Lỗi nhỏ, nguy cơ lớn

SÁU CÒI 07/07/2023 07:25

Hiện nay, trong tham gia giao thông còn diễn ra khá phổ biến tình trạng người điều khiển phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ (bài viết này đề cập lỗi vượt đèn đỏ ở những nơi không có biển báo phụ hay tín hiệu đèn phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ), hay việc đi xe đạp khi đã sử dụng rượu bia. Nhiều trường hợp vi phạm bao biện đây là lỗi nhỏ, thậm chí cho rằng mình không có lỗi gì. Tuy nhiên, lỗi được xem là nhỏ này lại tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh) kiểm soát nồng độ cồn trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: S.C
Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh) kiểm soát nồng độ cồn trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: S.C

Như Sáu Còi từng phân tích, pháp luật quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, kể cả người đi bộ đều phải dừng trước đèn đỏ. Song theo ghi nhận, vượt đèn đỏ xảy ra hầu khắp các địa phương. Đáng báo động, một bộ phận cán bộ công chức cũng vi phạm rẽ phải khi đèn đỏ.

Vượt đèn đỏ là một vấn đề rất đáng báo động. Bởi vì, vượt đèn đỏ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm va chạm với các phương tiện đi ngang hoặc đang chạy theo hướng khác, gây tai nạn cho người đi bộ hoặc xe đạp đang qua đường, hoặc gây tắc nghẽn giao thông và mất an toàn cho bạn đồng hành.

Ngoài bị xử phạt, người vượt đèn đỏ nếu gây ra tai nạn hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho người khác, có thể bị truy cứu hình sự và chịu trách nhiệm pháp lý. Nhiều trường hợp cho rằng, người đi bộ vượt đèn đỏ sẽ không bị xử phạt, tuy nhiên hành vi vượt đèn đỏ của người đi bộ theo quy định cũng bị phạt tiền 60 - 100 nghìn đồng.

Theo các chuyên gia, do không kiểm soát được nhận thức và hành vi bởi tác động của chất cồn trong cơ thể, người sử dụng rượu bia thường không làm chủ được tay lái.

Họ có xu hướng phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn và hay ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện dễ dẫn đến tự gây tai nạn cho chính mình (như tông vào dải phân cách, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng đỗ…) hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác dẫn đến thương tật nặng nề, thậm chí tử vong.

Nồng độ cồn trong máu dao động từ 50 - 79mg/100ml máu, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao hơn người không uống rượu bia tới 7 - 21 lần. Và nếu từ 80mg/100ml máu trở lên, nồng độ cồn này đủ khả năng làm cho người điều khiển phương tiện mất tầm kiểm soát và có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Chính vì vậy, pháp luật quy định người đã sử dụng rượu bia không được điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền ở mức rất cao, kể người đi xe đạp.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lỗi nhỏ, nguy cơ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO