Từ chỗ chỉ có các phương tiện công suất nhỏ của ngư dân xã Bình Minh (Thăng Bình) khai thác hải sản bằng nghề chụp mực ở tuyến lộng đến nay nghề này đã được ngư dân các xã Tam Giang, Tam Quang (Núi Thành) phát triển rộng khắp ở ngư trường Trường Sa, mở ra hướng đi mới cho khai thác mực xà Quảng Nam.
Sản xuất hiện đại
Mới đây, tàu vỏ thép QNa - 91597 có công suất 829CV của ngư dân Đỗ Văn Trầm (thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành) cập bờ bán mực xà khai thác được. Tổng cộng, chuyến biển thu được hơn 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí hơn 100 triệu đồng, chủ tàu thu được 200 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia 20 triệu đồng. “Chúng tôi sản xuất 1 tháng ở ngư trường Trường Sa với 10 lao động. Chuyến biển đầu tiên của tàu QNa - 91597 khai thác được hơn 25 tấn mực xà, anh em rất phấn khởi” - anh Trầm nói.
Xã Tam Giang đang khuyến khích ngư dân chuyển từ nghề câu mực sang chụp mực. |
Cách đây 3 năm, chiếc tàu câu mực khơi Qna - 91685 của anh Trầm bị cháy khiến cho việc ra khơi gặp khó khăn. Mấy năm trôi qua, với số tiền được bảo hiểm làm vốn đối ứng, anh Trầm đã tiếp cận chính sách ưu đãi vốn vay đóng tàu công suất lớn của Chính phủ, đóng được tàu vỏ thép Qna - 91597. “Tôi cũng như nhiều ngư dân khác của xã Tam Giang chọn nghề khai thác mực xà làm nghiệp biển. Trước đây đi câu mực xà hàng tháng trời rất vất vả mà giá trị kinh tế thu được không cao. Trong cái rủi có cái may, việc được hỗ trợ kịp thời khiến việc sản xuất trên biển ngày càng hiệu quả” - anh Trầm chia sẻ.
Chuyến biển chụp mực xà đầu tiên của các ngư dân khác trên địa bàn xã Tam Giang cũng đem lại hiệu quả lớn. Đơn cử như ngư dân Phạm Thanh Liêm ở thôn Đông Xuân, chủ tàu vỏ thép Qna - 90316 hay Phạm Cương cũng ở thôn Đông Xuân, chủ tàu vỏ thép Qna - 91269. Chuyến biển đã đem lại cho các chủ tàu hơn 200 triệu đồng, mỗi lao động được chia hơn 20 triệu đồng. “Chúng tôi vươn khơi khi trăng bắt đầu lặn trên biển Trường Sa cho đến khi trăng lại tỏ. Trừ thời gian nghỉ trăng và đi, về thì mỗi chuyến biển chỉ diễn ra trong vòng 25 ngày. So với trước đây đi câu mực xà thì cần đến 3 tháng trời với phương thức thủ công năng suất không cao” - anh Liêm chia sẻ. Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, anh Liêm tiếp cận, đóng tàu vỏ thép và ra khơi chụp mực xà lần đầu vào tháng 3 vừa qua.
Hiện tại, đánh bắt mực xà của ngư dân xã Tam Giang đều áp dụng lưới chụp 4 tăng gông. So với trước đây, các ngư dân xã Bình Minh chỉ sử dụng 3 tăng gông. Công nghệ đánh bắt này đòi hỏi tàu phải lớn, các tàu vỏ thép của ngư dân Tam Giang đều có kích cỡ rộng 7m, dài 24m. Tàu được trang bị hầm lạnh, máy phát điện, máy định vị, máy thông tin liên lạc tầm xa, máy dò ngang, hệ thống đèn chiếu sáng, máy tời, cần cẩu, neo dù và đầy đủ các thiết bị hàng hải khác.
Khuyến khích phát triển
Vào năm 2013, người tiên phong sản xuất trên biển bằng nghề chụp mực là ngư dân Trần Công Mậu (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình). Ông Mậu vươn khơi ở tuyến lộng bằng phương tiện Qna - 94141 có công suất 90CV với 10 lao động, sản xuất chừng 10 ngày. Sản xuất khả quan của ông Mậu được UBND xã Bình Minh ghi nhận, khuyến khích các chủ tàu khác cùng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng nghề chụp mực. Trong vòng 3 năm, chỉ có vài ngư dân xã Bình Minh sản xuất hiệu quả bằng nghề này với các tàu có công suất dưới 90CV. Vậy mà, từ đầu năm 2017 đến nay, nghề chụp mực “nở rộ” và đem lại giá trị kinh tế lớn cho mỗi chuyến vươn khơi của ngư dân các xã Tam Giang, Tam Quang (Núi Thành). |
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định rằng, nghề chụp mực đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh là tín hiệu vui. Theo dự báo, trữ lượng mực xà trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa sẽ rất dồi dào. Nghề này đang có thị trường rộng vì đây là sản phẩm xuất khẩu. Trước đây, chỉ xuất khẩu mực xà khô sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. “Điều quan trọng nhất là ngư dân Quảng Nam đã áp dụng công nghệ hiện đại cho nghề này, cả trong khai thác lẫn bảo quản hải sản và đem lại lợi nhuận cao. Vì thế, ngành thủy sản tham mưu UBND tỉnh có cơ chế khuyến khích ngư dân tham gia nghề này ngày càng nhiều hơn” - ông Ngô Tấn nói.
Hiện các chủ tàu chụp mực Quảng Nam đã trang bị hệ thống đèn chiếu sáng dụ và gom mực ở cả trên và dưới mặt nước. Phía trên được lắp đặt ở 2 bên mạn tàu, bố trí cao hơn mặt biển 3,5m. Bóng đèn gồm vài chục chiếc, công suất 500W, sử dụng ánh sáng trắng. Nguồn sáng dưới nước là 2 bóng đèn 5kW, lắp vào 2 bên tàu ở độ sâu 5m nước. Đèn gom mực là 1 bóng đỏ công suất 500W, được lắp ở mạn tàu, đèn có thể tăng giảm cường độ sáng tùy theo điều kiện. Lưới chụp 4 tăng gông khai thác trọn phạm vi bao quát đàn mực xà. Ở 8 hầm chứa mực có thể tích 9m3, ngư dân bố trí hệ thống sọt với các ki mực chồng lên nhau qua các nắp đậy. Hơi lạnh của đá được phủ vào bên trong từng ki mực chứ không ngâm đá. Điều đó khiến cho mực tươi nguyên lâu ngày, tránh hạn chế là mực rã đầu nếu đá cây thấm trực tiếp vào thân mực.
Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho hay: “Trăn trở của địa phương là làm sao vẫn giữ nguyên khai thác mực xà mà không cần phải câu mực bằng rường trên thuyền thúng rất nguy hiểm. Theo đó, cách khắc phục là chuyển từ câu mực xà qua chụp mực cùng với đầu tư tàu công suất lớn đồng bộ công nghệ hiện đại” - ông Châu nói. Cái khó là phải huy động vốn rất lớn, nhưng không phải là không thực hiện được. “Có nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, của cả trung ương lẫn phía tỉnh. Vấn đề nằm ở chỗ ngư dân chứng minh cho ngân hàng thấy được là vay vốn đóng tàu chụp mực hiệu quả thì họ sẽ cho vay để thu lợi” - ông Châu tin tưởng.
NGUYỄN QUANG VIỆT