Lần giở lại những bài báo cũ, hình dung về những người mình đã từng gặp, từng đi cùng nhau. Có những người là chú, là “bạn già” đã về thiên thu. Có những người hôm mình bấm máy, họ còn bé xíu...
Một trời hoài niệm ắp đầy. Bước qua năm thứ 11 làm báo, với những sự kiện dồn đuổi hằng ngày, đôi khi tôi tự hỏi mình của hôm nay và của 10 năm trước chập chững vào nghề, liệu có gì tiếc nuối?
Nói không, chắc đang tự phủ nhận những nỗ lực mình đã cố gắng trong suốt chặng đầu này. Còn nếu vạch ra chi li từng sự đổi dời, tôi vẫn tiếc về những cái nhìn trong veo mình có hồi 10 năm trước. Hình như gánh nặng cơm áo khiến mỗi người sẽ phải toan tính nhiều hơn. Nhưng vẫn muốn giá như mình giữ được tinh thần của thanh xuân ngày mới vào nghề.
Nhiều năm trước. Tôi không ngại ngần ở vài ngày trong nhà một nhân vật, chỉ để được trải nghiệm khoảnh khắc và cảm xúc của họ. Tiếng vĩ cầm cuối phố của cụ ông Lê Khuê, vẫn còn ám ảnh. Những khuôn hình mặt nạ tưởng tùy hứng nhưng là kết cấu chặt chẽ và biểu trưng của văn hóa truyền thống có tuổi đời hàng mấy trăm năm, thảo ra từ đôi bàn tay cụ Nguyễn Vĩnh Huế. Nghệ thuật chạm trổ vi tế của người cuối cùng nắm giữ tinh hoa nghề mộc nơi cánh đồng làng Văn Hà, cụ ông Đinh Văn Thẩm...
Mỗi chân dung cho mình một cảm xúc khác biệt, để mỗi chữ nghĩa dành cho họ, đều phải khiến mình bâng khuâng hết mấy ngày trời. Bài gởi về tòa soạn, đêm hôm còn đọc lại. Bài đăng rồi, cố gắng giữ lại từng tờ báo, để lại... tiếp tục đọc. Cho đến ngày nghe tin từng người một rời cõi thế gian...
Cũng có lúc, vì “nằm vùng” quá lâu trong một lĩnh vực, tôi thấy mình sạm đi. Chai sạn xúc cảm với từng người mình gặp. Tự cho mình định kiến về sự việc, sự kiện hay vùng đất mình quá nhiều lần dừng chân.
Tự cho mình kịch bản riêng của mỗi chủ đề, thay vì phải xâm nhập từng ngóc ngách của chủ điểm vạch ra. Lúc ấy, tôi thật sự muốn bước chân ra khỏi lãnh địa này. Cho đến ngày, tự mình xin được phụ trách một lĩnh vực khác, hoàn toàn mới mẻ, thực tế và đòi hỏi phải học theo cái cách kỹ lưỡng, chỉn chu nhất.
Duyên lành lại cho mình những gặp gỡ với rất nhiều y bác sĩ, với những anh bộ đội biên phòng, những cô giáo, những em bé vùng cao. Nhiều trong số những cuộc gặp này, khơi cho mình xúc cảm đặc biệt.
Mới đây, tác nghiệp về không khí bầu cử ở khu cách ly tập trung, có anh bộ đội biên phòng cúi xuống mang giúp đôi giày bảo hộ, rồi bao nhiêu là phương tiện cứ thảy hết lên vai anh. Cho đến khi xong nhiệm vụ, tôi vẫn chưa kịp biết tên anh.
Về nhìn lại những bức ảnh buổi tác nghiệp đặc biệt đó, không dưng lại rưng rưng. Vì nhớ đến cảm giác di chuyển trong bộ đồ bảo hộ, vừa bí bách khó chịu vừa khó khăn bất tiện, trong khi lực lượng y tế, họ mặc ngày đêm. Vì cảm giác trân quý sẻ chia hỗ trợ của những người mình gặp trong khi làm việc...
Đôi lúc nghĩ, mình được nghề này chọn, là điều may mắn. Vì vào những lúc không cân bằng cảm xúc, lại gặp được bao người truyền cho mình suy nghĩ tích cực. Có bạn bè tôi đã rời khỏi con đường này, vì họ nói không còn đủ lực để giữ điềm đạm trước thông tin. Nhưng với mình, tôi chọn cách cảm nhận để giữ lòng yêu nghề. Chỉ cần lòng còn rưng rưng, là còn đi tiếp!