(QNO) - Facebook mấy hôm nay cộng hưởng theo niềm hạnh phúc đong đầy của nhà thơ Lê Minh Quốc - người cha “lần đầu ru con” ở tuổi năm chín!
“Ba ru bằng nhịp câu thơ
Giấc trưa con gối tay ba ngon lành
Cỗi cằn nương lấy mầm xanh
Con khôn lớn lại dỗ dành ru ba”
Bài thơ giản dị nhưng lại đem đến cho tôi quá nhiều cảm xúc. Về một hình ảnh đẹp: người cha vụng về ru con bằng tất cả tình yêu của mình. Và cũng có lẽ, khi đọc thi phẩm này, nhiều người thảng thốt nhận ra rằng hát ru - một nét văn hóa Việt, nay chỉ còn là dĩ vãng, chỉ còn là những câu ca buồn lặng lẽ trên trang sách.
Dẫu biết rằng cuộc sống là dòng chảy không ngưng nghỉ, chảy miết vào tương lai, nhưng hoài niệm của con người lại là hành trình đối ngược. Ký ức, vì thế là một khoảng trời riêng, trong vắt, hiện hữu lung linh khi chạm vào tín hiệu gợi nhớ.
Đọc “Lần đầu ru con”, chẳng hiểu sao tôi lại mơ về ngôi làng thuở ấu thơ. Ở đó, bên biết bao lam lũ nhọc nhằn của nghề làm bạn với nắng, với sương, là những lời ru ầu ơ bên cánh võng, bên chiếc nôi tre. Hầu như người phụ nữ nào thời ấy cũng biết hát ru. Bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em. Có giai điệu nào ngọt ngào và êm ái đưa trẻ con vào giấc ngủ dễ dàng như lời ru?
“Ầu ơ,
Ru con con théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu…”
… “Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”
Lời ca êm êm, dìu dặt bên cánh tay miệt mài đưa võng, đưa nôi như truyền cho em bé tất cả những yêu thương, dỗ dành. Giai điệu ấy vang lên trong giấc trưa, bên lời rì rào của cỏ cây hoa lá, bên ríu rít chim ca. Giai điệu ấy, mộc mạc mà lắng sâu tình mẹ, tình người. Giai điệu ấy tưới tắm ngọt ngào cho tâm hồn con trẻ. Bao điều hay lẽ phải, bao tình cảm thiết tha cứ như những dòng chảy vô hình vỗ về giấc mơ.
Những bài học đầu tiên của con người có lẽ bắt nguồn từ những câu “ầu ơ”, “ví dầu” đó. Nên trẻ thơ thời chúng tôi trở về trước thường tự hào được lớn lên từ lời ru của bà, của mẹ. Và cũng nhờ thế mà ai cũng có thể tự thuộc lòng hàng chục câu ca dao mà không phải ê a học.
Mẹ tôi là người hát ru rất hay, mỗi lần mẹ ru em, hay sau này ru cháu, là tôi cứ ngẩn ngơ mà nghe, mà ríu cả mắt. Tôi nhớ hoài hình ảnh mẹ bên chiếc võng dù mắc giữa nhà trên, tay đưa đều đặn, và giọng hát cũng theo đó mà cất lên.
Em gái tôi tiếng khóc nhỏ dần và một lát sau là chìm vào giấc mộng. Gương mặt bầu bĩnh ửng hồng, thỉnh thoảng nở nụ cười. Có lẽ lời mẹ đã đưa em vào khu vườn cổ tích nào đấy, “trong mộng cười ngon”. Ý nghĩ non nớt của tôi lúc ấy là ước gì mình cũng được mẹ ru như thế, vỗ về như thế.
Bây giờ, con người tất bật và hiện đại. Những bà mẹ thu sẵn những bài hát thiếu nhi, hoặc hát ru vào điện thoại hay máy tính để ru con. Vì bận rộn hay vì không thể hát. Bên những chiếc nôi điện tự đong đưa, họ mở nhạc ru con. Em bé vẫn đi vào giấc ngủ. Nhưng có lẽ khúc hát “khô khan” ấy đã giảm mất đi nhiều phần ý nghĩa.
Lời ru, theo cảm xúc rất chủ quan của tôi, phải đi với những đong đưa của võng, của nôi tre mềm mại theo cánh tay của bà, của mẹ. Cái hồn của điệu ru trong khung cảnh đó mới dặt dìu và thấm thía, truyền cảm. “Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn. Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương” (Trịnh Công Sơn).
Những câu hát ru, mãi mang giá trị nuôi dưỡng tâm hồn con người từ thuở ấu thơ. Nhưng giờ đây dần trở thành quên lãng. Không biết những mẹ bầu khi chuẩn bị cho thiên thần nhỏ của mình chào đời, có còn nghĩ đến việc tự mình hát ru con?
Lời ru ăm ắp tình cha của thi sĩ Lê Minh Quốc cứ kéo tôi về khoảng trời trong veo với những điệu “ầu ơ”, “ví dầu”, làm mát dịu cả nắng trưa…
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN