Được xem là biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa, kiến trúc giữa Thái Lan và phương Tây trong những năm đầu thế kỷ 20, cung điện Ananta Samakhom (Băng Cốc) trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với đất nước này.
Cung điện Ananta Samakhom được xây dựng theo phong cách kiến trúc Ý thời Phục hưng. |
Được xây dựng năm 1906 bởi vua Chulalongkorn (vua Rama V) để làm nơi đón tiếp khách nước ngoài và tổ chức các hội nghị của hội đồng cố vấn hoàng gia về vấn đề phát triển đất nước, cung điện Ananta Samakhom do hai kỹ sư người Ý là Mario Tamango và Annibale Rigotti thiết kế theo kiến trúc Italy thời Phục hưng với vật liệu sử dụng phần lớn là đá Cẩm Thạch được chuyên chở từ Canada và nước Ý. Bên trong cung điện ngoài các vật dụng trang trí tinh xảo thể hiện đời sống hoàng cung như ngai vàng, ghế đặt trên lưng voi dành cho vua, lọng che, mô hình thuyền rồng của nhà vua hay vàng bạc, kim cương, đá quý… thì còn trưng bày tác phẩm nghệ thuật được làm bởi học sinh, sinh viên tại Trung tâm dạy nghề Chitralada của hoàng gia dành cho người nghèo. Một điểm nhấn của cung điện chính là những trang trí trên mái vòm như một bức bích họa tuyệt mỹ về những sự kiện của hoàng gia từ thời vua Rama I đến vua Rama VI. Đặc biệt, tham quan cung điện, du khách sẽ kinh ngạc với bộ chén đĩa bằng bạc được vua Bumilbol Adulayadet (vua Rama IX) dùng tiếp đãi khách quý là các quốc vương trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày lên ngôi (1946 - 2006). Trong đó, nổi bật là những con thiên nga bằng vàng lớn như thật được đặt trang trọng trên bàn. Đây là bộ vật dụng ngự tiệc được chế tác dành riêng cho vua trong dịp lễ kỷ niệm ngày lên ngôi và chỉ được sử dụng một lần.
Giống như những nơi trang nghiêm khác, tham quan cung điện Ananta Samakhom, du khách phải vận trang phục lịch lãm, tuyệt đối cấm nam mặc quần lửng, áo sát nách, riêng nữ không chỉ cấm mặc váy hoặc quần cao quá gối, ngay cả quần 2 ống cũng không được mặc mà phải quấn xà rông – váy truyền thống của các cô gái Thái. Tuy nhiên, du khách không phải lo lắng vì sẽ được mua xà rông tại quầy kiểm soát với giá khoảng 35 nghìn đồng/cái, đây cũng là vật kỷ niệm cho chuyến đi. Ngoài ra, du khách không được mang bất kỳ thiết bị điện thoại, điện tử nào vào bên trong, nên đến nay rất hiếm hình ảnh bên trong cung điện lọt được ra ngoài. Điều này càng mang đến sự tiếc rẻ cho du khách khi vào tham quan vì không thể ghi lại hình ảnh những hiện vật quý giá nơi đây. Nhưng cũng vì thế càng làm cho cung điện Ananta Samakhom thêm kỳ bí và hấp dẫn, lôi cuốn khiến ai cũng muốn được một lần đến thăm.
KHÁNH LINH