ngày thường. Hiện chợ chỉ còn duy trì mặt hàng khô và hàng tươi sống để phục vụ nhu cầu của người dân. Các mặt hàng ăn uống phục vụ sẵn đã đóng cửa hoặc chỉ bán mang về, không có tình trạng ăn uống tại chỗ như trước. Các cửa hàng làm tóc cũng đã tạm dừng hoạt động theo quy định. Tương tự tại chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn), vài ngày nay việc buôn bán tại chợ cũng giảm hơn 70%, chợ hoạt động chủ yếu vào buổi sáng sớm.

chợ Thương mại (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ)
Hoạt động mua bán tại chợ Thương mại. Ảnh: MỸ LINH

Tình hình mua bán, kinh doanh tại chợ Ái Nghĩa (Đại Lộc) cũng có phần trầm lắng, sức mua giảm sút. Tiểu thương Võ Thị T. (60 tuổi) cho biết: “Nếu thời điểm trước đây 2 ngày, chợ Ái Nghĩa người người đổ xô đi mua hàng khiến chợ luôn trong tình trạng quá tải thì 2 ngày nay, số lượng người đến chợ có vắng hơn do bà con đã tích trữ đủ lương thực, thực phẩm cần sử dụng. Trong khi nhóm mặt hàng thịt tươi sống như thịt heo, thịt bò có đông người mua thì các nhóm mặt hàng khác có phần ế ẩm hơn, nhất là cá, hải sản”.

Theo ông Nguyễn Văn Hai - Trưởng ban Quản lý chợ Ái Nghĩa, chợ có 400 hộ tiểu thương kinh doanh buôn bán nhưng hiện chỉ 2/3 trong số đó còn hoạt động. Do dịch bệnh nên tình hình buôn bán tại chợ bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt là khu chợ chính (chợ trung tâm) với các mặt hàng áo quần, mũ nón, vải vóc...

Chưa chú trọng phòng dịch

Theo ghi nhận của PV, tại chợ Ngã tư Ái Nghĩa (Đại Lộc), công tác phòng chống dịch có phần lơ là, một phần do ý thức tiểu thương, một phần do chợ này đã đến mức quá tải. Được biết, chợ Ngã tư Ái Nghĩa có hơn 100 tiểu thương kinh doanh buôn bán, nhưng đến nay con số tiểu thương tụ tập, buôn bán tại chợ đã lên tới hàng trăm người. Số lượng người buôn bán, tụ tập tự phát chiếm số đông khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Khu thực phẩm của chợ Tam Kỳ không có cổng cố định nên khó kiểm soát.
Khu thực phẩm của chợ Tam Kỳ không có cổng cố định nên khó kiểm soát. Ảnh: PHAN VINH

So với nhiều chợ lớn trên địa bàn tỉnh, chợ Ngã tư Ái Nghĩa có mật độ người bán, người mua vẫn đông đúc cho tới thời điểm này. Bất chấp khuyến cáo, bất chấp tuyên truyền dịch bệnh, lượng người đến chợ vẫn đông. Một bộ phận khách hàng, tiểu thương vẫn chưa chấp hành mang khẩu trang. Dù là chợ lớn nhất nhì huyện nhưng công tác hỗ trợ phòng dịch ở đây còn yếu, điểm chợ này vẫn chưa được hỗ trợ các bồn rửa tay có xà phòng, dung dịch sát khuẩn cần thiết.

Tại chợ Bình Minh (Thăng Bình), tiểu thương và người mua hàng đều chấp hành quy định mang khẩu trang khi ra vào chợ. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa chú trọng khâu rửa tay sát khuẩn dù trạm rửa tay công cộng được lắp đặt ngay trước cổng chợ. Còn tại chợ Trà Đóa (xã Bình Đào, Thăng Bình), công tác phòng dịch còn khá lơ là khi chỉ đặt 2 biển tuyên tuyền “không mang khẩu trang, không rửa tay sát khuẩn thì không vào chợ” tại 2 con đường dẫn vào chợ mà không có sự giám sát của lực lượng chức năng. Ngoài ra chỉ có 2 lọ nước rửa tay sát khuẩn đặt tại cổng chợ, không có nhiều người tham gia rửa tay.

công tác phòng dịch tại chợ Trà Đóa (xã Bình Đào còn lơ là). Ảnh HỒ QUÂN
Công tác kiểm soát, phòng dịch tại chợ Trà Đóa (xã Bình Đào, Thăng Bình) còn lơ là. Ảnh: HỒ QUÂN

Theo ông Nguyễn Yến - Ca trưởng bảo vệ của Ban quản lý chợ Thương mại (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ), một vấn đề nhức nhối ở khu vực chợ này (tại điểm giao giữa đường Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Dục) là họp chợ tự phát diễn ra vào sáng sớm (khoảng từ 5 - 7 giờ). Theo đó, người dân tụ tập bán cá và rau quả, lượng người mua cũng rất lớn. Vị trí này không thuộc quản lý của Ban quản lý chợ Thương mại nên không có quyền kiểm soát, nếu có nhắc nhở thì họ đi chỗ khác, xong rồi đâu lại vào đó. Công an phường An Mỹ, Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố cũng nhiều lần đến làm việc nhưng chưa giải quyết được tình trạng này.

Không đảm bảo giữ khoảng cách 2m

Quy định bắt buộc mang khẩu trang tại nơi công cộng trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ quan trọng, nhất là nơi tập trung rất đông người như khu vực chợ. Tuy nhiên không phải chợ nào cũng thực hiện nghiêm quy định này. Theo quan sát của PV tại chợ Vĩnh Điện, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một vài tiểu thương và người mua kéo trễ khẩu trang xuống cằm với lý do “ngột ngạt, khó thở”. Theo ông Nguyễn Tuất - Trưởng ban Quản lý chợ Vĩnh Điện, kể từ ngày 1.4 đơn vị đã cử người túc trực kiểm tra thường xuyên, đẩy mạnh tuyên truyền nhưng khó thể kiểm soát hết người dân không mang khẩu trang vì diện tích chợ rộng.

Tại chợ Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung), thậm chí các quán ăn uống vẫn còn hoạt động khá nhộn nhip
Tại chợ Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn), các quán ăn uống vẫn hoạt động khá nhộn nhịp, người bán hàng cũng không thiết mang khẩu trang. Ảnh: KHÁNH LINH

Một vấn đề khác mà hầu như tiểu thương và người đi chợ không lưu tâm, đó là khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người. Tại nhiều chợ, tiểu thương đều ngồi san sát nhau như vị trí trước đây, nhất là các tiểu thương bán hàng tươi sống; còn người dân thì cũng tranh thủ mua rồi về nên không ai để ý đến khoảng cách này. Bà Phan Thị Thiện (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) nói: “Người dân chúng tôi chỉ biết mang khẩu trang và sát khuẩn tay chứ việc đứng cách xa nhau quá khó thực hiện, vì mua bán qua lại thì làm sao giữ khoảng cách được”.

Một số tiểu thương vẫn còn lơ là đối với việc chấp hành đeo khẩu trang, sát khuẩn ở nơi công cộng. Ảnh: TRIÊU NHAN
Một số tiểu thương chợ Ái Nghĩa (Đại Lộc) mang khẩu trang chỉ để đối phó. Ảnh: TRIÊU NHAN

Ghi nhận tại chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa), có nhiều trường hợp vi phạm quy định người cách người 2m. Bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết: “Hoạt động ở khu vực ẩm thực, đồ tươi sống vẫn khá đông vì hàng quán đã đóng cửa nên nhu cầu mua thực phẩm của người dân tăng cao. Trong khi đó, không gian khu tươi sống lại thoáng, không có cổng cố định nên việc giám sát người dân ra vào rất khó. Chúng tôi chỉ nhắc nhở chứ không thể giám sát hết được vì lực lượng của Ban quản lý chợ hiện nay chỉ có 22 người”.

Hoạt động mua bán tại chợ Tam Kỳ:

Tại chợ Tam Anh Nam (Núi Thành), mặc dù đã có lực lượng thường xuyên nhắc nhở, song việc giữ khoảng cách không đảm bảo. Một quầy hàng tập trung 3 - 7 người dân đến mua hàng đứng sát vào nhau, chủ yếu là ở các quầy thịt, rau củ quả… Bà N.T.V. (xã Tam Hòa, Núi Thành) cho biết, việc giữ khoảng cách giữa người mua và người bán hoặc giữa những người đi chợ với nhau rất khó, vì rất nhiều người cùng mua hàng một lúc.

Hoạt động mua bán tại các chợ ở Điện Bàn:

Tại Điện Bàn, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã khẳng định, sau khi nhận các văn bản chỉ đạo của tỉnh, UBND thị xã đã ra văn bản chỉ đạo riêng gửi UBND các xã, phường và ban quản lý các chợ tăng cường kiểm soát, đặt bình sát khuẩn trước mỗi cổng chợ, ai không mang khẩu trang thì không được vào chợ. Trước tình hình một số chợ vẫn chưa thực hiện nghiêm các quy định theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà cho biết sẽ chỉ đạo Phòng Kinh tế, Đội Quản lý trật tự và các địa phương tăng cường kiểm tra hơn nữa nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, không để xảy ra tình huống xấu trong cộng đồng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lơi lỏng phòng chống dịch tại chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO