Cải cách ăn nói của người dân quê mình là quan trọng lắm. Ăn là ăn cho mình, còn nói là nói cho người nên xem ra cái sự nói còn quan trọng hơn cả cái ăn.
Cải cách ăn nói của người dân quê mình là quan trọng lắm. Ăn là ăn cho mình, còn nói là nói cho người nên xem ra cái sự nói còn quan trọng hơn cả cái ăn. Chả thế mà từ nhỏ, ta đã được dạy rằng: “Hãy uốn lưỡi ba lần trước khi nói!”. Lớn lên một xíu, ta lại được dạy điều ấy một lần nữa. Khi trưởng thành, ta vẫn được dạy điều đó. Cứ thế, đến nỗi câu ấy khiến ta thuộc nằm lòng, trở thành một câu thần chú nơi cửa miệng. Thế nhưng, đấy mới chỉ là thuộc bài thôi. Còn làm được điều đó hay không, lại là chuyện khác. Nhiều lúc trước khi nói, đã biết là nên uốn lưỡi đấy, nhưng tình huống xảy ra quá nhanh, khiến ta không có đủ thời gian để mà uốn lưỡi. Xin kể lại một vài chuyện thật mười mươi để mọi người cùng suy ngẫm.
Chuyện thứ nhất, hai cha con đang ngồi chơi cờ tướng. Sức trẻ cuồn cuộn đấu với kinh nghiệm tuổi già cứng cỏi, xem ra cũng rất là ngang ngửa. Trong một tình huống căng thẳng, anh con thò tay dí con mã qua sông, đồng thời buộc miệng: “Lên con mã cho nó chết!”. Người cha già ngồi trầm ngâm tìm nước đi đối kháng. Được một giây lát, chợt nghĩ ra điều gì, ông già vỗ mạnh xuống bàn cờ, các quân văng tung tóe, mồm hét ra lửa: “Này, mày vừa nói cái gì hả? Cho nó chết hả? Nó là thằng cha mày ư? Đồ mất dạy!”. Anh con tai vội chân chạy khỏi hiện trường để bảo toàn thân thể, mặt mày tái xanh tái xám. Anh đâu dám hỗn láo với cha, chẳng qua là… Bị cấm thi đấu suốt một thời gian dài rồi anh ta cũng được phép hầu cờ ông già. Nhưng nghe đâu vì không được “tự do ngôn luận” nên sức cờ của anh ta kém hẳn.
Chuyện dưới đây mới là chuyện đại sự. Để rước được nàng về dinh, bất cứ anh chàng nào cũng phải trải qua một quá trình gian lao khổ cực đi… tán gái! Nhưng khó khăn ấy, anh chàng sau đây không phải là không vượt qua được, cây dù to cưa lâu cũng phải đổ nữa là... Sự thành công của “chàng thợ cưa” được đánh dấu bằng việc gia đình bạn gái xem anh ta như người nhà và được mời lại dùng cơm. Oách hơn, anh ta còn được ngồi uống rượu với ông già cô bạn gái. Người làm mồi cũng như lo các công tác hậu cần bếp núc hẳn nhiên là cô gái và cả… bà mẹ vợ tương lai. Có một bữa, chàng trai ngồi uống rượu, nói chuyện tương đắc với ông già bạn gái quá đến nỗi quên cả thời gian trôi. Đến lúc trời sụp tối, nhà lên đèn, cô gái sốt ruột lên nhà trên thẽ thọt: “Mời cha và anh xuống ăn cơm kẻo nguội!”. Đang sướng, anh ta ứng khẩu đáp ngay: “Thôi, em với mẹ, hai đứa cứ ăn cơm trước đi. Để anh với bác, hai thằng còn đang nhậu…”. Không biết câu chuyện sau đó thế nào, chỉ biết rằng đấy là cuộc nhậu cuối cùng của chàng trai với ông nhạc… hụt!
Trong cuộc sống hằng ngày, ta giao tiếp với rất nhiều người, lớn có nhỏ có, trẻ có già có. Ở mỗi độ tuổi khác nhau ta phải có xưng hô, nói năng sao cho phải phép. Ông bà ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”… Vì thế, cha mẹ thường dạy con cái ngay từ khi còn bé tý phải cẩn thận “uốn lưỡi ba lần” trước khi nói. Rất tiếc là, khi lớn lên, nhiều người lại quên mất điều đó, ăn nói bỗ bã, cá mè một lứa để rồi ăn năn hối hận thì đã muộn màng. Trường hợp chàng trai vừa nêu ở trên, thiết nghĩ là bài học kinh nghiệm cho mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ…