Lỗi tại… "ma men"

SÁU CÒI 20/06/2017 08:22

Lâu nay, một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT) phải kể đến yếu tố người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia. Dù biết trước hệ lụy trên nhưng không phải ai cũng ý thức thực hiện; để rồi sau khi gây họa lại đổ lỗi “ma men”. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia. Phần lớn nạn nhân vào cấp cứu có độ tuổi 18 đến 25 tuổi. Còn qua nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, tiến hành khảo sát trên hơn 18 nghìn nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam đã cho thấy, 36% số người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% tài xế ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Các nhà nghiên cứu lý giải, người uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép sẽ giảm tốc độ phản ứng từ 10 - 30% khi có tình huống xảy ra trên đường. “Ma men” còn giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực của người sử dụng nó; ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách. Do vậy, người say rượu, bia thường gây ra nhiều lỗi rất nguy hiểm như chạy quá tốc độ, vượt ẩu, đi sai phần đường quy định. Không ít trường hợp tự ngã, tự đâm vào dải phân cách, trụ điện… Ngoài trường hợp tử vong tại chỗ, sau khi gây tai nạn hoặc tự gây tai nạn, bản thân đối tượng vi phạm có nồng độ cồn trong máu cao chắc chắn gây khó khăn cho khâu cấp cứu. Một chuyên gia y tế cho biết, sử dụng nồng độ cồn ở mức 0,1 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về. Nồng độ cồn trong máu đạt 50 miligam/100 mililít, người lái xe không còn khả năng điều khiển chính xác một số động tác. Nồng độ cồn trong máu dao động 50 - 79 miligam/100 mililít máu, nguy cơ xảy ra TNGT thậm chí còn cao hơn người không uống rượu, bia tới 7 - 21 lần.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê khuyến cáo thêm, người điều khiển phương tiện sử dụng nồng độ cồn vượt mức cho phép còn bị xử phạt rất nặng. Cụ thể, với hành vi điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng; vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt tiền 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng. Trong khi đó, hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền 1 - 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng; vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt tiền 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 - 5 tháng. Vì thế, chớ nên lụy vào “đệ tử lưu linh” mà gây tang thương cho bạn đồng hành, rước họa vào chính mình.

SÁU CÒI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lỗi tại… "ma men"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO