Những ngày cuối tháng Ba lịch sử, những người trong Đội công tác nội ô và Đội công tác phường 1, thuộc Thị ủy Tam Kỳ trong kháng chiến chống Mỹ tất bật chuẩn bị cho buổi gặp mặt đúng dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng quê hương (24.3). Đây cũng là dịp gặp gỡ tri ân các gia đình và những người đã nuôi giấu các anh, các chị hơn 10 năm nằm gai nếm mật, đấu tranh vì độc lập dân tộc.
Cán bộ, chiến sĩ các Đội công tác nội ô về thăm nhà bà Đường Thị Loan, cơ sở cách mạng năm xưa. Ảnh: N.Đ.N |
Xây dựng mạng lưới cơ sở
Đội công tác nội ô và Đội công tác phường 1 thị xã Tam Kỳ được thành lập tháng 7.1965 tại thôn 7 xã Kỳ Trà, huyện Nam Tam Kỳ (nay là xã Tam Sơn, huyện Núi Thành). Căn cứ ở xa, mỗi khi cán bộ, chiến sĩ vào hoạt động ở các xã nội ô Tam Kỳ phải đi qua biết bao đồn bốt và cơ sở chiếm đóng của địch, rất nguy hiểm. Để thuận lợi hoạt động, các đội công tác xây dựng một số cơ sở cách mạng, trong đó có nhà các ông Huỳnh Sang, Phạm Ngọc Dũng, Vũ Liễn, Nguyễn Hùng Châu, Nguyễn Công Xuất, hay nhà các bà Lê Thị Hồng, Nguyễn Thị Ngọc, trại xay xát Nguyễn Đức Hảo cùng hàng chục cá nhân và nhiều gia đình khác.
Ông Thái Hữu Niệm - nguyên Chủ tịch phường 1, nguyên Bí thư, Đội trưởng Đội công tác phường 1 thị xã Tam Kỳ (giai đoạn 1973 - 1975) cho biết, sau Đại hội Đảng bộ lần thứ I (2.1965), Thị ủy Tam Kỳ thành lập 6 đội công tác phụ trách các địa bàn thị xã. Trong đó, Đội công tác phường 1 phụ trách địa bàn Hương Sơn, Hương Trà (nay là phường Hòa Hương) và Đội công tác nội ô phụ trách dọc theo quốc lộ 1, từ đầu cầu Tam Kỳ đến bến xe cũ (nay thuộc phường Phước Hòa, một phần Hòa Hương và An Sơn). Đội công tác phường 1 và Đội công tác nội ô được các gia đình cơ sở nuôi giấu an toàn.
Ngoài xây dựng được 8 cơ sở nội tuyến trong lính cộng hòa, 6 cơ sở trong lính bảo an, 13 cơ sở trong lính nghĩa quân và 6 cơ sở trong lực lượng ngụy quyền, các đội công tác còn tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên xuống đường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, rải truyền đơn kêu gọi binh lính ngụy đào rã ngũ, bỏ ngũ, phản chiến, chống lệnh hành quân, càn quét. Thành viên các đội công tác còn thám sát rồi lên phương án dẫn đường đưa các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương thực hiện thành công hàng chục vụ diệt ác, phá kèm; đánh hàng chục trận lớn nhỏ, làm tiêu hao sinh lực địch, bẻ gãy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ngụy. Tuy không trực tiếp chiến đấu, nhưng trận đánh nào diễn ra trên địa bàn phụ trách đều có công sức không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ thuộc các đội công tác.
Ý chí cách mạng
Nói là đội nhưng thực ra chỉ có 3 - 4 đồng chí, khi gặp địch tuyệt đối không được nổ súng mà chỉ nhận diện, lên phương án, dẫn đường cho các lực lượng vũ trang đánh địch. Điều kiện hoạt động ở ngay trong lòng địch, nếu sơ hở không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng của các đồng chí trong đội công tác mà còn đe dọa đến sự an nguy của các gia đình cơ sở. Vì vậy, tiêu chuẩn để xét chọn cán bộ, chiến sĩ đội công tác rất nghiêm ngặt. Trong đó, tai phải thính, mắt phải tinh, chân đi thẳng, đặc biệt ưu tiên những người có lòng can đảm, bình tĩnh xử lý tình huống trong mọi trường hợp.
Ông Vũ Văn Trí - nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, nguyên cán bộ Đội công tác nội ô kể: “Tôi tham gia hoạt động cơ sở từ năm 1968, đến năm 1972 thoát ly. Cuối năm 1973, được điều về Đội công tác nội ô thị xã và được tổ chức bố trí ở nhà cơ sở của ông Phạm Ngọc Dũng. Tuy đã 19 tuổi nhưng người nhỏ thó nên ngày mới về đầu quân cho đội công tác, bà Nguyễn Thị Kiểm - Bí thư Chi bộ lúc bấy giờ tỏ ra không vừa lòng. Bà thường hay phàn nàn “hết người rồi hay sao mà phải tuyển đứa con nít như vậy, liệu có chịu được gian khổ, hy sinh, nhất là có chịu được những trận đòn roi của kẻ thù nếu bị địch bắt”. Để tỏ rõ năng lực và sự can đảm của mình, những năm tham gia trong Đội công tác nội ô, tôi đã ra sức học tập, rèn luyện vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm nên nhiều trận đánh khiến cho địch phải bạt vía kinh hồn”.
Các gia đình cơ sở nằm ngay trong lòng địch, trong khi đó địch thường xuyên tổ chức vây ráp, kiểm tra người vào ra nghiêm ngặt, nhất là đối với những người lạ mặt. Nguy hiểm là vậy nhưng các gia đình và những người làm cơ sở vẫn bảo vệ tuyệt mật giúp thành viên đội công tác hoạt động an toàn đến ngày toàn thắng.
Thượng tá Vũ Thiên Hoàng - nguyên Trưởng Công an huyện Trà My (cũ), nguyên Đội trưởng Đội công tác phường 1 (giai đoạn 1969 - 1971) kể: “Được tổ chức phân công về gây dựng cơ sở để làm nơi hoạt động cho đội công tác, địa chỉ đầu tiên tôi nhắm đến chính là cha mẹ mình (ông Vũ Liễn và bà Đường Thị Loan - NV). Trong nhà thường xuyên có 3 thành viên đội công tác được cha mẹ tôi bố trí ở trong căn hầm bí mật ngụy trang dưới bàn thờ tổ tiên. Không chỉ lo cơm ăn, nước uống, lo thuốc thang khi ốm đau, mà gia đình còn canh phòng cẩn mật để các thành viên an toàn thực hiện nhiệm vụ. Nếu địch vây ráp thì gia đình phối hợp với những người làm cơ sở bí mật đưa đội công tác qua sông bằng thuyền nan hoặc canh giữ để mọi người bơi qua sông về căn cứ”.
Mười năm, biết bao gian khổ, hy sinh, biết bao lần bị địch bắt tra tấn dã man nhưng các gia đình và những người làm cơ sở cách mạng ở nội ô thị xã Tam Kỳ đã nuôi giấu, chở che thành viên các đội công tác hoạt động an toàn. Thắng lợi ấy là vô cùng to lớn mà đỉnh cao là hồi 10 giờ 30 phút ngày 24.3.1975 lá cờ cách mạng tung bay trên nóc tòa nhà Tỉnh đường Quảng Tín, thị xã Tam Kỳ được giải phóng.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC