Lời nhắn của một sơn tràng…

TRUNG VIỆT 21/06/2023 07:06

(ĐS 21/6) - Chỗ ông Bốn Hỷ dựng cái chòi ở bìa rừng, từ đường lớn ngay thôn Phước Viên (thị trấn Trung Phước, Nông Sơn) vào đâu chừng chưa tới cây số.

Ông Bốn Hỷ và những người bạn. Ảnh: T.VIỆT
Ông Bốn Hỷ và những người bạn. Ảnh: T.VIỆT

Anh Nguyễn Tấn Lạc - Giám đốc TT-VH&TT-TH huyện Nông Sơn chở tôi băng qua con đường ruộng tí xíu, dừng xe và ới: “Chú Bốn ơi”. Nhận ra anh, ông cất tiếng “Có chi không? Răng tìm tôi khảo sát khan ri?”.

Anh Lạc kể, lần trước người của Bảo tàng Hội An lên tìm ông, hỏi han kỹ và xin mấy đồ nghề làm rừng về giới thiệu ở bảo tàng. “Tau nói có bài báo nào thì gửi tau đọc chơi”. “Chú xuống bảo tàng, thấy đồ nớ, có dán tên chú”. “Rứa hả?” - mắt ông giãn ra.

“Tôi mà được hỏi về lời khuyên cho thanh niên, thì sẽ nói hãy làm vườn rừng chắc chắn hơn, đa dạng cây, con vật nuôi, sẽ sống tốt chứ đừng nghĩ là không được”.

(Ông Bốn Hỷ)

1. Ông Bốn Hỷ sinh 1944 mà người còn cứng khừ như lũa gỗ, tong tong dáng thẳng như cây chò. Dựng trại ở một mình. Bạn hàng ngày của ông là 4 con chó, 6 con trâu và bò. “Tau có làm trại heo mà dịch, trất máu hết” - ông cười hề hề.

Tôi nghiệm, dân làm rừng hoặc biển thứ thiệt, họ nói năng tự nhiên, rõ ràng, thẳng băng, hay dùng tiếng lóng, hệt như đời sống vốn có của họ đối mặt gian truân với cái ăn lẫn những kiêng kỵ mà chỉ người trong cuộc mới không dám khinh suất. “Tôi dựng trại đã 22 năm rồi đó anh?” - ông nói. Tôi hỏi: “Sao chú vào đây sống một mình”. “À, cũng vì cái ăn…”.

“Tôi là một trong những người đi làm trầm đầu tiên ở Trung Phước ni, cái hồi dân tỉnh Phú Khánh đổ ra rừng mình trúng trầm, rứa là tôi đi. Có bữa tôi nói với thằng con trai, là tính tới chừ ba đã ở trong rừng gần 45 năm. Thì đây, tôi đi tìm trầm 22 năm, xong cất đồ nghề, về làm vườn rừng dựng trại 22 năm nữa. Nhớ lại mà kinh”.

“Chuyện làm trầm à?”. “Tôi đã đi nát vùng ngã ba Đông Dương, lội sang Đắc Chưng, Kon T’Rưng, Làng Hồi để tìm trầm, đi gánh thuê cho dân làm vàng vùng Phước Kim, Phước Thành, cực kinh hồn. Miếng ăn mô dễ kiếm chú! Ở đây hồi nớ hoang lâm, mình đi làm trầm, họ ở nhà chiếm đất hết, nên khi quay về tôi ra đây mua đất, xin cũng có. Nói về xã ni, đi rừng cỡ tôi cũng thuộc loại già làng trưởng bản”.

“Hồi nớ chú trúng mánh không?”. “Có chứ, tính ra sản phẩm không ít đâu, về làm cái nhà hồi nớ bự chảng hết 3 - 4 cây vàng, mà vàng thì 190 ngàn đồng/chỉ. Tôi nghỉ nghề, rứa là bà vợ bị ung thư, chữa hơn 10 năm rồi mất, bay mớ tiền; rồi con cái gặp chuyện này nọ, tiền rớt hết. “Hoạnh tài, bất phú” là số làm trầm. Cái câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, là có, tôi nói có “trên đầu trên cổ” chứ không phải phụ rừng, ăn chi trả nấy. Lạc nhớ không, ông…”.

Ông quay sang anh Lạc, kể một mạch ông này ông kia xứ này trúng cả gùi, nhưng rồi như ông nói trất om hết. “Thiệt với anh, tôi đi làm, dân địa phương hay công an lúc nớ, không bắt được tôi miếng dăm mô, dù họ quyết liệt lắm, nhiều đứa ăn cà trổ cà trầy bị bắt mất sạch. Ở dưới xuôi, làm ăn miếng trồi miếng lặn, nhưng được cái bền, chứ đi làm trầm, trước sau cũng bể hết.

Còn anh hỏi chuyện tâm linh hả, tôi nói thiệt, có hết, lội rừng vùng Làng Hồi chỗ C17 là bệnh viện dã chiến của bộ đội hồi trước, giữa ban ngày mà nghe hô 1, 2 rồi họ hát quân hành ca, ban đêm cũng rứa, y như tôi và anh đang ngồi nói chuyện đây, nghe gần rứa đó, mà không thấy người.

Có một lần tôi với một thằng nữa, đang đi, tôi ngó vô gốc một cây da già rễ dài nhằng, thấy một ông già đang ngồi trong nớ, rứa là tôi ớn, vạch đường khác mà đi. Tôi và ông già chú Lạc đây từng lên Hòn Bà tìm trầm, ban đêm nghe bộ đội hát, ổng thì sợ ma, hôm sau kêu tôi về liền”.

“Chú không sợ à?”. “Có, nhưng sợ cọp hơn, dù đi chưa chạm mặt, chứ hồi nớ vùng Sông Thanh, Làng Hồi, cọp nhiều quá trời, đi lừng lững như ngựa. Sau ni tôi hỏi sắp nhỏ là có gặp không, tụi hắn nói cái lông cọp cũng không thấy. Còn anh hỏi kỷ niệm đáng nhớ nhứt hả?

Hồi nớ tôi dẫn một đoàn đi, tới chỗ Cổng Trâu thuộc Làng Hồi, gặp cây dó nó cao phải 80m, thân to bằng hai cái thùng phuy, nhưng lúc nớ tụi tôi hết gạo, bèn quay về lấy gạo rồi hôm sau lên, ai ngờ đêm đó dân Phú Khánh ra, nó lấy sạch. Tiếc đứt ruột, nó đã hóa trầm từ gốc tới ngọn, ra cả nhánh…”.

Căn chòi của ông Bốn Hỷ giữa rừng, ông đã ở đây 22 năm. Ảnh: T.VIỆT
Căn chòi của ông Bốn Hỷ giữa rừng, ông đã ở đây 22 năm. Ảnh: T.VIỆT

2. Hình như nỗi tiếc rẻ còn nguyên theo cái chép miệng, dẫu mọi thứ đã xa xôi rồi. Kỷ niệm bao giờ cũng là vết nhói, dẫu vui hay buồn. Cả một thời trai trẻ rồi trung niên oanh liệt “ăn rừng”, dễ gì mọi thứ bay đi như gió cuốn.

Tôi cố gặng lần nữa: “Răng chú về đây, bỏ nghề?”. “Trầm kiệt quệ, rồi tôi thấy theo cái nghề nớ, chỉ một chút may mắn là sống sướng một đời, nhưng sau đó thì đánh đổi hết, không bị chết bất ngờ thì cũng thua cờ bạc, rồi gia đình tan hoang.

Khi tôi cất rựa, cúp - ông quay sang anh Lạc - hai cái nớ bữa người Hội An lên xin đó, tôi nói hai cái ni theo tôi cả đời làm trầm. Không đi nữa, thì tôi nghĩ, ở ngoài đường, làm ngày mấy đồng bạc, ăn cái chi, rứa là tôi vô đây, hồi nớ trâu bò được giá lắm”.

“Hỏi thiệt, chú chừ có được bao nhiêu?”. “Tiền trầm thì… trất máu từ lâu, chỉ thu được ở đây, nói thiệt cũng thu được chút đỉnh dưỡng già. Vườn tôi trồng cây ăn trái, keo, nuôi trâu bò. Tôi mà khỏe, đừng hòng tôi trồng ba cái thứ keo, ăn phá đất ghê gớm, thiếu chi cây để trồng, phát triển kinh tế”.

“Chú có nghĩ làm vườn rừng sẽ ổn định hơn đi làm trầm không?”. “Gấp 10 lần! Chừ thì trầm mô mà có, toàn cây dó, mà nếu có trúng, thì trước sau cũng đói dộp họng, vì ở đây có đứa trúng trầm, chừ đói còn hơn tôi.

Hồi đó tôi trúng nhứt nhì huyện ni, chừ ra ri đây thì anh biết. Tôi mà được hỏi về lời khuyên cho thanh niên, thì sẽ nói hãy làm vườn rừng chắc chắn hơn, đa dạng cây, con vật nuôi, sẽ sống tốt chứ đừng nghĩ là không được”.

Ông nói 22 năm ở một mình tại đây, trời thương không đau ốm. Trung Phước, trầm bây giờ là ký ức. Ông kể như con trai ông, làm hàng trầm dó đi Trung Quốc bán, qua bên nớ họ nổi chứng không mua, thì phải gởi kho, đến hồi mở kho ra, mất sạch, họ nói bị ăn trộm, phiên dịch thì nói cà trật cà duộc mình nghe không được, anh em quen xúm lại cho bánh mì ăn và tiền về quê. Trầm chi, quên đi…

Tôi ngó cái chòi chật chội ngổn ngang thau thùng bàn ghế, phên liếp thì hở tùm lum, mà ông thì nói chưa từng bị dột, chỉ có năm bão vô hất bay tôn. “Ủa lạ, ở trên đồi mà có phao nhựa là sao?”. “À, nước lụt lớn là tới thềm” - ông nói.

Ngó ông già, một đời sơn tràng sống miệt mài. Khúc trước, khúc sau của đời làm rừng, thảy đều có giá trị, dẫu nó mang sắc màu đi kèm bài học khác nhau, nhưng nói như ông, đừng tưởng lộc rừng dễ ăn, đừng cầu may, mà phải làm ăn cho thiệt thà, bền bỉ và tôn trọng rừng, thì may ra mới khỏi trả giá tanh bành…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lời nhắn của một sơn tràng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO