CậnTết Bính Thân, lên xã nghèo Quế Lâm (Nông Sơn), Tư Ruộng tình cờ gặp anh Sáu Phước Hội cưỡi chiếc xe tay ga mới cứng. Anh cho biết dạo này kinh tế gia đình khá hơn cũng nhờ kinh tế rừng.
Nhờ cần mẫn cải tạo những khu gò đồi hoang hóa nên cuối năm 2010 vợ chồng anh Sáu Phước Hội triển khai trồng được 6ha rừng keo lai. Sau 5 năm nỗ lực chăm sóc, cách đây hơn một tháng anh Sáu tiến hành khai thác bán ra thị trường toàn bộ số diện tích rừng nguyên liệu đó và thu về tổng cộng 420 triệu đồng. Bên tách trà ấm, người đàn ông 50 tuổi ấy không giấu được niềm vui: “Sau khi trừ tất cả khoản chi phí thì lứa keo này gia đình tui kiếm được 300 triệu đồng tiền lãi. Ở vùng ni, đất đai cằn cỗi, nước tưới bấp bênh, việc sản xuất lúa gặp rất nhiều khó khăn nên đủ gạo đổ nồi là mừng lắm rồi. Cũng may, nhờ có những khoảnh rừng keo lai mà nhà nông quê tui mới có của dư của để chứ cứ bám riết với mấy sào ruộng thì chắc chắn nghèo sẽ hoàn nghèo. Bây giờ, tui đã phát dọn và đốt thực bì xong, cây keo giống cũng đặt hàng sẵn rồi, độ rằm tháng Giêng là bắt tay vào việc trồng lại 6ha rừng. Hy vọng, 5 năm nữa sẽ tiếp tục thu một số tiền lớn”.
Đứng trên cầu Khe Sé nhìn về phía những khu rừng keo lai xanh bạt ngàn, ông Trần Văn Sang – Chủ tịch UBND xã Quế Lâm bảo rằng, nhờ ngành liên quan cùng chính quyền cơ sở thực hiện hiệu quả công tác giao đất giao rừng và tích cực hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nên những năm qua nông dân nơi đây đã đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp. Theo tìm hiểu, ngoài 783ha cao su đại điền và tiểu điền đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản thì hiện nay toàn bộ 400ha đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn 6 thôn của xã Quế Lâm đã được người dân phủ xanh bởi những cánh rừng nguyên liệu giấy. “Qua khảo sát, thống kê mới đây cho thấy, trong tổng số 400ha keo lai vừa nêu thì mỗi năm nông dân Quế Lâm đưa vào khai thác không dưới 100ha. Bình quân 1ha cho giá trị 70 triệu đồng, trừ mọi chi phí thì lãi ròng 50 triệu đồng. Như vậy, hàng năm nhà nông ở địa phương kiếm được ít nhất 5 tỷ đồng tiền lời từ mô hình trồng keo nguyên liệu trên đất gò đồi. Có thể khẳng định, đây thực sự là lối mở để nông dân của xã chúng tôi nâng cao nguồn thu nhập, nhanh chóng cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo một cách bền vững” – ông Sang chia sẻ.
TƯ RUỘNG