Lối mở cho du lịch cộng đồng Mỹ Sơn

THÂN VĨNH LỘC 22/11/2015 08:32

Dù rất được kỳ vọng khi nằm gần khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Tuy nhiên, qua hơn 2 năm mở cửa đón khách, đến nay hiệu quả của làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên) vẫn chưa đáp ứng như mong đợi.

Du khách trải nghiệm tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn. Ảnh: T.V.L
Du khách trải nghiệm tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn. Ảnh: T.V.L

Vắng vẻ làng du lịch cộng đồng

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ngày 14.3.2013 làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn chính thức mở cửa đón khách với các nhóm dịch vụ gồm lưu trú homestay, ẩm thực, nhóm hướng dẫn viên, nhóm du thuyền trên hồ Thạch Bàn, nhóm cho thuê xe đạp, nhóm văn nghệ… các tour tuyến tham quan dự định thiết lập là các điểm văn hóa, văn nghệ địa phương và các vùng lân cận như hồ Thạch Bàn, chùa An Hòa; lăng bà Thu Bồn; khám phá rừng Mỹ Sơn, trải nghiệm tham gia cuộc sống với người dân… Cùng với đó, việc kết nối với doanh nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tập huấn về kỹ năng làm du lịch cho người dân cũng được triển khai đồng bộ. Tuy vậy, qua hơn 2 năm hoạt động nhìn chung hiệu quả đón khách vẫn chưa như kỳ vọng, đồng nghĩa người dân chưa thật sự hưởng lợi từ mô hình du lịch này.

Theo ông Võ Xoa – Trưởng ban quản lý làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, có nhiều nguyên nhân để giải thích điều này, trong đó trăn trở nhất chính là sự “thờ ơ” từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương đối với hoạt động du lịch của làng khi dự án kết thúc. Cùng với đó, vai trò mờ nhạt của doanh nghiệp trong việc kết nối đưa khách đến khi những cam kết ban đầu với làng du lịch vẫn chưa được thực hiện. Do hiệu quả khai thác thấp nên doanh số du lịch của làng rất khiêm tốn, bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/năm, điều này ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của người dân về tính hiệu quả khi tham gia mô hình du lịch này.

Trong hội thảo “Đối thoại hợp tác khai thác sản phẩm làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn” có sự tham dự của các bên liên quan là Sở VH-TT&DL, UBND huyện Duy Xuyên, các tổ chức UNESCO, ILO và các doanh nghiệp lữ hành… vừa diễn ra cuối tuần qua,  đa số đại biểu đều nhìn nhận, hiện sản phẩm làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn vẫn chưa có sự độc đáo hoặc nổi trội để thu hút khách. Cùng với đó, thông tin, quảng bá, giới thiệu về làng du lịch cũng còn rất hạn chế; chương trình tour tuyến đơn giản, chưa có điểm nhấn, rời rạc không khoa học; tính cố kết cộng đồng dân làng chưa cao. Ngoài ra, tâm lý người dân vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức quốc tế nên không mạnh dạn đầu tư xây dựng sản phẩm cũng như hạ tầng dịch vụ đón khách. Ông Lê Hồ Phước Vĩnh – giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Lê Nguyễn cho rằng, một trong những yêu cầu đầu tiên của du lịch cộng đồng chính là thái độ và sự nhiệt tình của người dân tại làng. “Đầu tiên, người dân phải có tâm huyết với du lịch, rồi chủ nhân ngôi nhà homestay đó phải như thế nào để khách cảm thấy thoải mái nhất khi lưu trú, sinh hoạt với mình nhưng điều này không phải tất cả người dân trong làng đều làm được” - ông Vĩnh phân tích.   

Khẳng định lại cam kết

vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, nhất là ILO trong thúc đẩy hoạt động đón khách tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn thời gian qua rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn thừa nhận ở một chừng mực nào đó năng lực tài chính cũng như khả năng kết nối khách của doanh nghiệp lữ hành nơi đây còn hạn chế, thể hiện qua cách tiếp cận mô hình, khả năng hợp tác với người dân… chưa phù hợp dẫn đến kết quả chưa cao. Tại hội thảo, không ít doanh nghiệp cho rằng, cần phải bổ sung, quy hoạch, đầu tư thêm các sản phẩm, tour, tuyến… Đặc biệt, người dân phải hiểu rõ về du lịch cộng đồng, nhất là việc đầu tư hạ tầng, sản phẩm phải do chính người dân đứng ra làm, nhà nước, doanh nghiệp chỉ có thể hỗ trợ về cơ chế, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực cũng như đưa khách đến… mới có thể tăng trách nhiệm và nâng cao ý thức kinh doanh du lịch.

Bà Dương Bích Hạnh - Trưởng ban văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phân tích, chỉ cần một lượng rất nhỏ khách trong tổng số khoảng 250 nghìn lượt khách đến tham quan di sản Mỹ Sơn mỗi năm chấp nhận lưu trú lại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn chắc chắn hiệu quả sẽ khác. Tuy nhiên, để làm được điều này làng cần có sự thay đổi, trong đó tính cố kết cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. “Vấn đề cộng đồng trong phát triển du lịch tại các di sản luôn được UNESCO đề cao, trở thành một phần gắn kết cho di sản. Riêng với Mỹ Sơn, hiện UNESCO hỗ trợ làm một bộ phim trong đó có vai trò cộng đồng địa phương cũng như những đóng góp của cộng đồng vào di sản Mỹ Sơn đã được đề cập. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch của làng thì bản thân người dân phải hiểu rõ là làm du lịch cộng đồng cũng chính là làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn thông qua việc cải tạo cảnh quan, đường làng, ngõ xóm chứ không phải chỉ với ngôi nhà homestay của riêng mình” - bà Hạnh nói.
Theo ông Phan Hộ - Trưởng ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, việc hỗ trợ cho cộng đồng trong việc phát triển và quảng bá các sản phẩm du lịch từ phía Ban quản lý là cần thiết và điều này cũng đã được ban thể hiện thông qua những cam kết phối hợp, cùng như tạo sự hợp tác chặt chẽ giữa làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn với các bên liên quan. “Chúng tôi đã ký kết khung hợp tác giữa Ban quản lý với làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn về hợp tác quảng bá, phát triển sản phẩm, chia sẻ thông tin cũng như các thủ tục hành chính. Đây sẽ là cam kết mạnh mẽ nhất nhằm tạo ra sự chuyển mới cho làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn thời gian tới” - ông Hộ cho biết.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lối mở cho du lịch cộng đồng Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO