Lớn mạnh nghề lưới chụp

VIỆT NGUYỄN 19/12/2018 02:20

Phát huy nhiều tính năng vượt trội, nghề lưới chụp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân trên địa bàn tỉnh và đang được ưu tiên lựa chọn là hướng đi mới của nghề cá.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng chuẩn bị vươn khơi với tàu lưới chụp QNa- 91039. Ảnh: QUANG VIỆT
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng chuẩn bị vươn khơi với tàu lưới chụp QNa- 91039. Ảnh: QUANG VIỆT

Hiệu quả cao

Đang mùa biển động nhưng tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi, các tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Nam vẫn liên tục vươn khơi bám biển, nhất là nghề lưới chụp. Ngư dân Nguyễn Văn Hùng (thôn Thanh Long, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu vỏ thép QNa-91039 có công suất 829CV theo nghề lưới chụp cho biết, có thể linh hoạt thực hiện chuyến biển trong 5 - 7 ngày hoặc 20 - 25 ngày. Đối tượng khai thác chính của anh Hùng ở vùng biển Hoàng Sa là mực xà. Trên tàu vỏ thép của mình, anh Hùng bố trí một giàn phơi mực bằng gỗ và 8 hầm bảo quản hải sản đông lạnh. Nghề lưới chụp có thể thực hiện hàng chục mẻ lưới mỗi đêm, anh Hùng có thể lựa chọn phơi mực hoặc bố trí vào hầm lạnh. “Nếu đạt được sản lượng lớn mực ở mỗi đêm thì thông thường tôi ướp lạnh về bờ bán tươi, chuyến biển được thực hiện ít ngày, hao tổn không nhiều. Còn nếu sản lượng mỗi đêm đạt thấp thì phơi mực, tích lũy lại để về bán khô, chuyến biển tốn nhiều thời gian, chi phí cũng lớn” - anh Hùng nói. Chi phí chuyến biển trong vòng 20 - 25 ngày tốn chừng 200 triệu đồng nhưng mực khô được giá nên ở chuyến biển mới đây, anh Hùng thu lãi gần 800 triệu đồng sau khi bán 8 tấn mực khô với giá 120 triệu đồng/tấn.

Hầu hết tàu vỏ thép của huyện Núi Thành đều theo nghề lưới chụp, thu được hiệu quả kinh tế cao như các chủ tàu Lê Văn Hên, Bùi Thế Cả, Trần Công Kỳ, Nguyễn Văn Nghị. Con trai của ngư dân Trần Công Kỳ là Trần Công Ba sau thời gian phụ đi biển với cha đã tích lũy được nguồn vốn hơn 5 tỷ đồng, đóng được tàu vỏ gỗ QNa-91718 có công suất 769CV hành nghề lưới chụp ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đầu năm đến nay tàu của anh Ba đều lãi hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển dài ngày. Các ngư dân cho rằng, sản xuất với nghề lưới chụp rất thuận lợi vì nguồn lợi mực xà dồi dào, thu được sản lượng lớn lại được giá nhờ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghề cá thì nghề lưới chụp chỉ cần 5 - 7 lao động là có thể ra khơi, thu được sản phẩm là mực khô hoặc mực tươi tùy theo nhu cầu của thị trường.

Xu hướng chuyển nghề

Nhiều chủ tàu theo nghề lưới vây, giã cào, lưới rê hỗn hợp trên địa bàn tỉnh đang chọn lưới chụp để chuyển nghề sản xuất. Nghề lưới chụp có thể khai thác quanh năm, đối tượng chủ yếu là các loại hải sản tầng nổi, đặc biệt là mực. Đây là kiểu khai thác dùng nhiều bóng đèn cao áp rọi xuống biển để dụ đàn cá, mực. Sau đó, ngư dân thả lưới bằng 4 gọng hay còn gọi là 4 tăng gông từ trên tàu bung ra 4 phía. Đèn sẽ được tắt dần, ngư dân thao tác rút đáy lưới dồn mực, cá vào túi lưới và kéo lên tàu. Kiểu khai thác chụp mực 4 tăng gông đơn giản hơn các nghề lưới rê, lưới vây nhưng đòi hỏi các thuyền viên phải phán đoán chính xác thời điểm thả lưới. Ông Võ Quốc Hai - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, nhiều ngư dân vốn theo nghề câu mực khơi trên địa bàn đã chọn lưới chụp để chuyển nghề. Vì câu mực khơi phải thực hiện bằng tay, mỗi ngư dân chỉ được thao tác trên một thuyền thúng giữa biển khơi từ đêm đến sáng rất nguy hiểm mà năng suất thấp. “Nghề lưới chụp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, nghề lưới chụp có ưu thế rõ rệt là không tốn nhiều sức lao động. Quy trình khai thác chỉ có 3 bước cơ bản là chong đèn gom mực, thả và thu lưới nên ngư dân rất chuộng” - ông Hai nói.

Ngư dân Lương Văn Quang  ở thôn Thuận Trì, xã Duy Hải đóng tàu vỏ composite QNa-93859 có công suất 822CV, tổng giá trị 15 tỷ đồng, kỳ vọng sản xuất thành công với nghề lưới rê hỗn hợp nhưng thất bại đã chuyển sang nghề lưới chụp và thu được giá trị kinh tế khá. Ông Quang cho biết, áp lực trả nợ ngân hàng đã giảm bớt nhờ thu nhập ổn định từ nghề chụp mực. Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, lưới chụp dù là nghề mới nhưng đã khẳng định được vị thế, ngày càng lớn mạnh trong cơ cấu nghề cá của tỉnh. Ngư dân muốn chuyển sang nghề này cần phải tham khảo, học hỏi, tiếp thu các kỹ năng, kinh nghiệm để thao tác thành công khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất. “Với xu thế nguồn lợi hải sản ngày càng hạn hẹp, giá cả phục vụ nghề biển tăng vọt, việc du nhập nghề mới lưới chụp là một hướng mở để ngư dân thu được hiệu quả kinh tế cao, gắn bó với biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia” - ông Ngô Tấn nói.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lớn mạnh nghề lưới chụp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO