Lời thỉnh cầu của người vợ 97 tuổi

PHẠM THANH NGHỊ 14/07/2023 08:27

Đã 48 năm đất nước thanh bình, Đảng và Nhà nước ta ghi công bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, nhưng đến nay vẫn còn nhiều người chưa được công nhận liệt sĩ, trong đó có ông Phan Lại (được truy tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất), một cơ sở hoạt động bí mật trong vùng địch tại thôn Xuân Định, xã Kỳ Thịnh, nay là xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh. Từ nỗi đớn đau quặn lòng của bà Phạm Thị Cẩn (97 tuổi) vợ ông - chúng tôi tìm hiểu tận tường về cái chết của ông để chuyển tải đến các cơ quan hữu trách hòng mong một sự công bằng.

Bà Phạm Thị Cẩn bên di ảnh của chồng. Ảnh: T.N
Bà Phạm Thị Cẩn bên di ảnh của chồng. Ảnh: T.N

Ông Phan Lại (Phan Xuân, sinh năm 1926) là dân trụ bám thời chống Mỹ. Ông hoạt động cơ sở bí mật cho Ban An ninh huyện Tam Kỳ và Ban An ninh tỉnh Quảng Nam từ cuối năm 1963.

Ông nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, tải thương, cứu thương, vượt qua bao khó khăn gian khổ để nắm tình hình địch báo cho cán bộ ta. Ông luôn trung thành tuyệt đối, đảm bảo bí mật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhà sát chân đồn chữ V, ngày ngày địch truy lùng gắt gao, nhưng với sự tài trí, nhanh nhẹn, ông đã vượt qua nhiều cuộc kiểm tra bất ngờ của địch, đảm bảo an toàn, bí mật công tác, phục vụ tốt cho các đội công tác và cán bộ ta mỗi khi về vùng này hoạt động.

Vào một đêm tháng 9/1972, có 2 tổ công tác của xã Kỳ Thịnh và Kỳ Phước về hoạt động tại khu vực Xuân Định. Sau khi ăn cơm tại nhà ông, các tổ công tác rời đi để tiếp tục hoạt động và chuẩn bị tổ chức mít tinh thì địch bất ngờ tấn công, bắn chết một cán bộ Tỉnh ủy, làm bị thương một người. Sau đó chúng vào nhà bắn chết ông Phan Lại.

Tác giả làm việc với nhân chứng Trần Thị Tường. Ảnh: N.T
Ông Phạm Bình xem lại lời xác nhận năm 2004 của mình. Ảnh: T.N

Nhân chứng cùng thời xác nhận

Bà Trần Thị Tường (73 tuổi, nguyên cán bộ Đội Công tác xây dựng vùng yếu xã Kỳ Phước, thuộc Ban An ninh Quảng Nam, nhà bên cạnh nhà ông Phan Lại lúc bấy giờ), hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tam Lộc cho biết: “Tối hôm đó dự tính 2 đội công tác xã Kỳ Thịnh và Kỳ Phước tổ chức mít tinh tại khu vực này, có cán bộ Tỉnh ủy dự. Khi chuẩn bị họp thì địch bất ngờ tập kích, bắn chết bà Nguyễn Thị Hồng - cán bộ Tỉnh ủy và bắn bị thương bà Lương Thị Thông - du kích xã Kỳ Thịnh. Sau đó địch vào nhà bắn chết ông Phan Lại. Tôi chạy thoát ra phía sau an toàn.

Tôi khẳng định ông Phan Lại đã chết cho Tổ quốc, nhưng không hiểu sao đến bây giờ vẫn không được công nhận liệt sĩ? Nếu ông không vì cách mạng, vì chúng tôi thì ông đâu phải chết. Đề nghị các cấp, các ngành hữu quan xem xét thấu đáo trường hợp này”.

Nghe chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về cái chết của ông Phan Lại và việc làm hồ sơ công nhận liệt sĩ, ông Phạm Bình (sinh năm 1936, ngụ thôn Thạnh Hòa, xã Tam Đàn), nguyên Trưởng Công an xã Kỳ Thịnh, nguyên Bí thư Chi bộ xã Kỳ Thịnh ngạc nhiên: “Sao bây giờ mới làm? Việc này đáng lẽ phải làm lâu rồi mới phải chứ!”.

Ông Bình cho biết, lúc bấy giờ ông là người trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Phan Lại. Ông Lại luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn, bí mật cho các đội công tác.

Bà Lương Thị Thông viết tờ khai nhân chứng. Ảnh: T.N
Bà Lương Thị Thông viết tờ khai nhân chứng. Ảnh: T.N

Khi anh Phan Văn Hùng (54 tuổi, con ông Phan Lại) trao tờ giấy xác nhận làm chứng của ông năm 2004 (thời điểm gia đình làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Phan Lại), ông Bình bảo: “Nhớ rồi, năm 2004 tôi đã xác nhận đây”.

Đọc lại lời xác nhận của mình, ông Bình khẳng định: “Đêm đó địch bắn chết đồng chí Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Tỉnh ủy và đồng chí Lương Thị Thông bị thương, bắn chết ông Phan Lại tại nhà. Sau đó, tôi tổng hợp tình hình thương vong báo cáo về trên, đồng thời tổ chức hậu sự cho người chết, lo cho người bị thương, ổn định tư tưởng quần chúng. Ông Phan Lại xứng đáng được ghi công thì phải ghi công chứ!”.

Lời xác nhận mang tính khẳng định nữa là ông Nguyễn Văn Tư, hơn 80 tuổi, ngụ phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ, cán bộ cách mạng cùng thời. Ông Tư ghi: “Ông Phan Lại là một cơ sở hoạt động rất hiệu quả. Mỗi tháng từ 3 đến 4 lần tôi và các tổ công tác về nhà ông bàn việc.

Ông lo cơm nước, thuốc men và những thứ cần thiết cho các tổ công tác. Hôm đó khi các cán bộ tỉnh, huyện và xã vừa ăn cơm ở nhà ông đi ra thì bị địch phục bắn chết một cán bộ tỉnh, bắn bị thương một cán bộ xã rồi bắn chết ông Phan Lại tại nhà”.

Xác nhận quan trọng thứ tư, cũng là nhân chứng vụ việc là bà Lương Thị Thông (70 tuổi, ngụ phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ), nguyên là du kích xã Kỳ Thịnh. Bà Thông nhớ lại: “Một đêm vào tháng 9/1972, tôi làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc mít tinh.

Nhưng cuộc mít tinh chưa diễn ra thì địch bất ngờ tập kích bắn chết bà Hồng và bắn tôi bị thương. Sau đó địch vào nhà bắn chết ông Phan Lại. Tôi cho rằng ông Phan Lại xứng đáng được công nhận liệt sĩ vì đêm đó ông đang làm nhiệm vụ phục vụ cho cán bộ ta tổ chức mít tinh”.

Tác giả làm việc với nhân chứng Trần Thị Tường. Ảnh: N.T
Tác giả làm việc với nhân chứng Trần Thị Tường. Ảnh: N.T

Mong chờ được công nhận

Nén nỗi niềm thương nhớ cha, anh Phan Văn Hùng cho biết: Vào thời điểm 2004 gia đình có làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, được UBND xã Tam Đàn họp dân trong thôn lấy ý kiến. Tất cả hộ dân đều nhất trí đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Phan Lại.

Nhưng sau đó các cấp xét duyệt hồ sơ thế nào mà gia đình đã nhiều lần liên hệ vẫn không được trả lời. Rồi năm tháng qua đi, sự việc rơi vào im lặng. Và mới đây, được biết chủ trương của Nhà nước về việc tiếp tục xét công nhận người có công, vào tháng 7/2022 ông làm hồ sơ một lần nữa, gửi UBND xã Tam Đàn. Đến ngày 19/10/2022, UBND xã Tam Đàn trả hồ sơ và trả lời không đủ điều kiện giải quyết.

Chậm khăn lau dòng nước mắt, bà Phạm Thị Cẩn - vợ ông Phan Lại ngậm ngùi nói: “Nhiều người hoạt động bị địch bắn chết như chồng tôi và được công nhận liệt sĩ, còn chồng tôi thì không. Tại sao vậy? Tham gia đánh giặc, giữ làng là trách nhiệm của người dân, đâu ai tính toán quyền lợi hôm nay. Giờ gần trăm tuổi, tôi tha thiết thỉnh cầu Đảng và Nhà nước công nhận sự hy sinh của chồng tôi, đó là lẽ công bằng đối với những người có công với nước”.

Theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ưu đãi người có công với cách mạng, ngày 9/12/2020, ông Phan Lại thuộc trường hợp được quy định tại Mục 3, Điều 14, khoản 1, điểm b: “Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng”.

Tuy nhiên, trong Nghị định 131 ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, ở Điều 72 về “Căn cứ lập hồ sơ công nhận liệt sĩ” không xét đến xác nhận của chứng nhân lịch sử.

Trong khi đó, những người làm chứng trong hồ sơ ông Phan Lại đều là đảng viên, cán bộ cách mạng thời điểm đó, là người trong cuộc nên biết chính xác cái chết của ông Phan Lại do bị địch bắn khi làm nhiệm vụ, mà việc làm chứng của họ không có giá trị, vậy phải chăng cần xem xét lại tính thực tiễn ở Điều 72 của Nghị định 131.

Theo các cán bộ về chính sách đối với người có công, trước đây việc làm chứng có giá trị công nhận liệt sĩ, nhưng khi Pháp lệnh số 02 ra đời thì việc xác nhận của các chứng nhân lịch sử bị bãi bỏ. Vậy nên chăng Quốc hội và Chính phủ cần xem xét lại chính sách cho phù hợp thực tiễn.

Trở lại trường hợp của ông Phan Lại, các chứng nhân lịch sử khẳng định sự thật ông Phan Lại đã chết cho Tổ quốc. Mong rằng Quốc hội, Chính phủ và các ngành hữu quan lắng nghe, giải quyết thỏa đáng lời thỉnh cầu của người vợ 97 tuổi đang mỏi mắt đợi trông sự công bằng cho người chồng đã chết mà đồng chí, đồng đội cùng thời đã xác nhận là “chết vì đất nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lời thỉnh cầu của người vợ 97 tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO