Bên cạnh tập tục cưới vợ, gả chồng sớm của đồng bào Cơ Tu, việc chưa sâu sát trong tuyên truyền là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra trong học sinh tại Tây Giang…
Những “con số biết nói”
Từ khi tách huyện năm 2003 đến nay, ngành giáo dục Tây Giang ngày càng khởi sắc, đạt được những thành quả nhất định. Các trường học được đầu tư xây dựng mới khang trang với trang thiết bị tương đối đầy đủ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, có trình độ chuyên môn, tâm huyết với nghề. Chế độ cho học sinh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là các trường bán trú, nội trú. Ngoài ra, công tác giảng dạy không chỉ chú trọng về kiến thức cơ bản mà còn mở rộng sang kỹ năng sống cũng như các chương trình ngoại khóa. Thế nhưng, bên cạnh đó tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại khiến con đường đến trường của các em thiếu sự bền vững, hạn chế sự phát triển trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu.
Nhiều học sinh bỏ học giữa chừng vì phải làm... mẹ trẻ.Ảnh: P.T |
Hầu như năm học nào ở các trường THCS trên địa bàn huyện đều có hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng để lấy chồng, lấy vợ. Chẳng hạn năm học 2005 - 2006, em Avô Thị Thúy, học sinh lớp 6/3 tại Blốc đã nghỉ học khi chưa hết học kỳ I để lấy chồng. Năm học 2008 – 2009, các em Bling Thị Acung, Alăng Đăng, Bnướch Thị Dinh ở Atép 2 cũng xếp bút nghiên để lập gia đình. Năm học vừa qua, các em Bling Thị Khiên (A Nông), Tarương Tròng (Atép 2), Arất Thị Dơi (A Vương) cũng bỏ ngang đường đến trường. Hiện vẫn còn nhiều trường hợp chưa được thống kê một cách đầy đủ.
Trao đổi với PV Báo Quảng Nam, ông Zơrâm Bê, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tây Giang cho biết: “Tình trạng tảo hôn, học sinh bỏ học để lấy vợ, lấy chồng vẫn còn diễn ra tại một số xã. Theo khảo sát của Phòng Tư pháp huyện, những trường hợp tảo hôn này chủ yếu xảy ra với các học sinh đang theo học cấp 3 tại trường Dân tộc Nội trú huyện, nhưng rất khó để thống kê được con số cụ thể. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác hộ khẩu, hộ tịch ở một số xã vùng biên những năm trước còn chưa triệt để, nhiều học sinh ra lớp muộn nên trên thực tế, tuổi thực của các em lớn hơn nhiều so với tuổi đăng ký khai sinh. Trong khi đó, gia đình lại căn cứ theo tuổi thật của các em ở địa phương nên đồng ý cho phép các em lấy nhau. Điều này theo luật định là vi phạm”. Theo ông Bê, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp ở các địa phương cũng đã tích cực vận động các em ra lớp, đảm bảo sĩ số cũng như tuyên truyền vận động người dân chấp hành đúng luật, nhưng thực hiện triệt để là điều rất khó. “Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều do các em tự tìm hiểu, rồi xin gia đình lấy nhau, trường hợp ép gả con cái chỉ xảy ra ở các xã vùng biên, địa hình khó khăn nhưng cũng rất hiếm. Phòng Tư pháp đã tích cực phối hợp với nhà trường để tuyên truyền sâu rộng hơn đến các em, chấp hành đúng chủ trương, quy định”b - ông Bê nói.(PHƯƠNG GIANG) |
Với độ tuổi quá nhỏ để có thể kết hôn, các em rơi vào tình trạng thiếu cân bằng cả về thể chất lẫn kinh tế để hoàn thiện gia đình. Đây là giai đoạn cơ thể các em đang trưởng thành, chưa phát triển toàn diện nhưng phải làm vợ, làm mẹ. Đến thôn Atép 2, chứng kiến cảnh em Bling Thị Bốn một tay bồng con một tay giở quyển sách Ngữ văn 9 để đọc, chúng tôi không khỏi xót xa. Em tâm sự: “Khi đang học lớp 9 em phải nghỉ giữa chừng để lấy chồng. Giờ ở nhà chán quá nên lấy sách ra đọc cho đỡ buồn”. Tôi hỏi vì sao lại bỏ học, em lắc đầu không nói gì. Còn hoàn cảnh của hai vợ chồng trẻ Bling Thị Acung và Alăng Đăng (Atép 2) lại đáng thương hơn. Đang học lớp 8 tại trường, cả hai phải bỏ học vì có thai ngoài ý muốn trong khi bản thân các em cũng đang cần bàn tay người lớn chăm sóc. Hay trường hợp em Bling Thị Khiên ở A Nông (học sinh lớp 8) cưới chồng là Tarương Tròng (học sinh lớp 9). Sau đám cưới, hai em tiếp tục đi học được vài tuần thì em Khiên có thai nên nghỉ học, còn em Tròng bị tai nạn nằm một chỗ cả tháng trời.
Cần sự sâu sát
Tình trạng phổ biến ở các gia đình do tảo hôn là không có nghề nghiệp ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn. Điểm tựa chủ yếu của các em phần lớn là nương rẫy cũng như phụ thuộc vào kinh tế của cha mẹ. Chưa kể đời sống tinh thần của các em bị hạn chế do thiếu kỹ năng sống, tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ. Điều này kéo theo hiện tượng suy dinh dưỡng ở trẻ em do tảo hôn.
Có thể thấy, hiện tượng tảo hôn do phong tục kết hôn sớm đã ăn sâu và nếp nghĩ của đồng bào Cơ Tu. Nhiều bậc phụ huynh bắt con cái phải lấy chồng, lấy vợ sớm để có thêm nguồn lao động và sợ con họ sẽ không cưới được chồng. Như trường hợp của em Bling Thị Khiên ở A Nông, bố mẹ chồng em cho biết nhà gái ép cưới vì sợ con gái nhiều tuổi sẽ không ai bắt làm vợ. Thứ hai là do các em dậy thì sớm, cơ thể phát triển, lại không nắm rõ các kiến thức về giới tính, về tình yêu tuổi học trò, về sinh sản nên gây ra các hậu quả đáng tiếc. Đồng thời do ảnh hưởng của phim ảnh, các ấn phẩm văn hóa độc hại nên các em tò mò và phải chịu trách nhiệm khi bản thân còn quá nhỏ.
Ngoài ra, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đối với đồng bào dân tộc Cơ Tu vẫn chưa sâu sát. Ở cấp cơ sở, những quy định của pháp luật về tình trạng tảo hôn vẫn chưa được tuyên truyền một cách cụ thể. Khi nhà trường báo cáo về tình trạng học sinh bỏ học để kết hôn, các cán bộ thôn, xã tới làm kiểm điểm, bắt gia đình cam đoan là không nghỉ học... rồi thôi.
Hoàng Phương Thảo