(QNO) - Ngoài giảm ho, sát trùng, trị bệnh ngoài da... dầu gió còn nhiều công dụng khác. Tuy nhiên, dùng dầu gió nhiều có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn và có những đối tượng không nên sử dụng dầu gió.
Thành phần chính của dầu gió là tinh dầu như bạc hà, khuynh diệp, hương nhu, quế, tràm và các chất chiết xuất từ tinh dầu như menthol, methyl salicylat, camphor... Theo y học, dầu gió có tác dụng giúp hạ sốt, ra mồ hôi, giảm đau, giảm ho, sát trùng. Dùng chữa những chứng bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau khớp, côn trùng đốt...
Ngoài ra, khi kết hợp với những nguyên liệu khác, dầu gió còn có những tác dụng sau:
1. Tinh dầu gió với tỏi: Khắc tinh của muỗi
Lấy vài củ tỏi, cắt thành lát mỏng, nhỏ. Bọc tỏi đã cắt vào một chiếc khẩu trang, sau đó nhỏ dầu gió lên. Số lượng dầu nhỏ vào tỏi tùy theo sở thích nhưng không nên quá đậm đặc. Cuối cùng buộc túi lại.
Có thể làm số lượng nhiều rồi đặt những chiếc túi này ở nơi có nhiều muỗi như cửa sổ, cửa ra vào, gầm giường. Mùi tiết ra từ tỏi và tinh dầu sẽ khiến muỗi sợ hãi, bạn có thể đi ngủ mà không cần đóng cửa sổ. Việc chế tạo chiếc túi chống muỗi này vừa đơn giản, lại tiết kiệm.
2. Tinh dầu gió với dấm trắng: Khử mùi hôi nhà vệ sinh
Đổ 150-200 ml giấm trắng vào một chiếc bát hoặc bình tưới cây loại nhỏ. Nhỏ thêm 10-15 giọt dầu gió cùng 200 ml nước trắng để pha loãng. Trộn hoặc lắc đều hỗn hợp này với nhau.
Dùng hỗn hợp tinh dầu gió và dấm trắng xịt trực tiếp vào bồn cầu hoặc xung quanh nhà vệ sinh. Mùi hôi sẽ giảm dần rồi hết hẳn. Cũng có thể xịt vào thùng rác nhằm khử mùi hôi tanh, ngăn chặn vi khuẩn và côn trùng bay nhỏ sinh sôi, phát triển.
Cùng dung dịch này, phun vào gầm giường, góc tường- những nơi muỗi thường trú ẩn cũng giúp tránh được muỗi. Ngoài ra, dung dịch dầu gió-dấm trắng còn có thể khử mùi hôi giày, loại bỏ băng dính hai mặt trên tường hay làm sạch chiếu mây trúc, khử mùi phòng... Chỉ cần xịt vào những nơi cần xử lý, bạn sẽ thấy hiệu quả tức thì.
3. Dầu gió-nước rửa bát: Diệt rệp trên cây
Nếu trên cây hoa xuất hiện những con rệp hoặc bọ nhỏ, có thể sử dụng hỗn hợp dầu gió-nước rửa bát để xử lý.
Cách làm khá đơn giản. Nhỏ vài giọt dầu gió cùng một ít nước rửa bát và nước trắng vào một chai nhựa bỏ không. Lắc đều bình rồi xịt ở những vị trí xuất hiện rệp, nhện đỏ hoặc những côn trùng nhỏ khác. Cách làm này hiệu quả mà an toàn đối với những cây trồng ở trong nhà.
4. Dầu gió-kem đánh răng: Tẩy vết mực trên quần áo
Nếu quần áo chẳng may dính vết mực của bút bi, không thể giặt sạch, bạn có thể áp dụng phương pháp dưới đây:
Đổ dầu gió tại vị trí xuất hiện vết mực bút bi, tinh chất dầu có thể hòa tan các thành phần có trong mực bút. Bước tiếp theo là bôi kem đánh răng xung quanh vết mực, bởi trong kem đánh răng chứa chất mài mòn, có tác dụng làm sạch nhất định. Tiếp đó, đổ ít nước sạch vào vết mực rồi dùng tay vò, mực bút bi sẽ mờ dần. Bước cuối cùng là giặt áo với bột giặt bình thường, đảm bảo sẽ trắng sạch như mới.
Dung dịch dầu gió-kem đánh răng còn có tác dụng khử mùi hôi phòng, thùng rác, loại bỏ vết dầu mỡ trong nhà bếp.
Không nên quá lạm dụng dầu gió
Dùng dầu gió nhiều có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:
Gây xung huyết da: vì metyl salicylat là chất lỏng dễ thấm qua da, giúp giảm đau, chống tê thấp, đau cơ bắp. Khi dùng nhiều metyl salicylat có thể làm rộp da, đặc biệt là rối loạn thân nhiệt khi xoa ở diện rộng, toàn thân.
Gây tổn thương hệ hô hấp: dầu gió còn giúp thông mũi nhưng khi dùng quá liều với đặc tính kích ứng của tinh dầu sẽ gây rách vùng màng nhầy mũi, họng, gây tổn thương cho hệ hô hấp
Gây ngộ độc: thành phần dầu gió chứa eucalyptol và camphor, đặc biệt là camphor- chất độc đối với trẻ em nếu quá trình sử dụng không đúng, hấp thu nhiều vào cơ thể qua phần da trầy xước hay vô tình nuốt phải với lượng nhiều (khoảng 1g) gây tổn thương hệ hô hấp, thậm chí ngưng thở.
Những đối tượng không nên sử dụng dầu gió
Một số đối tượng không nên sử dụng dầu gió đó là:
Trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Tuyệt đối không dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh, nhất là không bôi lên mũi trẻ em vì có thể gây ức chế hô hấp ở trẻ. Không nên dùng ở đối tượng bị lở ngứa, ra mồ hôi hoặc sốt cao. Các trường hợp bị suy nhược, vừa ốm dậy hoặc bị táo bón , tăng huyết áp cần đưa đến khám ở bác sĩ thay vì dùng dầu gió.