Lồng ghép các dự án đầu tư miền núi: Thiết thực & hiệu quả

ALĂNG NGƯỚC 10/08/2016 10:09

Việc đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Nam Giang theo phương thức lồng ghép các nguồn vốn mục tiêu để hoàn thiện công trình là cách làm mới, phù hợp với địa bàn miền núi và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Lồng ghép vốn đầu tư

Nhiều năm trước, khu tái định cư thôn Pà Xua, xã Ta Bhing (huyện Nam Giang) được triển khai đầu tư xây dựng theo dự án chương trình chính sách dân tộc của Chính phủ với tổng diện tích hơn 5ha. Sau một thời gian thực hiện với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, năm 2015 khu tái định cư Pà Xua đã được hoàn thành trong niềm vui của mọi người, đảm bảo điều kiện sinh sống cho 54 hộ đồng bào Cơ Tu tại địa phương.

Là một trong 54 hộ dân được chuyển về khu tái định cư mới, chị Aviết Hát không giấu được vui mừng khi cuộc sống gia đình giờ đã dần ổn định. Không chỉ có đất ở, đất sản xuất, vợ chồng chị còn được Nhà nước hỗ trợ thêm 1 con bò giống để phát triển kinh tế gia đình. “Trước đây nhà của mình nằm trên núi cao, đi lại khó khăn lắm. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ cho gia đình nghèo về đây sinh sống, có trường cho con đi học, có đường đi xe máy thuận tiện, cuộc sống tốt hơn nhiều” - chị Hát chia sẻ.

Việc lồng ghép nguồn vốn đầu tư sẽ là cơ hội thay đổi diện mạo miền núi Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Việc lồng ghép nguồn vốn đầu tư sẽ là cơ hội thay đổi diện mạo miền núi Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo lãnh đạo chính quyền địa phương, cùng với nhiều khu tái định cư khác trên địa bàn, Pà Xua là một trong những dự án được đầu tư đầy đủ các công trình: điện, đường, trường, trạm và nước sinh hoạt, đảm bảo phục vụ cuộc sống người dân được tốt hơn.

Bà Aviết Xinh - Phó Chủ tịch UBND xã Ta Bhing cho biết, chủ trương lồng ghép các nguồn vốn đầu tư theo dự án vùng đồng bào DTTS lâu nay luôn được xem là một trong những việc làm đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác đầu tư tại miền núi. Nhiều chương trình, dự án có nguồn vốn nhỏ lẻ khi triển khai không đáp ứng với nhu cầu đầu tư tại địa phương, vì thế chính quyền đã linh hoạt việc lồng ghép nhằm tránh xảy ra tình trạng đầu tư nửa vời do thiếu vốn. “Thực tế việc lồng ghép vốn đầu tư để triển khai các dự án khu tái định cư tại địa phương đã cho thấy được kết quả khả quan, giúp người dân ổn định về cuộc sống, yên tâm trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, việc đầu tư hỗ trợ về điện, đường, trường, trạm và con giống vật nuôi, cũng tạo điều kiện giúp người dân thay đổi cuộc sống, nhất là thay đổi tập quán trong canh tác, sinh hoạt” - bà Xinh cho biết thêm.

Không chỉ khu tái định cư Pà Xua, ở huyện Nam Giang còn có nhiều công trình trọng điểm phát triển ở vùng đồng bào DTTS cũng đã được lồng ghép từ nhiều nguồn vốn của trung ương, của tỉnh như Quyết định 33, Chương trình 135, 30b của Chính phủ, 30c của tỉnh và các chương trình đầu tư khu vực giáp Tây Nguyên… Hầu hết chương trình được triển khai theo mô hình lồng ghép nguồn vốn đều mang lại nhiều kết quả đáng mừng, nhất là trong việc đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao đời sống người dân

Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, việc lồng ghép nguồn vốn từ các chính sách đầu tư của Nhà nước được địa phương thực hiện trong những năm qua đã làm thay đổi bộ mặt đời sống người dân, hướng đến mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS. “Không chỉ cơ sở hạ tầng mà kể cả việc hỗ trợ ổn định đời sống sinh hoạt sản xuất cho người dân cũng cần phải được được lồng ghép, tạo nguồn lực tổng hợp trong đầu tư. Riêng về chính sách dân tộc, trong những năm qua chúng tôi cũng đã thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn cơ bản và ngân sách huyện nhằm đảm bảo cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và góp phần đưa đời sống của người dân ngày càng đi lên” - ông Mai chia sẻ.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, ông Mai cũng nhiều lần đề cập việc không nên đầu tư dàn trải các công trình dự án cho vùng đồng bào DTTS, mà cần phải đầu tư một cách đồng bộ nhằm đem lại hiệu quả thiết thực.

Ông Mai đưa ra nhiều dẫn chứng về kết quả việc đầu tư chính sách dân tộc tại địa phương, trong đó có việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, định canh định cư, nông thôn mới… nhưng do bố trí nguồn vốn không phù hợp nên dẫn đến tình trạng “thiếu trên, hụt dưới”. Do vậy, ông Mai đề nghị tỉnh cần bố trí nguồn vốn hỗ trợ một cách hợp lý với thực tế tại nhiều địa phương miền núi, trong đó có Nam Giang, nhằm vừa tạo được nguồn vốn lớn để giải quyết dứt điểm nhu cầu bức thiết của người dân, vừa tránh lặp tình trạng đầu tư dàn trải, không đem lại hiệu quả như mục tiêu mong muốn. Vấn đề này cũng được ông Mai nhấn mạnh với các nguồn vốn đầu tư triển khai chương trình mục tiêu nông thôn mới.

Mới đây, tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về công tác dân tộc được tổ chức tại huyện Tây Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ghi nhận và đồng tình với cách làm hay của các địa phương miền núi trong việc lồng ghép nguồn vốn đầu tư theo chính sách ưu tiên đặc thù vùng đồng bào DTTS. Ông Thanh nhấn mạnh, việc đầu tư lồng ghép nhiều nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất như cách làm ở miền núi trong thời gian qua, sẽ là động lực để giúp khu vực này đổi thay và giúp đồng bào DTTS nhanh chóng thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là trong giai đoạn ngân sách hạn hẹp và thực hiện luật đầu tư công như hiện nay. “Trong chính sách đầu tư, UBND tỉnh đặc biệt ưu tiên cho hai nội dung lớn, đó là sắp xếp bố trí lại dân cư ở khu vực miền núi và đẩy mạnh các mô hình phát triển sản xuất gắn với bố trí sắp xếp dân cư, làm sao để người dân sống gắn bó với rừng, hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng tốt hơn” - ông Lê Trí Thanh nói.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lồng ghép các dự án đầu tư miền núi: Thiết thực & hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO