Lời tâm tình với quê

LÂM BÌNH THÁI 11/10/2020 08:15

“Sương giăng ký ức” là tập tản văn của hai cây bút nữ Phi Khanh và Châu Nữ do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2020. Hai tác giả cùng quê Đại Lộc, cùng học một lớp thời trung học phổ thông, cùng mê viết báo viết văn. Châu Nữ sống ở quê nhà Quảng Nam. Còn Phi Khanh “hành phương Nam” tìm nơi “đất lành chim đậu”. Dẫu đi đâu về đâu, Phi Khanh vẫn mang theo ký ức thời thơ bé để khi rảnh rỗi lại tỉ tê trò chuyện với chính mình qua những trang văn…

 

Khi “liên danh” để làm nên cuốn sách thấm đẫm tình quê tình người, hai tác giả đều viết về một chủ đề chung là những ký ức tuổi thơ nhưng lại khơi gợi cho người đọc là “con của nông dân và lớn lên ở nông thôn” bồi hồi nhớ về một thời thơ ấu chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng. Phi Khanh sống ở Sài thành hoa lệ, khi mùa hè sang lại nhớ “mùa hoa khế”, khi mùa đông về lại nhớ cảnh làng quê sương giăng bảng lảng khắp nơi. Còn Châu Nữ ở xứ Quảng nhưng vẫn xa quê Đại Lộc vì sống ở TP.Tam Kỳ, vì thế cũng “thương nhớ chè tàu”, “bánh tráng Đại Lộc”, “bắp rang mùa đông”… Đọc “Sương giăng ký ức”, độc giả cảm thấy hai cây bút nữ bổ sung cho nhau, làm đầy cho nhau để rồi tạo nên một miền ký ức sống động, khiến họ hiểu thêm về câu thơ “Khi ta ở, đất chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” của Chế Lan Viên.

Hiện lên trên từng trang sách trong “Sương giăng ký ức” là cảnh quê xứ Quảng, là những món ăn dân dã với “mùi quê” khó diễn tả thành lời. Đọc tản văn, tôi có thói quen đọc chậm để nhấm nháp từng câu văn giàu hình ảnh, để mường tượng cảnh quê, chuyện quê và những món ăn quê thú vị. Và đây, Phi Khanh tả cảnh buổi sáng mùa đông: “Sương mùa miền trung du quyện vào núi đồi, làng mạc, ruộng nương, đẹp như một bức tranh. Đẹp nhất là những hôm sương bàng bạc một màu xám nhạt thì mặt trời ló dạng, những vệt nắng xuyên qua làn sương dày đặc đang giăng khắp ngả. Khoảnh khắc ấy thật tuyệt vời…” (Sương giăng ký ức). Còn Châu Nữ với sự quan sát tinh tế và liên tưởng bất ngờ khiến độc giả phải mỉm cười khi viết về sợi mì lúa can: “Mì tráng bằng bột gạo lúa can cũng giống như thôn nữ, thoạt nhìn không bắt mắt nhưng có duyên thầm, đằm thắm, mặn mà… Màu sợi mì hồng đùng đục, trông không “sạch sẽ” nhưng ăn vừa dẻo vừa dai” (Thứ nhất gạo lúa can).

“Sương giăng ký ức” là cuốn tản văn, là lời tâm tình với quê kiểng của hai cây bút nữ xứ Quảng. Vì thế, đọc đi đọc lại mới thấu cảm được tiếng lòng của tác giả gửi gắm qua từng trang sách…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lời tâm tình với quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO