Trong khí thế đồng khởi, địch hoảng loạn bỏ chạy ra Bà Rén, có tên chạy luôn xuống Hội An, ra Đà Nẵng, vô Hà Lam - Thăng Bình. Nhưng sau đó chúng củng cố lại lực lượng phản kích. Từ các cứ điểm, từ vùng địch chiếm chúng thường xuyên triển khai quân càn quét vào Trà Đình, Đồng Tràm, Hương Yên. Du kích dựa giao thông hào, công sự, chiến đấu đánh bật hàng trăm cuộc tiến công của địch trong suốt mấy năm trời.
Tình hình ngày càng trở nên ác liệt, nhưng các phong trào quần chúng vẫn hoạt động sôi nổi. Thanh niên nam nữ theo lời kêu gọi của cách mạng hăng hái lên đường nhập ngũ, thoát ly làm cán bộ, bộ đội. Ở các thôn Đồng Tràm, Trà Đình có hàng chục, hàng trăm thanh niên bước lên “Cầu vinh dự” ra đi cứu nước, giải phóng dân tộc. Bước chân của nam thanh nữ tú Phú Phong trải dài theo những nẻo đường kháng chiến gian nan. Họ ra đi với quyết tâm “chưa tan hết giặc chưa về quê hương”. Và đã có rất nhiều trai tài gái sắc không bao giờ về lại được nơi chôn nhau cắt rốn, họ đã ngã xuống vinh quang trên những chặng đường công tác.
Người ra đi như thế, người ở nhà cũng không kém hiểm nguy, gian khó. Chiến tranh đã đến từng bờ ruộng, bụi tre, ngoài sân trong nhà. Có gia đình đang ngồi ăn cơm trúng quả canh nông của địch cân tới chết cả nhà, có người đang lom khom cấy lúa, một viên đạn xuyên tới sấp mặt xuống bùn, chết mà bó mạ còn nắm trên tay. Ôi chiến tranh đâu phải trò đùa, nhưng trước sự tàn bạo của Mỹ ngụy buộc nhân dân phải vùng dậy, buộc con em họ phải ra trận cầm súng chống lại bạo tàn, giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh, những hành động anh hùng trong làng xóm, trong nhân dân, trong phụ nữ thanh thiếu niên bắt đầu xuất hiện cùng với tấm lòng vị tha rộng mở của người cùng dòng máu Việt.
Sau trận lũ lụt lịch sử vào tháng 11 năm 1964, toàn bộ vùng thấp của đồng bằng Quảng Nam ngập trong bể nước, người chết, nhà cửa sụp đổ, trâu bò heo gà trôi sạch. Trong tình cảnh đó bọn lính ngụy không đi cứu trợ mà còn càn tới bố ráp, đánh phá Phú Phong. Chúng xông vô buồng, vô bồ cướp những ang lúa, sắc khoai, nhảy vô chuồng bắt con heo, con gà còn sót lại. Tay bắt, tay xúc, miệng hô “lấy hết, đốt hết, để lại bọn ngu này cho Việt cộng ăn đánh tụi tau...”. Những người lính có lương tâm được dịp chứng kiến hành vi vô nhân tính của những tên mặt người dạ thú, có lẽ cũng thức dậy trong họ lòng tự tôn dân tộc, tình nghĩa giống nòi. Thực thế, nhiều người trong họ là nạn nhân của chiến tranh, là người “súng Mỹ lòng ta”. Nắm bắt được tư tưởng của một số binh lính qua thư từ trao đổi vận động của gia đình, từ thông tin của cơ sở do cán bộ binh vận xây dựng trong lòng địch, lãnh đạo Phú Phong quyết định tổ chức cuộc đấu tranh chính trị trực diện với quy mô lớn tại chợ Bà Rén nhằm hạ uy thế những tên ác ôn, vạch trần hành động sai trái của chúng, kêu gọi binh sĩ đồng tình với những yêu sách của nhân dân.
Vào sáng sớm của một ngày đầu tháng 12 năm 1964, tháp tùng bà Trần Thị Tân - Trưởng ban Binh vận xã, hàng trăm bà con ở các thôn Đồng Tràm, Trà Đình, Hương Yên kéo ra Bà Rén đấu tranh. Bà con dùng lời lẽ thuyết phục, kêu gọi binh lính: Không bắn pháo vào làng giết chết dân thường; để bà con đi lại mua bán tự do, không đổ mắm muối, tịch thu vải vóc, thuốc tây... của dân mua ở chợ đem về vùng giải phóng; chỉ rõ những hành động bắn giết dã man của địch; kêu gọi binh sĩ bỏ ngũ quay về với nhân dân...
Theo lệnh của chỉ huy, lính xông tới đàn áp đoàn biểu tình. Bà Nguyễn Thị Điển đang thuyết phục binh lính, tên Đồng Sỹ Diện đánh ngang báng súng trật luôn quai hàm, bà bất tỉnh ngã quỵ tại chỗ. Nhưng bà con Phú Phong quyết không sợ, kéo dài cuộc đấu tranh cả mấy tiếng đồng hồ, người đưa yêu sách này, kẻ đưa yêu sách khác, chia lẻ tiếp xúc với binh lính, người dân vùng địch chiếm đi chợ thấy đám đông cũng kéo tới ngầm ý hỗ trợ...
Cuối cùng đến 12 giờ trưa, địch phải chấp nhận các điều kiện dân Phú Phong đưa ra. Từ đó địch tạm thời giảm bắn pháo vào làng, trong lúc hành quân không phá phách đánh đập nhân dân vô cớ, nới lỏng việc mua bán đi lại của dân tại chợ Bà Rén... Sau một vài hôm anh Nguyễn Cảnh Nấng người Đồng Tràm bỏ ngũ về quê thoát ly gia nhập Trung đoàn 31 bộ đội chủ lực Khu 5. Ông Nguyễn Tôn là người lớn tuổi, sống trong nhiều thời kỳ và đã chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng thời Việt Minh, khi địch từ Đà Nẵng vào tiếp thu Quế Sơn, theo yêu cầu của chúng ông ra làm Phó Đại diện xã, nhưng vẫn giữ kín xu hướng thân Cộng. Khi có điều kiện, ông liền bỏ chức, bỏ lương về sinh sống tại xóm Nưng, Đồng Tràm. Trung đội trưởng Nghĩa quân Phú Phong - Nguyễn Thời là cơ sở cách mạng, sau vụ dân quê anh kéo ra đấu tranh, tiếp đến có người bỏ ngũ, những tên phản động gộc bắt đầu dòm ngó anh. Trong tình thế bất lợi, anh vượt đồng, vượt sông chạy về Phú Phong tham gia công tác cách mạng.
Cuộc đấu tranh trực diện của nhân dân Phú Phong không chỉ làm cho kẻ địch phải lùi bước trước những lời lẽ đầy thuyết phục của những người là mẹ chị, là nông dân chân đất quanh năm lam lũ làm ăn mà còn gây tiếng vang lớn, khơi dậy lòng yêu nước ảnh hưởng đến tâm lý tình cảm của người dân, các thương gia, những người có học đang sống trong vùng địch chiếm, tạo điều kiện cho cán bộ xâm nhập gây thêm nhiều cơ sở cách mạng trong quần chúng. Tác dụng rõ nét nhất là góp phần tạo lên khí thế mới trong các làng quê giải phóng, tập dượt cho quần chúng dám tự tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với nhiều hình thức khác nhau: Một người trực diện, một nhóm trực diện, một tập thể đối mặt với kẻ thù trong những năm tháng chiến tranh.
(Còn nữa)