(QNO) - Từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng (âm lịch) tại thôn Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) sẽ diễn ra Lễ hội Minh thề - một lễ hội xưa nhưng đậm chất nhân văn, hợp với ý Đảng, lòng Dân hôm nay.
Tương truyền, từ giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn khi đến ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu) đã tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc đóng góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.
Để đề phòng tư lợi, Thái hoàng Thái hậu cùng dân làng đã lập ra Hịch văn Hội Minh thề với lời thề lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công. Từ đó, Lễ hội Minh thề đã ra đời và vang vọng mãi cho đến ngày nay.
Được biết, vào thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho Lễ hội Minh thề. Đến năm 1993, khu đền chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và năm 2017, Lễ hội Minh thề được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Để chuẩn bị cho ngày hội, dân làng dựng một đài thề trang nghiêm trước cửa chùa Hòa Liễu. Các nghi thức lễ được tiến hành trang trọng.
Khi làm lễ tuyên thệ, một con dao thiêng được trao cho chủ lễ. Chủ lễ dùng con dao này vẽ một vòng tròn tượng trưng trước đài thề và cắm dao vào chính giữa vòng tròn ấy rồi dùng con dao thiêng này cắt tiết gà. Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi người truyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết, đồng tâm của cả cộng đồng thực hiện đúng lời thề.
“Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”...Hịch văn thề
Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử, Lễ hội Minh thề đề cao giá trị đạo đức, sự chính trực, liêm khiết, chí công vô tư, một truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc ta.
Thật vậy, dù đã trải qua hơn 500 năm nhưng nội dung, ý nghĩa, hình thức tổ chức Lễ hội Minh thề vẫn còn vang vọng, mang đậm tính thời sự trong thời hiện đại; một lễ hội nhắc nhở toàn dân nói chung mà nhất là cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, góp phần thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai; tổ chức thực hiện phải trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.