Trong khi Lo trúng tuyển vào Trường Đại học Quảng Nam thì cô chị sinh đôi - Líu phải tạm gác bút nghiên vì gia cảnh ngặt nghèo, dù trong em ước mơ được học tiếp vẫn vẹn nguyên, cháy bỏng.
Chị Ngô Thị Trọng (47 tuổi, trú tổ 5, khối phố Phú Phong, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) có 3 người con gái. Đứa đầu đang học năm thứ hai Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, còn chị em sinh đôi Trương Thị Líu và Trương Thị Lo cũng vừa hoàn thành kỳ thi quốc gia THPT. Trong đó, Lo trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin (Đại học Quảng Nam) và đã đi học được vài hôm. Còn Líu, với tổng điểm thi khối C được 20,5 nhưng em không đăng ký xét tuyển đại học, dù ở thời điểm này vẫn còn nguyên cơ hội đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung các đợt 2, 3, 4. “Một mình mẹ sao nuôi nổi ba chị em học đại học, lại đang bệnh nữa. Em xác định tư tưởng rồi, sắp tới sẽ đi may ở trên Tam Kỳ để phụ giúp mẹ lo chị và em ăn học” - Líu buông giọng trầm buồn.
Líu (trái) và Lo, vì điều kiện gia đình nên chỉ mình Lo được tiếp tục đến trường. Ảnh: VĂN HÀO |
Chúng tôi đến nhà chị Trọng khi 3 mẹ con đang đi nhổ sắn ở ngoài đồng. Chồng chị mất cách đây 14 năm trong một cơn bạo bệnh. Bên trong căn nhà “không nóc” này, mình chị quần quật một nách 3 con. Người góa phụ ấy cứ lầm lũi băng qua những sóng gió, chông chênh cuộc đời để nuôi các con được ăn học đến bây chừ. Chị nói, dù muốn ráng để cả ba đứa con được ăn học tới chốn nhưng giờ không đủ sức kham nổi, vì nợ nần, rồi bệnh tật. Mang trong người nhiều bệnh, trong đó có căn bệnh hở van tim, những lần đi viện là con cái tất tả chạy vạy. Trong nhà còn lúa, còn sắn thì đổ bao đem ra chợ bán. Chị vừa về nhà khi suốt một tháng ròng phải nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, gồng gánh những lo toan, nhọc nhằn đẩy đưa gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt.
Hôm rồi, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.Đà Nẵng đến nhà chị để ghi hình chương trình “Tâm sáng vươn xa”. Dù chưa lên sóng nhưng sự quan tâm, đồng cảm đến từ chương trình nhân đạo này đã truyền đến một thông điệp để chị tiếp tục gắng gượng, như những gì chị đã vượt qua trong gần 15 năm nay. “Chương trình có trao tặng một khoản tiền để giúp đỡ gia đình tôi đóng khoản học phí đầu năm cho các con. Vì hoàn cảnh, chứ người mẹ nào lại không muốn cho con cái mình được ăn học đàng hoàng” - chị Trọng nói. Nhà làm 2 sào lúa, trồng sắn rồi nuôi heo, nuôi bò nhưng cũng không đủ trang trải việc học cho mấy đứa con, chứ chưa nói những bộn bề khác. Qua mỗi năm, số tiền nợ ngân hàng lại dày thêm.
Về phần những đứa con của chị Trọng, những mất mát, thiếu thốn từ lúc còn thơ bé đã bồi đắp nên nghị lực sống vươn lên. Như người con gái đầu - Trương Thị Luyến, hè này vẫn cặm cụi làm thêm ở Đà Nẵng để kiếm tiền đóng học; còn Líu và Lo, ngoài giờ lên lớp, những nhọc nhằn của nhà nông khiến các em chững chạc hơn trong cách nghĩ. Líu tâm sự, nếu có tiền, em sẽ đăng ký vào học ở các trường trong tỉnh hoặc có thể ngoài Đà Nẵng. Chứ còn chuyện đi may mặc cũng chỉ là giải pháp tạm thời, khó tránh được vòng luẩn quẩn. Líu mặc định cho mình một lối rẽ trước ngưỡng cửa, vì cho rằng em không có sự chọn lựa với điều kiện gia đình ở thời điểm này…
VĂN HÀO