Quảng Ngãi là nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng yên giấc nghìn thu. Tấm lòng người dân Quảng Ngãi đối với cụ trước kia cũng như bây giờ luôn tôn kính…
Thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, nơi cuối năm 1946 cụ Huỳnh đến ở tại nhà bà Võ Thị Tuyết cho đến khi từ trần, vẫn còn những người thời trai trẻ biết rõ cụ Huỳnh sống và làm việc đó. Ông Phạm Đức năm nay tuổi đã gần 90, kể: “Lúc cụ Huỳnh về đây ở và làm việc, tôi còn là một học sinh. Bộ đội thông báo cho dân biết có lãnh đạo cấp cao của Nhà nước về nên người dân tập trung hết hai bên đường rước cụ vào ban đêm. Sau này, người dân chúng tôi gọi cụ là cụ Huỳnh bộ trưởng”. Ông Đức cho biết thêm, hình ảnh cụ Huỳnh mặc áo dài đen, đội khăn đóng rất “cổ” luôn in đậm trong tâm trí mọi người. Bà Nguyễn Thị Đang tuổi ngoài 90, kể rằng, hồi ấy, bà có gặp cụ Huỳnh trong một lần sau khi cụ về chợ Chùa. Bà đem lúa thóc cho bộ đội, tình cờ gặp cụ Huỳnh. Cụ xoa đầu khen bà ngoan, biết giúp đỡ bộ đội. Từ manh mối của ông Đức, bà Đang cung cấp, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Thanh Ba ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, là cháu gọi bà Hương Thừa bằng cố. Bà Hương Thừa là người đã hiến cái hòm để khâm liệm cụ Huỳnh. Ông Ba nói: “Hồi ấy, bà cố tôi là nhà giàu có nên đóng hòm bằng gỗ quý để sẵn trong nhà. Khi nghe tin cụ Huỳnh mất, bà cố bảo ông nội tôi đến chợ Chùa liên hệ với bộ đội để tặng hòm cho cụ nằm lúc nhắm mắt”.
Nhà bà Võ Thị Tuyết, nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng ở và làm việc đến lúc từ trần nay đã thành di tích. Ảnh: D.L |
Đến với Nghĩa Hành hôm nay, những câu chuyện về cụ Huỳnh gắn liền với nơi ngày xưa cụ đã đến ở và hoạt động cách mạng, nay đã thành di tích lịch sử. Những câu chuyện ấy được ông Nguyễn Lãnh, cháu gọi bà Võ Thị Tuyết bằng cố, kể cho những người khách đến thăm di tích, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên, học sinh về thăm “địa chỉ đỏ”, tìm hiểu lịch sử. Bà nội của ông Lãnh là bà Nguyễn Thị Em - người lo cơm nước cho cụ Huỳnh cho đến lúc cuối đời. Bà nội ông kể lại, lúc ấy, cụ Huỳnh rất thích uống nước chè xanh, giống như ở quê nhà cụ vẫn hay uống. Nhưng cụ bị bệnh dạ dày mãn tính nên ăn uống rất cẩn thận. Lúc cụ bệnh nặng, cán bộ cách mạng rất lo, mua thuốc bổ cho cụ nhưng cụ kiên quyết không nhận vì cho rằng bệnh mình không cứu được nữa, để thuốc tốt lại cho người còn cứu được. Rồi cụ Huỳnh mong muốn khi chết đi, được chôn ở núi Thiên Ấn, đầu hướng về Quảng Nam. Đám tang cụ, người dân khắp nơi đổ về khóc thương, ai cũng để tang cụ bằng rẻo băng đen gắn lên ngực.
Nhà bà Võ Thị Tuyết đã thành di tích lịch sử, cùng với mộ cụ Huỳnh trên núi Thiên Ấn, trở thành một địa chỉ đỏ trong những đợt hành quân về nguồn của thế hệ trẻ. Nơi đây được các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ngãi chăm lo tôn tạo, bảo tồn.
Cụ Huỳnh được người dân Quảng Ngãi tôn kính. |
Ông Phan Bình - Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: “Đối với khu di tích Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ là nơi cụ Huỳnh ở và hoạt động cách mạng, huyện đã đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng, mở rộng, đã có dự án đầu tư cho toàn bộ khu vực này là 49 tỷ đồng. Sau khi được trùng tu, mở rộng, nơi đây sẽ thành một điểm đến thiêng liêng của mọi người dân trong và ngoài tỉnh, là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.
Về phần mộ của cụ Huỳnh trên núi Thiên Ấn, ông Lê Hồng Khánh - Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi cho biết, luôn có người bảo vệ, chăm sóc, giữ gìn phần mộ cụ Huỳnh. Đồng thời người bảo vệ kiêm nhiệm vụ đón tiếp khách đến thăm, cung cấp hương đèn để khách dâng hương mộ cụ Huỳnh. Khu mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trở thành điểm đến dâng hương của người dân Quảng Ngãi, Quảng Nam và các đoàn khách trong và ngoài tỉnh.
DIỄM LỆ