Có thể bắt đầu từ câu nói vu vơ nào đấy của kẻ vô công rồi nghề mà thành chuyện lớn.
Như chuyện trái bắp Cẩm Nam (Hội An) được luộc với viên pin.
Như vải thiều Lục Ngạn có thuốc trừ sâu, thuốc giữ cứng vỏ.
Như giá đậu xanh có thuốc kích thích nảy mầm.
Và bây giờ, như chuyện nồi nước lều hủ tiếu có chuột cống…
Đại loại những chuyện đồn bậy như thế, mới đầu tưởng vô hại, nhưng rồi làm cho bao nhiêu số phận điêu đứng.
Bà con người Quảng phải bỏ cả quê quán vào Sài Gòn, trông nhờ vào xe hủ tiếu để nuôi con ăn học. Vậy mà chỉ vì lời đồn, khách đến thưa vắng, hoặc có đến ăn cũng dằn dọc hỏi tới hỏi lui, tô hủ tiếu đắng ngắt. Chuyện trái bắp Hội An, rong ruổi qua khắp nẻo đường đất Quảng, cũng một bận lao đao như thế. Không chỉ người trồng bắp mà hằng trăm người bán bắp dạo cũng thất cơ, mất thu nhập vì tin đồn kia.
Ông bà ta xưa thường nhắc con cháu chú ý giữ gìn lời ăn tiếng nói. Lời nói thực sự như đọi máu, khiến người ta uất ức mà chết, đau khổ mà chết. Lời chê khiến người ta chết đã đành mà có khi khen kiểu “cho chúng nó chết” cũng hại. Những lời nói dựng chuyện, kiểu “vu oan giá họa” tạo ra bao nhiêu sóng gió cho thân phận con người, nhất là những người “thấp cổ bé họng” đâu có phương tiện, chỗ nào để nói lại. Mà dẫu có nói lại được thì chuyện cũng tai tiếng, om sòm ra rồi. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói buông ra khiến xe bốn con ngựa đuổi theo không kịp, đã lỡ lời thì khó rút lại.
Trở lại chuyện đồn bậy, lời nói vu vơ thì kể sao hết nhưng báo chí, công luận mà đăng lên mới thực tác oai tác quái. Với phương tiện thông tin đại chúng trong tay, những kẻ núp bóng báo chí để mưu lợi riêng mình đã làm tổn thương những người dân nghèo. Cái gọi là “giấy trắng mực đen” ở đây đã bôi bẩn thiên lương người cầm bút, làm điêu đứng cho xã hội.
Đã có nhiều quy ước, quy định, luật để chuẩn tắc hoạt động báo chí. Tuy nhiên, đạo đức người làm báo mới là thứ đi giữa lằn ranh thiện – ác, tích cực – tiêu cực, lương thiện – bất lương trong hành trình tác nghiệp. Nhà báo lão thành Hữu Thọ từng ký thác tâm niệm với làng báo Việt Nam, rằng tác phẩm báo chí có thể là thông điệp của tình yêu thương hoặc là một bản án, nên phải cẩn trọng. “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, đó là yêu cầu cho mọi nhà báo chân chính. Vậy mà, không thiếu gì những sự cố truyền thông xảy ra cũng vì nhà báo trở thành kẻ phao tin đồn nhảm. Trong một thế giới hỗn độn thông tin như hiện nay, làm sao có những “bộ lọc” thật tốt để ngăn ngừa những tin đồn bậy bạ, đang là câu chuyện của sự nghiệp nâng cao dân trí, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội.
ĐĂNG QUANG